Thứ Năm, 12/12/2024

Nghĩa tình Quảng Trị - Sa - Vẳn - Na - Khệt

Lễ khai trương bảo tàng bản Đông tỉnh Sa-vẳn-na-khệt năm 2012. Ảnh: QT

Lễ khai trương bảo tàng bản Đông tỉnh Sa-vẳn-na-khệt năm 2012. Ảnh: QT

Sa-vẳn-na-khệt là quê hương của đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Tổng bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Trong những năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Sa-vẳn-na-khệt luôn giữ ở mức 10,5%/năm, dẫn đầu nước Lào; góp phần vào bức tranh kinh tế năng động và bứt phá của tỉnh này có vai trò quan trọng của các doanh nghiệp Việt kiều và các nhà đầu tư Việt Nam sang đây.

Năm 2016, thực hiện biên bản ghi nhớ giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị với Ban Tuyên huấn Tỉnh Sa-vẳn-na-khệt về hàng năm trao đổi đoàn sang thăm và làm việc với nhau, tôi một lần nữa được sang với tỉnh Sa-vẳn-na-khệt - quê hương của đồng chí Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản xinh đẹp, giàu tiềm năng. 

Từ cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị), đoàn xe lao vun vút qua các bản của tỉnh Sa-vẳn-na-khệt với hai bên đường là những nếp nhà vườn xây dựng theo phong cách kiến trúc Lào rất đẹp. Thỉnh thoảng lại bắt gặp những cánh rừng cao su bạt ngàn, thẳng tắp. Đồng chí lái xe của bạn Lào thì chỉ mất vài tiếng từ Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) sang Cửa khẩu Đen-sa-vẳn (Sa-vẳn-na-khệt) theo con đường xuyên Á  xuyên qua tỉnh Sa-vẳn-na-khệt, du khách có thể sang đất Thái Lan qua cầu Lào - Thái 2 bắc ngang dòng Mê Công. Đi một ngày đường có thể ăn cơm ở ba nước. Sa-vẳn-na-khệt được hưởng lợi từ con đường phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây và chính con đường này đã tạo động lực cho tỉnh bứt phá nhanh trong hội nhập quốc tế. Cách cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo khoảng 30km là khu di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh do bộ đội Việt Nam và dân quân Lào mở trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Con đường này gần như còn giữ nguyên trạng như nửa thế kỷ trước.

Cũng như dòng Mê Kông, Xê Pôn là con sông của Lào và Việt Nam. Nó bắt nguồn từ phía Tây dãy núi Trường Sơn trên địa bàn Muang Sa Mouay (Sa Muộn) và Muang Nong tỉnh Sa-vẳn-na-khệt của Lào, đi về hướng Tây Bắc chảy qua địa phận hai huyện Đa Krông và Hướng Hóa (Quảng Trị). Dài hơn hai trăm cây số, bao bọc 24 cặp bản kết nghĩa Việt - Lào, từ lâu đã trở thành biểu tượng đằm thắm tình hữu nghị. Chứng kiến tình cảm láng giềng sâu nặng của nhân dân vùng biên giới hai nước, cảm nhận sông núi nơi đây thật gần như một miền đất ghép đôi. 

Địa điểm du lịch nổi tiếng nhất của Sa-vẳn-na-khệt là chùa Ing Hang thuộc bản Ing Hang, huyện Cay-xỏn Phôm-vi-hản. Tương truyền, chùa Ing Hang được xây dựng tại địa điểm mà Đức Phật đã nghỉ chân trong một lần đi truyền đạo. Chùa Ing Hang đã có trên 1000 năm tuổi, phải tu sửa nhiều lần song vẫn giữ được hình khối và kiến trúc nguyên bản của hơn nghìn năm trước. Tại chùa có 496 bức tượng Phật được đúc theo kiến trúc đặc trưng của Lào. Có lẽ đạo Phật cũng đã ảnh hưởng đến phong cách sống của người Sa-vẳn-na-khệt. Chúng tôi để ý, người Sa-vẳn-na-khệt ra đường thong thả, khoan thai, kể cả đi công sở, đi chợ, đi học, đi chơi đều không hấp tấp, vội vàng. Đến với các nơi công cộng như chợ, bến xe, nhà hàng...  thấy rất rõ là được tổ chức trật tự, gọn gàng và không lo mất cắp, gặp ai cũng nở nụ cười tươi với ánh mắt chào đón, hiếu khách. 

Thị xã Cay-xỏn Phôm-vi-hãn là trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh Sa-vẳn-na-khệt với nhiều tiềm tăng phát triển. Thị xã trong bình minh thật sống động với các công trình kiến trúc mang đậm nét của thị xã trẻ, những dãy nhà cao tầng, biển hiệu nhấp nháy tươi mầu sơn. Thị xã này có ngôi chùa lớn xây từ thế kỷ 15 là Wat Sainyaphum. Tôi đã đến thị xã một vài lần, rong ruổi nhiều nơi trong thành phố này nhưng chưa bao giờ bắt gặp cảnh ồn ào, cãi cọ nhau. 

Đường phố rộng thênh thang mà không hề có một tiếng còi xe nào. Trên các ngã đường có khá nhiều ô tô, nhưng tôi chưa thấy hiện tượng phóng nhanh, vượt ẩu, hay ùn tắc giao thông xảy ra. Dù đại lộ rộng đến cả vài chục thước, nhưng mỗi làn đường xe ô tô chỉ sắp hai hàng, bên phải, bên trái có rộng rãi bằng mấy nhưng cũng ít xe vượt lên để mà tranh đường với các phương tiện khác. Nguyên nhân ở đây là ý thức tham gia giao thông của người dân và họ biết nhường nhịn nhau. Tất cả người dân mà chúng tôi gặp trên các đường phố, các nhà hàng, trong hội nghị ở đây đều nở nụ cười thân thiện khi nghe chúng tôi hỏi, hay đề nghị họ đều giúp đỡ tận tình. Người đi bộ trên đường phố gặp nhau thường chắp tay trước ngực để chào “Sa-bai-di” rất lịch thiệp. Thị xã Cay-xỏn Phôm-vi-hãn xứng đáng là một trong những đô thị hiền hòa và thân thiện.

Việt Nam và Lào nói chung, hai tỉnh Quảng Trị và Sa-vẳn-na-khệt nói riêng luôn chung sức, chung tay giúp đỡ lẫn nhau, kề vai sát cánh với tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước theo mục tiêu Chủ nghĩa xã hội. Trên mỗi bản làng của Sa-vẳn-na-khệt, ở đâu cũng cảm nhận được sự chan chứa tình cảm gắn bó Việt- Lào. Bảo tàng Bản Đông tại huyện Sê pôn, tỉnh Sa-vẳn-na-khẹt với hàng ngàn hiện vật được trưng bày theo các chủ đề, các thời kỳ kháng chiến, quan hệ ngoại giao, kinh tế, văn hóa xã hội... 

Đó là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Việt Nam với đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, với Hoàng thân Xu-pha Nu-vông và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ Lào; hình ảnh bộ đội tình nguyện Việt Nam, bộ đội Pa-thét Lào, tay nắm tay rạng rỡ chung niềm vui chiến thắng; hay bức ảnh nhân dân các bộ tộc Lào tặng từ nải chuối, gói xôi cho bộ đội Việt Nam, gần gũi thân thiết thắm tình quân dân như cá với nước. Những hình ảnh và hiện vật về quân và dân các bộ tộc Lào, nhất là nhân dân ở các địa phương phía Tây dãy Trường Sơn chung sức cùng Binh đoàn 559- Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã khiến nhiều người xem xúc động. 

Những hình ảnh ấy làm tôi bồi hồi nhớ về những năm tháng trên tuyến đường vận tải Trường Sơn, quân và dân Quảng Trị, Sa-vẳn-na-khệt, Sa-la-van đã không quản gian lao thử thách, với tinh thần “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Tất cả để giải phóng quê hương Việt – Lào”, đã kề vai, sát cánh bên nhau, đượm tình đồng chí anh em, chiến đấu và giành chiến thắng. Trong cuộc chiến đấu này đã có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, nhân dân của quê hương Quảng Trị, Sa-van- na- khet, Sa-la-van anh dũng hy sinh cho tuyến đường Trường Sơn thông suốt, vì nền độc lập dân tộc của hai nước Việt - Lào... Và trong công cuộc xây dựng đất nước, cũng được thể hiện qua hình ảnh những công trình xây dựng, trường học, trạm xá, nhà văn hóa... hay hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo cán bộ; xây dựng chính quyền ở địa phương của các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp Quảng Trị cũng được tái hiện trong lời kể, lời giới thiệu là những minh chứng sống động trong Bảo tàng của tình hữu nghị ở Bản Đông.

Chiến tranh đã lùi hơn 40 năm, song vẫn còn đó đau đáu nỗi niềm của những người cha người mẹ, người vợ, người con đất Việt khi chưa đón được chồng, cha, anh, con em mình đã ngã xuống vì độc lập tự do của nhân dân các bộ tộc Lào, vì tình đoàn kết quốc tế cao cả. Đó là trách nhiệm, là nhiệm vụ thiêng liêng của cán bộ chiến sỹ trong Đội quy tập mộ liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam, Đội 584, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị đang đóng quân tại Sa-vẳn-na-khệt, luôn nhận được sự giúp đỡ của các cựu chiến binh và nhân dân Lào. Hơn 20 năm trên đất bạn, đôi chân của các anh đã in dấu khắp chiến trường 2 tỉnh Sa-vẳn-na-khệt và Sa -la -van, không kể gian nan vất vả, lặn lội quy tập hàng ngàn hài cốt liệt sỹ bộ đội quân tình nguyện Việt Nam đưa về yên nghỉ tại Nghĩa trang quốc gia Đường 9 (Thành phố Đông Hà- Quảng Trị). Và đâu đó giữa đại ngàn Trường Sơn trên đất bạn Lào vẫn còn những liệt sỹ đang đợi các anh tìm kiếm để quy tập đón về... Gần gũi và bình dị, Chủ tịch thị xã Cay-xỏn Phôm-vi-hãn Bun Nhụ Thăm Mạ Vông làm chủ lễ buộc chỉ cổ tay chúc phúc năm mới cho đoàn, chúc cho tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi. Đồng chí bày tỏ ấn tượng về quá trình phát triển kinh tế- xã hội năng động của thị xã cùng với các chủ trương chính sách, chiến lược đúng đắn và hiệu quả. 

Đồng chí Kẹo U Đon Pan Păn Nha - Phó trưởng ban Tuyên huấn tỉnh Sa-vẳn-na-khệt vừa buộc chỉ cổ tay cho từng người, vừa chúc phúc cho đoàn, chúc cho tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào nói chung và Tỉnh Quảng Trị, tỉnh Sa- vẳn-na-khệt nói riêng mãi mãi xanh tươi. Không cần thông qua phiên dịch, bằng tiếng Việt rất chuẩn, đồng chí Kẹo U Đon nói: “Chúng ta cần phải phối hợp giữa hai Ban Tuyên giáo để tuyên truyền giáo dục cho thế hệ kế cận hiểu và giữ gìn mối tình đoàn kết đó”. Ở buổi giao tiếp nào với đoàn Việt Nam, phong thái của các bạn Lào thật gần gũi, chân tình, dường như không còn khoảng cách ngoại giao, khách sáo gì cả. Tôi còn nhớ mãi câu nói của đồng chí Lãnh sự quán Việt Nam tại Sa-vẳn-na-khệt hôm đoàn tôi đến thăm: “Các đồng chí ạ, đến Lào để thấy anh em!” 

Chỉ với trong gần 4 ngày làm việc và tham quan trên mảnh đất Sa- vẳn-na-khệt, nhưng tình đất, tình người nơi xứ sở hoa chăm pa đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc về tình đoàn kết hữu nghị thủy chung, cùng uống chung một dòng nước, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, và cùng chung một lý tưởng vì hòa bình, độc lập và sự phát triển của 2 quốc gia. Câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào đời đời bền vững” vẫn còn âm vang hôm nay và mãi mãi mai sau./

Từ Quang Hóa
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất