Hưởng ứng “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2017”, chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 40 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào và 50 năm kết nghĩa và ký kết hợp tác phát triển giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn, ngày 19/5/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 763-QĐ/TU về việc thành lập Ban Tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào".
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 69-KH/TGTU, ngày 26/5/2017 về tổ chức Cuộc thi Tìm hiểu Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trên địa bàn tỉnh; phân công các thành viên Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai cuộc thi ở cơ sở. Sau gần 3 tháng phát động, cuộc thi đã thu hút đông đảo các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương từ miền núi cao tới các xã đảo và đông đảo cán bộ, đảng viên, đồng bào các dân tộc trong tỉnh hưởng ứng tham gia, tạo sự lan tỏa và nâng cao nhận thức sâu sắc cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về tình đoàn kết hữu nghị và sự hợp tác cùng phát triển giữa Việt Nam - Lào và Thanh Hóa - Hủa Phăn.
Ban Tổ chức cuộc thi đã ban hành Thể lệ, tổ chức họp phân công nhiệm vụ cho các thành viên, đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện. Trên cơ sở kế hoạch, thể lệ của tỉnh, các cấp ủy Đảng triển khai, phát động cuộc thi phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị mình, thành lập Ban Tổ chức cuộc thi, bố trí nguồn kinh phí để triển khai, kiểm tra, đôn đốc, cổ vũ, động viên, hướng dẫn các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Với chức năng tham mưu, Ban Tuyên giáo các huyện, thị xã, thành phố, các Đảng bộ trực thuộc tỉnh và một số Sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã ban hành Kế hoạch và các văn bản triển khai, phát động phù hợp với từng địa phương, đơn vị, tổ chức triển khai tới đơn vị cơ sở. Toàn tỉnh có 34/34 Đảng bộ trực thuộc thành lập được Ban tổ chức cuộc thi. Nhiều đơn vị vừa khuyến khích, động viên các tập thể và cá nhân tích cự tham gia cuộc thi, vừa giao chỉ tiêu về số lượng, chất lượng, chọn đơn vị, điểm tập trung chỉ đạo đảm bảo sự thành công của cuộc thi trên địa bàn.
Công tác tuyên truyền, phổ biến về cuộc thi đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực thực hiện kịp thời và đạt kết quả tốt. Báo Thanh Hóa, Báo Văn hóa và Đời sống, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn thanh niên, các đoàn thể cấp tỉnh; đội ngũ báo cáo viên, Đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghiac cuộc thi; hướng dẫn, tuyên truyền, giới thiệu tài liệu tham khảo và "Đề cương gợi ý một số nội dung chính trong 13 chủ đề thi viết tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào"; cung cấp nhiều thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo người dân tham gia. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức các đoàn kiểm tra một số đơn vị, như: Thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, các huyện: Triệu Sơn, Yên Định, Như Thanh, ... rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, hướng dẫn triển khai cuộc thi toàn tỉnh.
Với tình cảm gắn bó và tình đoàn kết hữu nghị sâu sắc giữa Việt Nam - Lào và Lào - Việt Nam, sau khi phát động, nhiều địa phương, đơn vị có nhiều tập thể và cá nhân tích cực tham gia, bài thi đạt chất lượng tốt như: Thành phố Sầm Sơn, Công an tỉnh, huyện Như Thanh, Đông Sơn, Tĩnh Gia, Yên Định, Nga Sơn, Như Xuân, Quan Sơn, Đảng bộ Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy, Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh,... Đối tượng tham gia cuộc thi thuộc nhiều thành phần dân tộc khác nhau, lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ khác nhau, trong đó: Cán bộ, đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh: 316.719 bài; cựu chiến binh: 2.038 bài; người dân tộc thiểu số: 918 bài; tôn giáo 572 bài; số còn lại là hội viên, đoàn viên các tổ chức chính trị - xã hội. Trong số các bài gửi về tỉnh, bài dự thi của người cao tuổi nhất là cựu chiến binh Nguyễn Bá Sáu 88 tuổi, ở xã Yên Thọ, huyện Như Thanh. Người dự thi ít tuổi nhất là em Lê Như Ngọc 11 tuổi, học sinh lớp 6A2, Trường THCS Nguyễn Hồng Lễ, thành phố Sầm Sơn.
Kết quả số bài dự thi trong toàn tỉnh là 350.918 bài, có nhiều huyện, thành phố dân số không đông nhưng có số lượng bài dự thi lớn như thành phố Sầm Sơn, huyện Như Thanh… nhiều đảng bộ như Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh… không chỉ có nhiều cán bộ, chiến sĩ tham gia mà chất lượng bài dự thi cũng vượt trội…Chính điều đó đã tạo nên sự thành công của cuộc thi phản ánh bức tranh đậm nét, sinh động, sâu sắc về tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn trong những năm tháng chiến tranh giữ nước trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay.
Trong tổng số 680 bài từ 34 đảng bộ lựa chọn gửi về Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh để chấm và xét giải (mỗi Đảng bộ sơ loại và lựa chọn 20 bài dự thi có chất lượng) nhiều bài đầu tư công phu, số lượng trang của nội dung chính và phần phụ lục dài từ 50 trang trở lên có 556 bài. Nhiều bài dự thi làm trên khổ giấy lớn, được viết tay, thể hiện bằng song ngữ Việt - Lào, sưu tầm nhiều tranh, ảnh, tư liệu quý, nhiều bài thơ, bài hát ca ngợi tình hữu nghị hai nước Việt - Lào, những cảm nghĩ sâu sắc về văn hóa, con người và đất nước Lào trong suốt chiều dài lịch sử.
Với nhiều cách thể hiện khác nhau nhưng tựu trung các bài thi đã bám sát thể lệ cuộc thi, đúng chủ đề, đạt yêu cầu về nội dung, nhiều bài viết được trình bày sinh động, hấp dẫn, sáng tạo, có ảnh minh họa cho từng chủ đề, bố cục rõ ràng, khoa học. Nhiều bài thi được thể hiện một cách độc đáo, xúc động. Có bài viết với dung lượng tới 95 trang, tập trung làm toát lên chủ đề 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm ký Hiệp ước hữu nghị Việt Nam - Lào; một số tư liệu mới, những sự kiện quan trọng do các nhân chứng cung cấp về mối quan hệ máu thịt gắn bó keo sơn của nhân dân Việt Nam với lãnh tụ Lào được bổ sung là những tư liệu phong phú, có sức thuyết phục cao, trọng lượng bài thi hơn 10kg. Có bài thi sâu chuỗi các sự kiện nổi bật của hai nước Việt - Lào, nhiều bài đã làm rõ nguyên nhân tại sao các thế lực thù địch chống phá và xuyên tạc, gây chia rẽ mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.
Có những bài dự thi giàu cảm xúc đã gửi cả tâm hồn và niềm cảm khái khi dự thi cảm nhận về nền văn hóa và con người đất nước triệu voi. Cùng với nội dung là phần trang trí bài thi trên mô hình hoa đại, tranh sơn dầu hai quốc hoa biểu tượng của hai nước và bản đồ Việt Nam - Lào được gắn kết từ các loại hạt: ngô, đậu, gạo, vừng... những sản vật chung: nền văn minh lúa nước của hai dân tộc Việt Nam - Lào. Trong cuộc thi này còn có bài dự thi viết bằng song ngữ Việt - Lào... Đặc biệt, những dòng hồi ký, nhật ký chiến sỹ của những cựu chiến binh và con, cháu của những người đã từng trực tiếp chiến đấu, công tác trên đất bạn Lào đã ghi lại những kỷ niệm sâu sắc về những người bạn Lào, những điệu múa lăm vông, những địa danh và cả những trận đánh ác liệt mà chính bản thân họ là chiến sĩ quân tình nguyện, chuyên gia giúp nước bạn Lào, hoặc là người thân của những người lính tình nguyện, chuyên gia ấy kể lại để chính con cháu họ viết tiếp mạch cảm xúc vè mối quan hệ gắn bó thủy chung giữa hai dân tộc Việt - Lào tham dự cuộc thi. Nhiều bài dự thi của các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, chiến sĩ công an, giáo viên, học sinh... được viết tay công phu, sạch sẽ, trình bày đẹp, khoa học, thể hiện ý thức, trách nhiệm và sự tâm huyết của người dự thi. Nhiều bài dự thi nêu rõ trách nhiệm của bản thân sâu sắc có ý nghĩ thiết thực nhằm tiếp tục vun đắp cho tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào mãi mãi xanh tươi, hoa thơ, trái ngọt.
Cuộc thi đã có sức lan tỏa sâu rộng, nhiều gia đình có cả ba thế hệ tham gia, nhiều gia đình cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, thanh niên xung phong, công chức, giáo viên, công an, cả gia đình đều tham gia tích cực với mỗi cá nhân một chủ đề, tạo sự phong phú và dấy lên phong trào thi đua sôi nổi trong từng gia đình, cơ quan, khu phố, bản, làng trong tỉnh. Nhiều đồng chí đảng viên tuổi cao (gần 90 tuổi) được miễn sinh hoạt Đảng nhưng vẫn tích cực tham gia dự thi. Từ thực tế tham gia cuộc thi từ cơ sở tới tỉnh cho thấy, tình cảm keo sơn, gắn bó, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào được nhân lên gấp bội qua việc trao đổi, thảo luận, sưu tầm tư liệu và thực hiện bài thi.
Với hơn 350 nghìn người tham gia cuộc thi, mỗi người một nghề nghiệp, một hoàn cảnh và có cuộc sống khác nhau, nhưng họ đều có điểm chung là đón nhận cuộc thi một cách tự giác, tích cực tham gia dự thi bằng những tình cảm chân thành nhất đối đất nước Lào anh em và mối quan hệ thủy chung son sắt mà bao thế hệ người Việt Nam và người Lào đã dày công vun đắp. Đặc biệt, mỗi người dự thi đều bày tỏ suy nghĩ, tự xác định cho mình những việc làm thiết thực nhất, phù hợp để góp phần vào mối quan hệ bền vững, tốt đẹp đó. Kết quả cuộc thi không chỉ dừng lại ở tính phong trào hay các giải thưởng mà quan trọng là ý nghĩa nhân văn và giá trị tuyên truyền, giáo dục rất ý nghĩa của cuộc thi. Đó là sự ghi nhận, tôn vinh và là niềm tự hào của thế hệ trẻ hôm nay về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Cuộc thi "Tìm hiểu Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được cấp uỷ, chính quyền, các ngành, đoàn thể quan tâm chỉ đạo triển khai nghiêm túc đồng bộ; công tác tuyên truyền sâu rộng, liên tục đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia thi cả hai hình thức (trắc nghiệm và viết). Các bài thi viết đảm bảo chất lượng, hình thức sinh động, hấp dẫn, nội dung phong phú, bám sát chủ đề, tạo nên dư luận xã hội tích cực, rộng rãi. Cuộc thi thực sự là đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Cuộc thi đã góp phần củng cố, nâng cao nhận thức chính trị cho đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu sâu sắc thêm về đất nước, văn hóa, truyền thống lịch sử... của nhân dân các bộ tộc Lào anh em, thắt chặt thêm tình cảm thắm thiết, sâu nặng, nghĩa tình giữa hai dân tộc. Cuộc thi có ý nghĩa đặc biệt này góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, tô thắm thêm mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước; vun đắp tình hữu nghị thủy chung giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai dân tộc, hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn; chống lại những luận điệu phản động xuyên tạc, bóp méo lịch sử của các thế lực thù địch, gây chia rẽ tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai nước, đưa quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Lào, hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn lên tầm cao mới, chiều sâu mới.
Cuộc thi “Tìm hiểu Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào” đã khẳng định ý thức trách nhiệm, lòng tự hào của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về tình cảm keo sơn gắn bó, hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai Đảng, hai dân tộc Việt - Lào, hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn anh em. Từ đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm - nhất là đối với thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, phát huy và không ngừng tô thắm tình cảm ấy trong điều kiện mới, để cho tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững./.
TS. Hoàng Bá Tường
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa