Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn hóa
Thứ Bảy, 3/10/2020 6:0'(GMT+7)

Sức mạnh và sức bền của thơ Tố Hữu

Bác Hồ nói chuyện với các nhà văn, nhà thơ Tố Hữu, Phan Tứ, Trần Đình Vân (Ảnh: Tư liệu)

Bác Hồ nói chuyện với các nhà văn, nhà thơ Tố Hữu, Phan Tứ, Trần Đình Vân (Ảnh: Tư liệu)

Ngay từ khi mới xuất hiện trên thi đàn, Tố Hữu đã được đánh giá là “nhà thơ cách mệnh có tài”, “nhà thơ của tương lai”. Những bài thơ đầu tiên của Tố Hữu được viết trong “máu lửa”, gông cùm, “xiềng xích” của nhà tù thực dân đế quốc đã đem đến một tiếng nói mới, một không khí mới cho đời sống tư tưởng và văn học của xã hội đương thời; đã có sức hấp dẫn và tạo được ảnh hưởng rộng lớn đối với nhiều tầng lớp công chúng xã hội, đặc biệt tầng lớp thanh niên. Cả một lớp người đang hoang mang sau những trận khủng bố trắng, đang chìm đắm “giữa bao nhiêu ngọn cờ sai lạc” khi ấy đã tìm thấy ở thơ Tố Hữu một niềm tin, một “lẽ sống” đúng đắn. Những “bạn trẻ” đang “Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”, đang “Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước/ Chọn một dòng hay để nước trôi?”, đã tìm thấy ở thơ Tố Hữu một “hướng đời”, một lý tưởng sống, một sự lựa chọn duy nhất đúng đắn: “Đã vay dòng máu thơm thiên cổ/ Phải trả ta cho mạch giống nòi...”. Cả một thế hệ nhà thơ đang còn “loay hoay”, “tìm đường”, “chọn đường” tìm thấy từ thơ Tố Hữu một con đường cho nhà thơ và một phẩm chất thẩm mĩ mới cho thơ.

Có thể nói, ngay từ trước cách mạng thơ Tố Hữu đã có sức thu hút và cuốn hút, giục giã, khích lệ công chúng đến với cách mạng, cho đến những vần thơ cuối cùng trước khi giã biệt cuộc đời, khép lại một hành trình sáng tạo, bền bỉ, dẻo dai hơn sáu thập niên:

Xin tạm biệt đời yêu quý nhất

Còn mấy vần thơ, một nắm tro

Thơ gửi bạn đường, tro bón đất

Sống là cho mà chết cũng là cho

Tố Hữu đã làm xúc động hàng triệu trái tim công chúng về một tấm gương sống trọn vẹn dâng hiến, hướng mọi người đến một cách sống tốt đẹp. Trước sau thơ Tố Hữu vẫn luôn có sức vẫy gọi, thuyết phục sâu sắc và hiệu quả.

Sinh thời, Tố Hữu mong mỏi được là nhà thơ của nhân dân, “tự muốn mình là tiếng nói của dân tộc mình” (P. Emmanuel). Ý thức sâu sắc cội nguồn sức mạnh của dân tộc là nhân dân, sức sống của thơ nằm trong sự gắn bó với dân tộc, với nhân dân, Tố Hữu đã sống “Đắm mình trong dân tộc mình”, gắn bó máu thịt với nhân dân mình qua từng chặng đường lịch sử cam go và trọng đại. Nhờ biết sống một cách tâm huyết và trách nhiệm; biết “nối cuộc đời với những đau khổ, vui sướng, căm thù, mong ước của nhân dân mình” (Tố Hữu), biết tận lòng “lắng nghe cuộc sống gọi từng giờ”, thơ Tố Hữu đã thực sự là “tập hành khúc nồng nàn, đằm thắm” hòa nhịp với “cuộc sống vĩ đại, cuộc sống lao động và đấu tranh đau khổ của muôn triệu con người làm nên lịch sử” (Tố Hữu) dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh. Và bởi thế mỗi sự kiện trọng đại trong lịch sử của dân tộc đều để lại dấu ấn sâu đậm, đều được khúc xạ qua hồn thơ trữ tình đằm thắm của Tố Hữu và hiện lên đầy xúc cảm trong những thi phẩm vừa có tầm khái quát vừa ấm nóng hơi thở đời sống.

Bộ tem “Kỷ niệm 100 năm sinh Tố Hữu (1920 - 2002)”

Bộ tem “Kỷ niệm 100 năm sinh Tố Hữu (1920 - 2002)”

 Tố Hữu đã thực sự là nhà thơ lớn của nhân dân, là “tiếng nói của dân tộc mình”. Không ai có thể nói một cách thấm thía, xúc động, đầy yêu thương và tự hào về dân tộc, về nhân dân mình trong thăng trầm lịch sử dựng nước, giữ nước và dựng xây đất nước được như Tố Hữu. “Những vần thơ tươi xanh”, “những vần thơ lửa cháy” của Tố Hữu “đã tự nhiên là sự diễn đạt sự giác ngộ của anh (Tố Hữu) về số phận của dân tộc mình” (P. Emmanuel); là sự hội tụ, kết tinh tuyệt diệu bản sắc Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam, tâm hồn Việt Nam và văn hóa Việt Nam; là tài sản tinh thần quý giá của dân tộc Việt Nam.

Để thực sự “là tiếng nói của dân tộc mình”, Tố Hữu đã tìm chọn được một cách nói, một giọng điệu riêng độc đáo “phù hợp với trình độ cảm hiểu của nhân dân mình”. Bám sát cuộc sống, lấy cảm hứng thơ từ những vấn đề chính trị, xã hội, thời cuộc để “trả lời những vấn đề cuộc sống đang đặt ra”, nhưng Tố Hữu luôn biết cách để nói những vấn đề lớn của đất nước và thời đại bằng “sức nặng của tình cảm và nghĩa tình”, “bằng mạch ngầm của cảm xúc”. Thơ Tố Hữu nhờ thế “chín cả trong tư tưởng và tình cảm”. Đọc thơ Tố Hữu “người ta không còn thấy câu thơ, chỉ còn cảm thấy tình người”. Thơ Tố Hữu dễ dàng đi vào lòng người, dễ dàng tìm được sự đồng điệu, tạo được một trường cảm xúc mới, tích cực trong đời sống và từ đó có sức cảm hóa mạnh mẽ đối với nhiều thế hệ công chúng. Không chỉ thế hệ bạn đọc đương thời yêu say thơ Tố Hữu, tìm thấy ở thơ Tố Hữu một nguồn năng lượng sống, một sự yêu tin, một cách sống tích cực mà công chúng hôm nay vẫn đang tìm được ở Tố Hữu và thơ ông một điểm tựa, một sự chỉ dẫn, một lời giải đáp cho nhiều vấn đề trong cuộc sống. Bao nhiêu người vì yêu thơ Tố Hữu mà đến với cách mạng, mà hăng hái “ra trận” xả thân trong hai cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc hôm nay. Bao nhiêu người nhờ thơ Tố Hữu mà biết sống làm người tử tế, sống có ý nghĩa. Tầm ảnh hưởng sâu rộng, bền chắc ấy, sức sống mạnh mẽ ấy, khả năng đồng hành dẻo dai ấy chỉ có được ở những tài năng thơ lớn. Tố Hữu là một tài năng như vậy! Và chính vì vậy những bài thơ của Tố Hữu đủ sức vượt qua sự sàng lọc nghiêm ngặt của thời gian để đồng hành cùng đất nước và dân tộc.

Có lần Tố Hữu đã tự nhận ông là người viết sử bằng thơ và thực tế thơ Tố Hữu đã là bộ biên niên sử của dân tộc. Ở mỗi chặng đường ông đều có những bài thơ “để đời” vừa ghi khắc lại vừa mang ý nghĩa tổng kết một chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc. Nhiều bài thơ trong Từ ấy khắc nhớ về một “Thuở nô lệ dân ta nước mất” lầm than, cơ cực. Những vần thơ đầy tâm huyết trong bài Đi: Đi bạn ơi, đi sống đủ đầy/ Sống trào sinh lực, bốc men say thực sự là lời giục giã, thôi thúc, khích lệ quần chúng cách mạng, đặc biệt thế hệ trẻ phải biết tiếp nối truyền thống hào hùng của cha ông. Gắn quyện với sự kiện lịch sử trọng đại - Cuộc Cách mạng tháng Tám long trời lở đất đề giành lại độc lập tự do cho dân tộc, Huế tháng Tám chắc chắn sẽ sống mãi cùng lịch sử đất nước. Nói đến Cách mạng tháng Tám, không thể không nhớ đến những vần thơ tuyệt đẹp, đầy hào sảng của Huế tháng Tám:

Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy

Hãy bay lên. Sông núi của ta rồi!

… Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh

Thổi phồng lên… Tim bỗng hóa mặt trời

Sau những ngày vui ngắn ngủi, cả nước lại phải bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp. Với hàng loạt bài thơ Cá nước, Lên Tây Bắc, Phá đường, Lượm, Bà mẹ Việt Bắc, Bầm ơi… Tố Hữu đã nói lên thấm thía những chuyển biến lịch sử, những tâm tình và sự hy sinh gian khổ, chiến đấu kiên cường của những con người cách mạng và kháng chiến-– cội nguồn để có chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Và trên đỉnh cao của chiến thắng, Tố Hữu viết đồng thời ba bài thơ: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Ta đi tớiViệt Bắc vừa để tổng kết, khép lại một chặng đường lịch sử “Chín năm kháng chiến thánh thần/ Gậy tầm vông đánh tan quân bạo tàn” thực dân Pháp, vừa khẳng định con đường “Ta bước tiếp”, “Ta đi tới” không thể gì ngăn cản nổi của dân tộc Việt Nam:

Ta đi tới trên đường ta bước tiếp

Rắn như thép, vững như đồng

Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp

Cao như núi dài như sông

… Ta đi tới không thể gì chia cắt

Mục Nam Quan đến bãi Cà Mau

Trời ta chỉ một trên đầu

Bắc Nam liền một biển

Lòng ta không giới tuyến…

Càng ngày Tố Hữu càng ý thức sâu sắc hơn, càng viết thấm thía và xúc động hơn về dân tộc Việt Nam anh hùng, về đất nước Việt Nam “vất vả, đau thương, tươi thắm vô ngần”. Những câu thơ đầy yêu mến, tự hào của người dân được làm chủ đất nước, làm chủ lịch sử, làm chủ vận mệnh của mình:

Ngẩng đầu lên trong sáng tuyệt trần

Tháng Tám mùa thu xanh thắm

Mây nhởn nhơ bay hôm nay ngày đẹp lắm

Mây của ta trời thắm của ta

Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa

Với tình cảm thiết tha, với những hình ảnh thân gần và tươi tắn, Ta đi tới ca ngợi Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp anh hùng. Những câu thơ gieo trong lòng người đọc niềm vui phấn chấn, niềm tự hào sâu sắc:

Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!

Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt

Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát

Chuyến phà dào dạt, bến nước Bình Ca

… Đường ta đó tự do cuồn cuộn

Bốt đồn Tây đã cuốn sạch rồi…

Việt Bắc là một trong những bài thơ hay nhất của Tố Hữu và của thơ kháng chiến. Bao nhiêu người đã đọc, đã yêu thích và đã thuộc những câu thơ - những “tiếng hát ân tình thủy chung” da diết, sâu nặng của Việt Bắc:

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô…

… Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình…

Khép lại “bản hợp tấu khi thiết tha, khi hùng tráng, khi thánh thót, khi sôi sục” Việt Bắc là nỗi nhớ sâu lắng về Bác Hồ, người “đứng mũi chịu sào”, dìu dắt dân tộc qua chặng đường gian nan để giành chiến thắng vẻ vang. Những câu thơ không chỉ khắc tạc hình ảnh mà còn chung đúc sâu sắc cốt cách, phong thái cao quý, lớn lao của Bác:

Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời

Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường

Nhớ Người những sớm tinh sương

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo

Nhớ chân Người bước lên đèo

Người đi, rừng núi trông theo bóng Người

Những bài thơ đó, những vần thơ đó đã sống cùng dân tộc gần 70 năm và chắc chắn sẽ còn sống mãi cùng những trang sử vàng của dân tộc Việt Nam. Tố Hữu quả là người có khả năng truyền lửa lịch sử cho nhiều thế hệ công chúng Việt Nam.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng mới “Ta nắm tay nhau xây lại đời ta”…, hàng loạt bài thơ Tố Hữu nhắc nhớ về những ngày “dựng xây mới” và những con người “xây dựng mới”. “Từ 61 đỉnh cao muôn trượng” Tố Hữu viết Bài ca mùa xuân 1961 khẳng định những thành quả dựng xây của đất nước sau chiến tranh, niềm tin yêu ở những người lao động xây dựng đất nước bằng tinh thần tự lực cánh sinh, bằng trí óc và bàn tay lao động cần cù, sáng tạo. Những câu thơ thật xúc động nhắc nhớ mỗi người về một thời gây dựng đầy khó khăn và gian khổ: Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá/ Mỗi hòn than, mẩu sắt, cân ngô/ Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ!... đồng thời cũng là lời nhắc nhở những thế hệ sau biết quý trọng, nâng niu từng chút hạnh phúc đơn sơ, từng thành quả nhỏ bé, từng sự hy sinh, đóng góp của “những người lao động quang vinh”, xây dựng hậu phương miền Bắc vững mạnh, đủ tiềm lực để “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Có như vậy mới có được “cơ đồ” Việt Nam như hôm nay.

Một góc Bảo tàng Tố Hữu tại Hà Nội

Một góc Bảo tàng Tố Hữu tại Hà Nội


Sau ba mươi năm trường chiến đấu, dân tộc ta đã giành được chiến thắng, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Tố Hữu viết Toàn thắng về ta, Bài ca quê hương, Vui thế, hôm nay… những bài thơ ngập tràn niềm vui lớn của dân tộc sau bao nhiêu năm đợi chờ, khát khao cháy bỏng:

Ôi Việt Nam! Yêu suốt một đời

Nay mới được ôm Người trọn vẹn, Người ơi!

Trong sự gắn bó với đất nước yêu thương, Tố Hữu luôn dành tình cảm gắn bó riêng với miền Nam - “Miền sâu thẳm” trong lòng nhà thơ. Hai tiếng miền Nam luôn thức đập trong trái tim cùa nhà thơ. Khi là nỗi nghẹn ngào, khắc khoải, xót xa; khi là nỗi bồi hồi thương nhớ; khi là những câu hỏi nhức nhối, sâu xoáy: “Có thể nào yên?”, “Có thể nào khuây?”, “Có thể nào nguôi?”, “Có thể nào quên?”; khi là niềm kiêu hãnh về “Miền Nam anh dũng tuyệt vời/ Miền Nam trong lửa đạn sáng ngời”.

Sâu đậm, da diết trong trái tim nhà thơ là tình cảm dành về quê mẹ. Những câu thơ vừa ngọt ngào, sâu lắng, vừa đượm buồn về quê hương, về xứ Huế mãi mãi làm rung động lòng người. Từ Quê mẹ thuở còn nô lệ nước mất nhà tan: “Cay đắng bao nhiêu nỗi đoạn trường” đến những xúc động tha thiết khi được trở về sau bao năm tháng cách xa, nhớ thương, khắc khoải đến cháy lòng:

Nỗi niềm chi rứa, Huế ơi!

Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên

Mưa từ biển nhớ mưa lên

Hay mưa từ núi vui trên A Sầu

Tố Hữu là nhà thơ của “lòng thương mến”. “Chính cái niềm thương mến đó là hương vị của thơ Tố Hữu”. Với lòng thương mến chứa chan ấy, Tố Hữu viết nhiều, viết hay, viết thành công và thật xúc động về những tình cảm thiêng liêng của con người, đặc biệt tình cảm của người dân với Đảng, với Bác Hồ kính yêu và tình cảm mẹ - con. Ba mươi năm đời ta có Đảng là khúc ca ân tình với Đảng. Với lòng ngưỡng mộ, kính yêu; với tình cảm biết ơn chân thành, sâu lắng, với những câu thơ vừa có sức khái quát cao, vừa có độ ngân vang sâu xa trong lòng người đọc, bản trường ca đã đúc kết công ơn to lớn của Đảng với dân tộc, với mỗi người dân; Đảng vĩ đại đã hồi sinh, đã đổi đời cho cả một dân tộc:

Đảng ta Mác - Lê nin vĩ đại

Lại hồi sinh, trả lại cho ta

Trời cao, đất rộng bao la

Bát cơm, tấm áo, hương hoa hồn người

Và cũng thật xúc động, sâu lắng là lòng dân biết ơn Đảng trong sự gắn bó thiêng liêng của ân tình cách mạng:

Con chim biết nhớ đàn nhớ tổ…

Ta nhớ người đau khổ nuôi ta

Ơn Người như mẹ như cha

Lòng dân yêu Đảng như là yêu con!

Như một lẽ tự nhiên, Đảng luôn gắn với Bác Hồ kính yêu - Người sáng lập ra Đảng và bởi thế, luôn có hình ảnh Bác trong những vần thơ Tố Hữu viết về Đảng. Viết về Đảng, về Bác đã thành nguồn cảm hứng thường trực của nhà thơ. Cùng với những bài thơ về Đảng, Tố Hữu viết nhiều bài thơ “gan ruột” dành tặng Bác: Hồ Chí Minh, Sáng tháng Năm, Cánh chim không mỏi, đặc biệt Bác ơiTheo chân Bác. Mỗi bài thơ là một khám phá, một đúc kết mới về Bác, để từ đó khắc họa được trọn vẹn cả cuộc đời hoạt động cống hiến, hy sinh, cả tâm hồn và phong cách của Bác - vị lãnh tụ vĩ đại mà vô cùng bình dị, gần gũi, “con người “Người” nhất” và cũng khiêm tốn, giản dị nhất:

Bác Hồ đó chiếc áo nâu giản dị

Màu quê hương bền bỉ đậm đà

Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta

Ta bỗng lớn ở bên Người một chút

… Mong manh áo vải hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn…

Và đó “chính là phẩm chất tuyệt vời của Bác”!

Đồng điệu với tình cảm chung của cả dân tộc, những bài thơ Tố Hữu viết về Đảng, về Bác đã và sẽ còn sống mãi, góp phần bồi đắp một tình cảm thiêng liêng, cao đẹp ân tình của dân tộc Việt Nam.

Tố Hữu cũng viết nhiều và có nhiều bài thơ hay về mẹ: Từ Bà má Hậu Giang, Bà mẹ Việt Bắc đến Mẹ Tơm, Mẹ Suốt và đặc biệt Bầm ơi - “những câu thơ thấu tận nhân tình”:

Bầm ơi có rét không bầm,

Heo heo gió núi lâm thâm mưa phùn

Bầm ra ruộng cấy bầm run

Chân lội dưới bùn tay cấy mạ non

Mạ non bầm cấy mấy đon

Ruột gan bầm lại thương con mấy lần

Mưa phùn ướt áo tứ thân

Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu…

Nhà thơ Xuân Diệu kể lại, những người lính pháo binh đã nâng niu, thuộc lòng bài thơ vì chính những nỗi lòng của họ đã được nhà thơ nâng niu, hiểu, thuộc. “Bầm ơi thật xứng đáng với tình mẹ con muôn đời”. Những bài thơ về mẹ của Tố Hữu làm xúc động nhiều thế hệ công chúng và chắc chắn sẽ là những bài thơ đi cùng đất nước.

Với một hành trình dài hơn 60 năm hoạt động cách mạng và sáng tạo thơ ca, trải qua bao sóng gió, Tố Hữu đã để lại một di sản văn chương vô giá. Không chỉ đủ sức bay cao, bay xa, vượt qua cuộc chuyển giao thế kỷ như nhà thơ Chế Lan Viên từng khẳng định, di sản thơ của Tố Hữu chắc chắn sẽ còn mãi cùng nhân dân, đất nước mà Tố Hữu đã hết lòng gắn bó, yêu thương và trọn đời dâng hiến. “Đọc lại thơ Tố Hữu” do vậy luôn là và mãi vẫn là nhu cầu của các thế hệ công chúng Việt Nam. Mỗi thế hệ sẽ lại khám phá, tiếp nhận được từ thơ ông những tầng vỉa giá trị nhân văn mới, sâu xa và thiết cốt./.

PGS. TS. Mai Bội Hương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất