Thứ Tư, 2/10/2024
Sức khỏe
Chủ Nhật, 3/1/2010 13:22'(GMT+7)

Sức khoẻ cho những ngày cuối năm

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hãy cứ tạm gọi là những vấn đề sức khoẻ của cuối năm và thử xem có những chuyện gì đáng quan ngại. Cũng khá nhiều vấn đề, chỉ xin nói ba "hội chứng" hay gặp.

Thứ nhất là những xìtrét (stress) từ đủ nguyên nhân khác nhau dồn ứ lại từ trong cả năm. Nợ nần, thanh quyết toán, khắc phục những hậu quả, những dự định chưa hoàn thành...  Muốn trốn cũng không được, muốn chút thanh thản cũng không xong. Đành phải vất vả lo nghĩ, trằn trọc giấc chẳng lành vắt óc tìm cách giải quyết. Tự nhiên thấy căng thẳng, mệt mỏi; vịn vào càphê, nước chè đặc, thuốc lá để có sức mà gồng mình lên lại chỉ là một kích thích tạm thời, sau đó càng uể oải. Tất cả trở thành quá tải, thành gánh nặng, sức ép về tâm lý, tâm trạng. Thế là bị xìtrét, đấy chính là stress theo đúng nghĩa y học, ngay cả mấy ông bác sĩ biết mà cũng không phòng được. Cũng khó.

Câu chuyện thứ hai là giao thông-đi lại. Các thống kê của nhiều ngành liên quan đều cho thấy tỉ lệ tai nạn giao thông tăng cao so với những tháng giữa năm. Công việc nhiều tất phải đi lại nhiều. Người đi đường như thế, lại gặp cảnh đường đông, ùn tắc, bụi bặm, khói xả ô nhiễm...  Nhức đầu, cao huyết áp, cáu kỉnh, bực tức trở thành những yếu tố bất lợi về hùa với tai nạn giao thông đủ các mức độ, thậm chí gây tử vong. Nhưng ai mà chẳng phải ra đường, từ cháu bé đi nhà trẻ mẫu giáo đến cụ về hưu đi lấy lương hưu. Cần thiết phải nghĩ một tý cho cái việc đi ra đường theo "tư duy sức khoẻ".

Còn việc thứ ba là đối phó với áp lực quá tải của những cuộc ăn. Phải gọi như vậy vì không còn là những bữa cơm gia đình ấm cúng ngon miệng. Cuối năm nhiều dịp được mời, cưới hỏi này, giỗ chạp này, liên hoan tổng kết này, các loại rửa xe, rửa nhà rửa "ghế" nữa. Dân ta có "tâm hồn ăn uống" lai láng, lại văn hoá ẩm thực tầm cỡ quốc tế, thế nên chỉ biết bày tỏ tâm tình qua bữa cơm "thân mật" vô cùng thịnh soạn.

Sao tưởng là ăn liên hoan thì nhiều món tẩm bổ chứ! Rồi "anh uống em vui" chứ!

Xin thưa là, văn hoá ẩm thực không phải bao giờ cũng đồng nghĩa với dinh dưỡng khoa học. Trước hết, người Nam ta cơm không rau như đau không thuốc, không quen với thực phẩm giàu đạm, nhiều mỡ nên sau bữa liên hoan, bộ máy tiêu hoá phải làm việc rất vất vả, quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng kéo dài. Ta thường quên mất khi ta ăn ngon ăn no quá nhiều chất thì đó là lúc toàn bộ các cơ quan tiêu hoá và bài tiết đang phải âm thầm huy động tối đa công suất, phải làm "thêm ca, thêm giờ" đấy. Các ông chủ là ta nếu không khéo quản lý thu xếp thì cái nhà máy dạ dày, ruột non, ruột già, gan, thận, tụy...  sẽ phải vận hành quá tải, rồi trục trặc, rồi đình công lãn công cho ra các loại sản phẩm kém chất lượng ở cả "đầu ra" và cả "đầu vào". Ai may hơn thì cũng sẽ biết mùi sản phẩm tồn kho với các bệnh như đi tiểu không phải trong toalét (tiểu đường), bệnh "quá tốt kiểu tiếng Anh": bệnh gút (Gout), rồi thừa cân, mỡ máu v.v...  và v.v...  Có thể kể thêm hậu quả của uống nhiều say xỉn, suy gan và tai nạn các loại do say rượu bia.

Năm hết Tết đến thì giờ ít ỏi như vàng , chỉ xin có vài lời "đọc kỹ trước khi sử dụng " hãy dành ra những phút vừa vừa để lo đến sức khoẻ trong dịp cuối năm này, sang năm còn có dịp mà chúc nhau mạnh khoẻ. Tránh stress, cẩn trọng không vội vã khi ra đường, chủ động ăn uống vừa miệng, sức khoẻ là trên hết, biết nói không với bất cứ cái gì quá độ./.

(Theo Lao động điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất