(TG)-Hưởng ứng Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào –Việt Nam”, coi đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào 2017”, tỉnh Quảng Trị đã tích cực, chủ động trong việc tổ chức phát động và tuyên truyền sâu rộng về cuộc thi.
Sau gần 4 tháng phát động, Cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam" năm 2017 ở tỉnh Quảng Trị đã thành công ngoài sự mong đợi của Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh. Là địa phương có chung biên giới với hai tỉnh Savanakhet và Salavan của nước bạn Lào, đối với tỉnh Quảng Trị cuộc thi này thực sự rất đặc biệt, điều đó thể hiện ở sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân tỉnh Quảng Trị.
Chính thức phát động từ ngày 28/6/2017, ngay sau Lễ phát động, Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, cổ vũ các tầng lớp nhân dân hưởng ứng cuộc thi. Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tổ chức tuyên truyền sâu rộng cuộc thi bằng nhiều kênh. Đi đầu là các đơn vị như Đài phát thanh truyền hình Quảng Trị đăng trên 5 tin, bài, phóng sự hưởng ứng cuộc thi, Cổng thông tin điện tử tỉnh đăng trên 10 bài, Báo Quảng Trị đăng trên 15 bài viết tuyên truyền về cuộc thi.
Đông đảo quần chúng nhân dân ở khắp 10 huyện thị, thành ủy; cán bộ đảng viên ở 3 đảng bộ trực thuộc từ học sinh, sinh viên và tầng lớp nhân dân trong xã hội, từ thành thị đến nông thôn, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, đều tích cực hưởng ứng Cuộc thi. Với 82.395 bài dự thi trên địa bàn toàn tỉnh, 250 bài dự thi gửi về Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh, 141 bài đạt điểm khá, giỏi trở lên; 23 bài đạt giải cấp tỉnh, hàng tuần có hàng ngàn lượt người dân trên địa bàn tỉnh truy cập website của Ban Tổ chức Cuộc thi để tham gia thi trắc nghiệm cuộc thi tìm hiểu về lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam… đủ thấy được những cảm hết sức sâu đậm, chân thành và thiêng liêng của những người con đất Quảng Trị đối dành cho đất nước bạn Lào.
Trong số hàng trăm các bài dự thi được gửi về cấp tỉnh, có những bài thi được chia thành hai tập với gần 1000 trang giấy, có rất nhiều bài thi được đầu tư công phu, kỹ lưỡng, được đóng hộp gỗ với trên 500 trang giấy. Trong số những bài thi, có phần dự thi viết bằng tay dày hơn 30 trang với những dòng chữ đều đặn xen kẻ với những hình ảnh được cắt dán cẩn thận tỉ mỉ cho thấy tấm lòng của cụ Nguyễn Hồng Khai, sinh năm 1932, đến từ xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, dù tuổi cao, sức yếu, không có điều kiện được tiếp xúc nhiều với công nghệ thông tin như thế hệ trẻ, song bằng tình cảm chân thành với đất nước bạn Lào, Cụ vẫn nhiệt tình tham gia cuộc thi.
Bài thi của em Hoàng Bảo Châu, 13 tuổi, học sinh lớp 5 đến từ huyện Gio Linh có những nhận thức hết sức đúng đắn, sâu sắc về: “Quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào không phải hình thành do ý muốn chủ quan của bất kỳ bên nào, cũng không phải là một hiện tượng nhất thời mà bắt nguồn từ vị trí địa lý - chiến lược của hai nước, từ bản chất nhân văn, nương tựa lẫn nhau của hai dân tộc có cùng lợi ích cơ bản về độc lập tự chủ và nguyện vọng chính đáng, thiết tha về hòa bình và phát triển…”.
Khi đọc đến bài dự thi của bạn Lê Thị Ái Quyên 34 tuổi, đến từ Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh, chúng tôi thực sự xúc động. Từ hình ảnh người cha – một chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam từng sống, chiến đấu trên đất nước bạn Lào, Ái Quyên đã đã khắc họa đậm nét hình ảnh những người chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam lên đường sang giúp đỡ đất nước bạn Lào. Ái Quyên đã nói lên được sự day dứt của gia đình ông nội Ái Quyên - một gia đình có 9 người con đã mất vì bệnh tật, vì cái khó, cái nghèo, chỉ còn một người con trai duy nhất là cha Quyên lại tình nguyện lên đường nhập ngũ sang đất nước bạn Lào.
Cũng từ những năm tháng chiến đấu trên đất nước bạn lào, Ái Quyên đã được nghe cha kể về những tình cảm của người dân các bộ tộc Lào dành cho cha mình và quân tình nguyện Việt Nam. Bài thi viết: "Nhiều bộ đội Việt Nam lúc bấy giờ đóng khố, ở trần, để tóc dài, cà răng căng tai “ba cùng” với dân, ai da trắng, phải phơi nắng cho đen. Thời ấy, lương thực rất thiếu, măng rừng và lá tàu bay rừng là thức ăn chủ yếu, bộ đội Việt Nam thường nhịn đói vì thiếu lương thực, cho dù ngay bên cạnh là rẫy sắn của dân nhưng vẫn không lấy một củ… chính những việc làm, nghĩa cử ấy đã làm cho nước bạn hiểu, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ bộ đội tình nguyện Việt Nam hết lòng…”
Trong những câu chuyện của cha, Ái Quyên nhận thức được trong chiến tranh gian khổ, ác liệt, sống trong chốn rừng thiêng, nước độc, nhưng điều ấn tượng với ông và đồng đội thời kỳ đó chính là tình cảm chân thành, nồng hậu của Nhân dân nước bạn Lào đối với quân tình nguyện Việt Nam.
Cuối câu chuyện, khi được hỏi điều gì làm ba nhớ nhất về đất nước Lào, ba tôi bồi hồi xúc động: “Đó là sự thanh bình, yên ả, là tấm lòng dung dị của những người bạn Lào, rồi cả những liếp nhà sàn, chùa chiến thấp thoáng ẩn hiện bên những cánh đồng phì nhiêu, màu mỡ và những cánh rừng bát ngát một màu xanh, mùi gạo nếp thơm thoang thoảng làm đắm say lòng người …”. Trong cuộc đời còn lại của ba tôi, ba rất muốn một lần được trở lại đất nước Triệu Voi một lần nữa nơi mà thời trai trẻ ba đã chiến đấu vì sự bình yên của đất nước bạn Lào…
Đây chỉ là một vài trong số hàng trăm bài dự thi, mỗi bài dự thi là một cảm xúc, một suy nghĩ, một sự cảm nhận riêng về đất nước, con người Lào, về mối quan hệ của hai nước Việt Nam – Lào được thể hiện qua hàng trăm trang giấy với những tình cảm chân thành nhất. Kết quả Cuộc thi và quan trọng hơn là những tình cảm của hàng ngàn người dân tỉnh Quảng Trị đến với Cuộc thi, cùng nhau tìm hiểu, ôn lại lịch sử truyền thống, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam- Lào, đã trở thành điểm nhấn góp phần vào thành công chung của tỉnh trong thực hiện những nhiệm vụ của “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam- Lào 2017. Cuộc thi thực sự trở thành một trong những dấu mốc quan trọng, góp phần tô thắm, vun đắp thêm tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững./.
Lê Thị Châu Minh
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị