Văn hóa là cốt lõi của sức mạnh mềm (hay còn gọi là quyền lực mềm) và được coi là yếu tố có vai trò quyết định sức mạnh và vị thế quốc gia. Việc gia tăng sức mạnh này là chiến lược quan trọng để hoàn thành nhiều mục tiêu lớn, trong đó có nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. Việt Nam đã và đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi phải có những đối sách mang tính chiến lược và chủ động để phát huy hiệu quả sức mạnh văn hóa của dân tộc.
Trong lịch sử giữ nước, có thể coi Bình Ngô đại cáo của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi là áng văn đỉnh cao thể hiện ý chí và văn hóa của người Việt Nam với tư tưởng: Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo. Cô đúc lịch sử giữ nước hào hùng hàng nghìn năm của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Ðó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".
Có thể không nói ra, nhưng từ xa xưa, tinh thần và lối ứng xử đó đã toát lên sức mạnh thu phục, cảm hóa của dân tộc Việt Nam, đó thật sự là "sức mạnh mềm" của dân tộc ta trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được kết tinh từ văn hóa Việt Nam.
Do đó, không phải đến năm 1990, trong cuốn sách Nhất định lãnh đạo: diễn biến của bản chất sức mạnh nước Mỹ và trong bài Sức mạnh mềm đăng trên Tạp chí Chính sách ngoại giao, khái niệm "Sức mạnh mềm" (soft power) còn có thể gọi là quyền lực mềm, thực lực mềm, được Giô-xép Ni-ơ, một Giáo sư Ðại học Ha-vớt (Mỹ) nêu ra thì "sức mạnh mềm" mới ra đời và được nhắc đến nhiều, mà từ xa xưa, sức mạnh này đã tồn tại và phát huy như trường hợp của Việt Nam.
Trước bối cảnh mới, các nước đều đang có sự tìm tòi những phương thức ứng xử quốc tế mới, không phải đối đầu mà là đối thoại, không phải sử dụng quyền lực cứng (quân sự, kinh tế đơn thuần) mà phải tìm cách phát huy quyền lực mềm, tức là phát huy sức mạnh của hệ giá trị quốc gia: bao gồm các giá trị về văn hóa, về thể chế xã hội, về chính sách quốc gia (đối nội và đối ngoại),... để cạnh tranh. Trong chiến lược phát huy sức mạnh mềm hay quyền lực mềm, văn hóa là cốt lõi, bởi trong quá trình toàn cầu hóa ngày nay, văn hóa ngày càng biến đổi và trở thành bộ phận quan trọng của sức mạnh tổng hợp quốc gia. Việc gia tăng quyền lực mềm văn hóa để hoàn thành nhiều mục tiêu lớn trong đó quan trọng nhất là nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. Văn hóa đã trở thành nhân tố then chốt trong số những nhân tố tạo nên sức mạnh mềm hay quyền lực mềm của một quốc gia, đặc biệt trong thời đại thông tin toàn cầu như ngày nay, với các công cụ in-tơ-nét, truyền thông... Nhiều nước đã chú trọng xây dựng chiến lược phát triển văn hóa, hướng tới mục tiêu là tìm cách đưa hình ảnh của đất nước và văn hóa của đất nước đó ngày càng trở nên thu hút hơn đối với thế giới, trong đó, công nghiệp giải trí được coi là một trong những nhân tố tạo nên quyền lực mềm.
Liệu sức mạnh mềm có thể được coi là xu thế của các quốc gia trong thời buổi toàn cầu hóa, trong "ngôi nhà chung" của thế giới? Trước những tác động mang tính chiến lược, có bài bản, tác động và gây ảnh hưởng bằng sức mạnh mềm qua văn hóa từ bên ngoài vào Việt Nam, chúng ta đã và đang đứng trước nguy cơ gì và đã có đối sách như thế nào để chủ động ứng phó phù hợp, hay là chúng ta chỉ vận dụng tình huống sức mạnh mềm một cách bị động?
Do vị trí địa chính trị, địa văn hóa, Việt Nam là một trong số ít quốc gia nằm trên trục cắt của Ðông - Tây và Bắc - Nam, thường chứa đựng các xung đột quốc tế, như đứng giữa ngã tư, vùng trũng, do đó ở đây luôn có xu hướng xung đột và giao lưu, không từ chối trong việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài trên nền tảng tư tưởng độc lập, văn hóa của dân tộc. Ðó vừa là thế mạnh của người Việt Nam trong lịch sử, vừa là thách thức của người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập toàn diện.
Khi chúng ta đi sau ở ngã tư đường, nếu thiên về tiếp nhận, thụ hưởng sáng tạo của nhân loại, ắt sẽ nảy sinh tâm lý thụ động, trông chờ, bị cuốn hút trước sức mạnh mềm của một số quốc gia khác. Mặt khác để giải quyết những bất cập nội tại của văn hóa, con người Việt Nam trong thời buổi toàn cầu hóa, ta không thể chỉ dùng nội lực, những giải pháp nội sinh mà chưa đặt đúng tầm của sức mạnh mềm quốc gia và chủ động ứng phó với sức mạnh mềm của các quốc gia khác đang ra sức gây ảnh hưởng đến Việt Nam.
Khi tiềm năng sức mạnh cứng còn khiêm tốn, sức mạnh mềm quốc gia chưa được tập hợp có hệ thống, hướng đích, với xuất phát điểm của mình và bài học các nước trong khu vực, chúng ta chỉ có thể bắt đầu bằng văn hóa, từ văn hóa làm nòng cốt để gây dựng, từng bước gia tăng sức mạnh mềm quốc gia Việt Nam. Kế thừa kinh nghiệm của cha ông, với bối cảnh toàn cầu hóa, sự gia tăng sức mạnh mềm của một số quốc gia đến Việt Nam, xu hướng sắp tới là cần xác lập quyền lực mềm quốc gia bằng văn hóa, với các chính sách phát triển hợp lý, trên cơ sở các giá trị đặc sắc cùng lợi thế cạnh tranh của văn hóa Việt Nam, tạo sức đề kháng mạnh mẽ.
Có lẽ việc đầu tiên là phải xây dựng và triển khai các chiến lược, quy hoạch, hệ thống cơ chế, chính sách liên quan đến phát huy sức mạnh mềm với xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa đối ngoại rõ định hướng và mục đích; cải cách thể chế, coi trọng các quy luật phát triển, định hình thị trường văn hóa. Ðiều quan trọng trong xây dựng sức mạnh mềm của Việt Nam là tạo ra sức hấp dẫn của văn hóa, làm cho mọi người coi trọng, tôn trọng, tự hào về văn hóa truyền thống; phát huy các giá trị đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc và có lợi thế cạnh tranh quốc gia có sức lôi cuốn đối với cộng đồng quốc tế. Chúng ta đã đề ra, nhưng cần tái xác lập và tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với thị trường xuất khẩu phù hợp, thúc đẩy thực thi, bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ, tạo động lực phát huy sáng tạo, đồng thời với phát triển du lịch phát huy tiềm năng, lợi thế về cảnh quan, văn hóa, con người Việt Nam; tạo cơ chế chính sách phù hợp, huy động nguồn lực để thúc đẩy sự gia tăng sức mạnh quốc gia bằng văn hóa.
Trước sự gia tăng ảnh hưởng sức mạnh mềm của một số nước lên Việt Nam, một trong những đối sách then chốt là tập trung xây dựng các giá trị văn hóa mới, đi đôi với việc mở rộng và chủ động trong giao lưu quốc tế, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc, bắt kịp sự phát triển của thời đại, tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài trở thành một trong những hạt nhân quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.
Phát huy giá trị văn hóa vốn có, được trao truyền từ các thế hệ cha ông, kết nối sức mạnh văn hóa với ngoại giao tạo sức mạnh mềm quốc gia. Vấn đề bắt đầu từ nhận thức và không chỉ bằng nhận thức từ bề dày lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc và cánh cửa đang mở ra phía trước.
Có thể nhận thấy, tùy từng bối cảnh lịch sử, điều kiện cụ thể của đất nước và thế giới, Ðảng ta luôn thể hiện vai trò quan trọng trong đổi mới tư duy, nhận thức và phương thức lãnh đạo văn hóa. Hiện thực văn hóa ngày nay đã có nhiều thay đổi, cũng vì vậy, hiện thực mới cần có những kiến giải mới, trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Với vai trò tiên phong của mình, Ðảng ta nhất định sẽ tiếp tục nắm chắc và giương cao ngọn cờ lãnh đạo để đề ra một chiến lược phát triển văn hóa phù hợp, thể hiện tầm vóc, trí tuệ, bản lĩnh của Ðảng trong bối cảnh hội nhập và phát triển.
Thứ trưởng HỒ ANH TUẤN
( Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
(Nguồn: Nhân dân)