Thực tiễn hơn 7 năm thi hành Luật Thanh niên cho thấy Luật đã tạo cơ sở
pháp lý quan trọng cho việc ban hành các chính sách, pháp luật cho thanh
niên; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên đối với
đất nước và xã hội, từng bước hình thành nguồn nhân lực trẻ có chất
lượng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
và hội nhập quốc tế.
Để sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2005 cho phù hợp với Hiến pháp
và hệ thống pháp luật, sáng 18/3, Bộ Nội vụ phối hợp với Quỹ Dân số Liên
hợp quốc tại Việt Nam và Đoàn Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội
nghị tham vấn thanh niên về sửa đổi, bổ sung Luật này.
Thực tiễn hơn 7 năm thi hành Luật Thanh niên cho thấy Luật đã tạo cơ sở
pháp lý quan trọng cho việc ban hành các chính sách, pháp luật cho thanh
niên; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên đối với
đất nước và xã hội, từng bước hình thành nguồn nhân lực trẻ có chất
lượng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, đến nay, Luật đã bộc lộ những bất cập cần phải nghiên cứu,
sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của thanh
niên Việt Nam và sự phát triển của đất nước.
Các đại biểu cho rằng độ tuổi của thanh niên quy định trong Luật Thanh
niên chưa có sự thống nhất với độ tuổi trẻ em quy định trong Luật Bảo vệ
chăm sóc, giáo dục trẻ em. Các điều khoản quy định về quyền và nghĩa vụ
của thanh niên còn chung chung, thiếu cụ thể, chưa phân định rõ quyền
của thanh niên và nghĩa vụ của thanh niên dẫn đến khó khăn trong việc áp
dụng và hướng dẫn triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, các quy định của Luật cũng chưa xuất phát từ nhu cầu, đòi
hỏi, nguyện vọng chính đáng của thanh niên. Các quy định chủ yếu dựa
trên năng lực và khả năng đáp ứng của các cơ quan nhà nước đối với thanh
niên. Luật chưa quy định cơ chế tạo điều kiện, khuyến khích và bảo đảm
sự tham gia của thanh niên trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện
chính sách, pháp luật có liên quan đến thanh niên. Thanh niên chưa phát
huy và thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình trong việc tham
gia xây dựng chính sách, pháp luật cho chính thanh niên.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến kiến nghị đã được đề xuất, nhấn mạnh đến việc
bổ sung thêm nghĩa vụ của thanh niên tham gia góp ý, phản biện, giám
sát trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách, pháp luật có
liên quan tới thanh niên; bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong việc
bảo đảm, tạo điều kiện để thanh niên tham gia trong việc xây dựng và
thực thi chính sách, pháp luật có liên quan đến thanh niên.
Các ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung làm rõ quyền và nghĩa vụ của thanh
niên theo các quyền, nghĩa vụ của công dân đã được quy định tại Hiến
pháp năm 2013; đồng thời bổ sung quy định Nhà nước bảo đảm kinh phí để
triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia nhằm phát triển
thanh niên.
Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, ông Arthur Erken
cho rằng thế hệ trẻ là thành phần cốt lõi của xã hội, đầu tư cho thế hệ
trẻ là đầu tư cho tương lai, do vậy gia đình và xã hội cần có sự đầu tư
để thanh niên có kiến thức, kinh nghiệm và năng lực, có cuộc sống khỏe
mạnh và có việc làm phù hợp, phát huy được khả năng của mình. Người trẻ
cần được đặt vào trung tâm của quá trình phát triển đất nước. Quá trình
phát triển và công bằng xã hội chỉ có thể đạt được khi chúng ta lắng
nghe tiếng nói của những người trẻ trong chương trình thực hiện chính
sách và thanh niên được tham gia tích cực, đầy đủ vào việc giám sát quá
trình thực hiện chính sách liên quan đến họ.
Thể chế hóa các quy định thông qua một đạo luật về thanh niên và có
nguồn ngân sách để thực hiện các chính sách liên quan đến thanh niên là
điều quan trọng để phát huy những tiềm năng vốn có của thanh niên./.
Theo TTXVN