Thứ Tư, 2/10/2024
Sức khỏe
Thứ Ba, 29/12/2009 22:47'(GMT+7)

Một năm quyết liệt phòng, chống dịch bệnh

Tiêu độc khử trùng ngăn chặn dịch cúm A (H1N1) tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Tiêu độc khử trùng ngăn chặn dịch cúm A (H1N1) tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Dịch bệnh lây lan trên diện rộng

Với ngành y tế, năm 2009 được cho là căng thẳng nhất trong những năm gần đây về công tác phòng, chống dịch bệnh cho người dân, khi nhiều loại dịch bệnh liên tục xảy ra và kéo dài. Trong đó các dịch được xếp vào loại nguy hiểm cần kiểm soát chặt chẽ là: cúm A (H1N1), cúm A (H5N1), sốt xuất huyết (SXH), tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả. Có thời điểm dịch này chưa hết lại xuất hiện dịch khác. Giai đoạn cao điểm nhất, cùng một lúc xuất hiện ba loại dịch nguy hiểm: cúm A (H1N1), cúm A (H5N1) và SXH.  Trong đó, cúm A (H1N1) xâm nhập vào nước ta đã nhanh chóng lan rộng trong cộng đồng. Dịch lây lan trên phạm vi toàn quốc, tại tất cả 63 tỉnh, thành phố với số người mắc và tử vong ghi nhận ngày một tăng. Ðến hết năm 2009, nước ta đã ghi nhận hơn 11 nghìn người dương tính với cúm A (H1N1), trong đó có 52 trường hợp tử vong. Dịch tăng nhanh đến mức chỉ sau khoảng năm, sáu tháng kể từ trường hợp mắc đầu tiên, ngành y tế đã dừng xét nghiệm số mắc mới trong cộng đồng, mà chỉ tập trung giám sát trọng điểm và điều trị cho những trường hợp nặng, những người thuộc nhóm có nguy cơ cao.

Trong năm 2009, cả nước ghi nhận năm trường hợp mắc cúm A (H5N1) tại các tỉnh Quảng Ninh, Ðồng Tháp, Ninh Bình,Thanh Hóa và Ðiện Biên, tuy có giảm so với năm trước, nhưng cả năm trường hợp này đều tử vong. Ðáng chú ý, Việt Nam hiện nay là một trong hai nước trên thế giới (cùng với Ai Cập) vẫn rải rác ghi nhận có người mắc và chết do cúm A (H5N1). Nguy cơ mắc cúm A (H5N1) ở người vẫn tiềm ẩn vì vẫn còn ghi nhận dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm. Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm, thì cúm gia cầm đã tái phát trở lại sau nhiều tháng không có dịch, nếu các địa phương không triển khai tốt công tác tiêm phòng, giám sát chặt chẽ đàn gia cầm thì khả năng bùng phát dịch thời gian tới là rất cao.  Nhất là từ nay tới Tết Nguyên đán việc lưu thông, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm tăng cao. Các địa phương cần thực hiện tốt quản lý chất lượng giống vật nuôi, giám sát chặt chẽ giống gà, vịt nhập khẩu để chủ động ứng phó với dịch cúm gia cầm. Các nhà dịch tễ khẳng định, không có cúm A (H5N1) trên gia cầm thì sẽ không có cúm A (H5N1) trên người.

Dịch SXH tiếp tục làm "đau đầu" nhiều nhà hoạch định cũng như quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân trên thế giới. Tuy không phải là dịch mới xuất hiện, nhưng vẫn được ghi nhận đang lưu hành tại hơn 100 nước thuộc các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Có khoảng 2,5 tỷ người sống trong khu vực có nguy cơ mắc bệnh, hằng năm có khoảng 50 đến 100 triệu người mắc SXH, trong đó có khoảng 5% số người mắc bệnh có thể tử vong. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2009 ghi nhận 93.339 trường hợp mắc và 81 người tử vong do SXH  tại 41 tỉnh, thành phố. So với cùng kỳ năm 2008, số mắc tăng 1,7%, số tử vong giảm 8,98% (giảm chín trường hợp). Tuy nhiên, hai điểm đáng chú ý về dịch SXH trong năm 2009 là: "tiến công" vào người lớn (trước đây phần lớn các trường hợp mắc SXH là trẻ em) và dịch chuyển ra các tỉnh phía bắc, miền trung, Tây Nguyên với số trường hợp mắc có xu hướng tăng nhiều hơn so với năm 2008. Tại Hà Nội đã ghi nhận 8.786 trường hợp mắc SXH tại 363 xã, phường (chiếm 62,9% số xã, phường) của tất cả 29 quận, huyện của thành phố, trong đó có hai trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2008, số mắc trên địa bàn Hà Nội tăng 8,9 lần. Dịch phân bố trên diện rộng, mức độ nhỏ và trung bình và ở các nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên, lao động tự do.

Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch

Việc xuất hiện nhiều loại dịch và kéo dài, nhất là dịch cúm A (H1N1) là một thử thách của cả hệ thống y tế, từ dự phòng đến điều trị; từ y tế cơ sở đến y tế chuyên sâu. Tuy vậy, bằng sự nỗ lực và vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ trung ương xuống địa phương, trong đó ngành y tế đóng vai trò nòng cốt trong việc triển khai các biện pháp đối phó với dịch. Khi thế giới công bố đại dịch cúm A (H1N1) thì Việt Nam cũng đã có một bản kế hoạch quốc gia phòng, chống đại dịch được các chuyên gia đánh giá là khá đầy đủ và chi tiết. Các hoạt động phòng, chống dịch bệnh đã được chủ động triển khai quyết liệt và đồng bộ; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, huy động sự tham gia tích cực của nhân dân thông qua tăng cường hệ thống giám sát dịch bệnh tại cộng đồng, kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ ngay tại các cửa khẩu quốc tế để phát hiện sớm, xử lý kịp thời những trường hợp mắc bệnh. Ðẩy mạnh công tác truyền thông vận động người dân, các ban, ngành, đoàn thể tham gia phòng, chống dịch. Bảo đảm dự trữ và cấp phát đủ, kịp thời hóa chất, trang thiết bị, vật tư cho công tác phòng, chống dịch. Chính vì vậy, đến thời điểm này, nhìn chung tình hình dịch bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Trong hàng chục năm nay, thế giới chưa chứng kiến một loại dịch bệnh có nhịp độ lây lan nhanh như cúm A (H1N1). Chỉ trong thời gian ngắn, WHO thừa nhận không thể ngăn chặn được sự lây lan của vi-rút cúm A (H1N1). Các chuyên gia dịch tễ trên thế giới nhận định số mắc thực tế có thể cao gấp mười, thậm chí 20 lần con số thực tế. Ở nước ta, nhờ sự kiểm soát dịch chặt chẽ, cho nên kể từ trường hợp dương tính với cúm A (H1N1) đầu tiên (ngày 31-5) thì phải mất gần 50 ngày, dịch bắt đầu có dấu hiệu lây lan ra cộng đồng. Trong khi ở các nước khác dịch bắt  đầu lan tràn trong cộng đồng trung bình sau hai đến bốn tuần. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người liên tục đưa ra các đối sách phù hợp  tình hình dịch tại từng thời điểm, từng khu vực. Tuy dịch cúm A (H1N1) đã lây lan tại 63 tỉnh, thành phố trong nước với hơn 11 nghìn trường hợp mắc, nhưng nhìn chung vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Ngành y tế không xét nghiệm xác định ồ ạt như trước đây mà chuyển sang tập trung giám sát các trường hợp cúm tại cộng đồng, tại 15 điểm giám sát cúm quốc gia để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch và theo dõi sự biến đổi gien, tính kháng thuốc của vi-rút cúm A (H1N1) để đưa ra các giải pháp trong công tác phòng và điều trị. Các đơn vị y tế tại các địa phương tiếp tục thực hiện các hoạt động giám sát, theo dõi tình hình dịch tại cộng đồng theo hướng dẫn giám sát phòng, chống cúm A (H1N1) đã được Bộ Y tế phê duyệt.

Cúm A (H1N1) là một dịch mới, kinh nghiệm điều trị chưa nhiều, nhưng với sự quyết tâm, tập trung cao độ, các phương pháp điều trị được các chuyên gia đầu ngành bàn bạc, tính toán kỹ trước khi đưa vào áp dụng. Phác đồ điều trị luôn được cập nhật và thay đổi phù hợp để đem lại hiệu quả cao nhất. Vì vậy, đến nay, theo đánh giá của các nước trên thế giới, công tác điều trị cúm A (H1N1) ở Việt Nam đạt hiệu quả cao. Cả nước ghi nhận có 52 người tử vong do cúm A (H1N1) tại 19 tỉnh, thành phố. Các trường hợp tử vong chủ yếu nằm trong nhóm nguy cơ cao: người có tiền sử mắc bệnh mạn tính (54,76%) và phụ nữ có thai (23,81%), và một số người bệnh đến cơ sở điều trị muộn (sau  ba đến mười ngày). Trong khi đó tại nhiều nước trên thế giới đến thời điểm này có số người chết do cúm A (H1N1) cao như: Mexico, Ấn Ðộ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái-lan...

Tăng cường phối hợp liên ngành 

Căn cứ tình hình dịch bệnh trên thế giới và diễn biến dịch bệnh trong nước trong những năm vừa qua, ngành y tế dự báo dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp trong nhiều năm nữa. Dịch cúm A (H1N1) tiếp tục lây lan trong cộng đồng, có thể tăng mạnh trong mùa đông xuân, có nhiều trường hợp là đối tượng có nguy cơ cao sẽ khiến số người bệnh tử vong tăng nếu hệ thống điều trị không đáp ứng kịp thời. Dịch cúm A (H5N1) tiếp tục là nguy cơ tiềm ẩn, nhất là trong mùa lạnh, cũng như dịch cúm trên gia cầm vẫn còn xảy ra rải rác. Dịch SXH đang phải đối mặt với những khó khăn: biến đổi khí hậu, bệnh SXH trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; tốc độ đô thị hoá nhanh, số dân nhập cư vào đô thị lớn, các công trường xây dựng mọc nhanh tại các khu đô thị rất khó kiểm soát; thói quen trữ nước sinh hoạt của đại bộ phận người dân khu vực đồng bằng Nam Bộ và những khu đô thị chưa được cung cấp đầy đủ nước sinh hoạt là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh ngay trong mỗi gia đình. Ngoài ra, dịch tiêu chảy cấp có thể xuất hiện trở lại vào dịp cuối năm, khi có sự giao lưu, tập trung ăn uống đông người gia tăng... Rồi một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi: Ê-bô-la, Sốt thung lũng Rilf, Chikungunia... đang xảy ra tại một số quốc gia trên thế giới có nguy cơ xâm nhập vào nước ta.

Ðể công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao, giảm ảnh hưởng của dịch bệnh đối với sức khỏe người dân, ngoài sự chủ động của ngành y tế, cần có sự tham gia tích cực của các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể người dân. Ðặc biệt cần có sự chủ động hơn nữa và có sự phối hợp liên ngành trong việc thực hiện các hoạt động đối phó  dịch bệnh. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch từ Trung ương đến địa phương, chỉ đạo các biện pháp chống dịch theo từng giai đoạn dịch. Kiện toàn tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể, bổ sung cán bộ tham gia công tác phòng, chống dịch; bổ sung trang thiết bị, hóa chất, thuốc phục vụ công tác phòng, chống dịch. Tăng cường năng lực cho các đội cơ động chống dịch các tuyến Trung ương, tỉnh, huyện. Tăng cường công tác đào tạo cán bộ để nâng cao khả năng giám sát, phát hiện, và xử lý dịch các tuyến; phát hiện sớm các trường hợp mắc, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch, không để dịch lan rộng, kéo dài. Ðẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh phòng dịch. Mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cũng như triển khai các biện pháp phòng dịch. Cần có chính sách đãi ngộ hợp lý cho cán bộ làm công tác phòng, chống dịch về lương, phụ cấp lương, phụ cấp đặc biệt cho công tác phòng, chống dịch. Qua việc đối phó với dịch trong năm qua cho thấy,  cần khắc phục tình trạng một bộ phận người dân không hợp tác chặt chẽ với ngành y tế trong việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh, do đó hiệu quả chưa cao. Một số nơi, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm, tham gia tích cực trong công tác phòng, chống dịch./.
 
(Theo: Trung Hiếu/ND)


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất