Thứ Tư, 27/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Sáu, 2/1/2015 16:39'(GMT+7)

Sức sống mới ở vùng quê cách mạng

Còn mãi với thời gian

Bà Hoàng Như Loan, Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào cho biết: Năm 1952, thôn Chi Liền (nay là thôn Đồng Mà), xã Trung Yên, là địa điểm được Đảng và Bác Hồ chọn làm nơi ở và làm việc của Ban Thường trực Quốc hội. Đến đầu tháng 10/1954, Ban Thường trực Quốc hội dời Chi Liền về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Tại đây, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tôn Đức Thắng (khi đó ông vừa là quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội, vừa là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt), Ban Thường trực Quốc hội đã hoạt động rất tích cực, cùng Chính phủ quyết định những chính sách đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Pháp, tiến tới thành công. Trong đó, có thể kể đến nhiều hội nghị quan trọng như: Hội nghị Liên tịch giữa Ban Thường trực Quốc hội với Ủy ban Liên Việt tháng 2/1953; Hội nghị toàn quốc của Ủy ban Liên Việt tháng 11/1953; là nơi soạn thảo nội dung và chuẩn bị tài liệu cho Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa I (khóa họp duy nhất tại chiến khu Việt Bắc) từ ngày 1 - 4/12/1953...

Là một trong những người cao tuổi nhất ở thôn Quan Hạ, xã Trung Yên, ông Nguyễn Văn Vĩnh, dân tộc Tày, 84 tuổi đời và 60 năm tuổi Đảng cho biết: Thời kỳ Ban Thường trực Quốc hội đóng trên địa bàn xã Trung Yên, lúc ấy dân cư trên địa bàn xã còn thưa thớt, rừng cây rậm rạp, đường sá đi lại rất khó khăn. Khi đó tôi đang đi bộ đội nhưng được nghe bố mẹ kể lại, để tạo điều kiện cho cán bộ làm việc, người dân nơi đây đã giúp cán bộ dựng lán, cung cấp các nhu yếu phẩm hàng ngày như rau xanh, gạo... cho cán bộ.

Ông Vĩnh chia sẻ thêm, tuy thời gian Ban Thường trực Quốc hội đóng tại xã không lâu nhưng tình gắn bó keo sơn của người dân đối với cán bộ vô cùng sâu sắc. Cán bộ và người dân coi nhau như anh em ruột thịt trong gia đình. Gia đình ông cũng đã tự nguyện góp gạo, rau xanh giúp cán bộ ổn định đời sống. Mọi người trong xã đều có cảm tình với cán bộ và thực hiện đúng phương châm: “Không hay, không biết, không nghe, không thấy” để bảo đảm bí mật cho các khu vực làm việc của các bộ, ban, ngành Trung ương tại xã được an toàn.

Dưới sự che chở và đùm bọc của người dân trong xã, trụ sở làm việc của Ban Thường trực Quốc hội luôn được đảm bảo an toàn. Năm 1954, Ban Thường trực Quốc hội chuyển về tiếp quản Thủ đô nhưng tình cảm tốt đẹp của cán bộ và người dân địa phương vẫn còn giữ mãi đến ngày nay. 

Quê hương cách mạng đổi mới

Đến Trung Yên hôm nay, những con đường bê tông phẳng phiu dẫn vào thôn xóm và các khu di tích, khiến chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay, một sức sống mới ở vùng quê cách mạng này.

Ông Triệu Văn Trai, Trưởng thôn Đồng Mà, xã Trung Yên cho biết: Người dân trong thôn rất tự hào vì năm xưa Ban Thường trực Quốc hội đóng trụ sở làm việc tại đây. Vì vậy, bên cạnh việc nỗ lực phát triển kinh tế người dân trong thôn còn nỗ lực bảo tồn khu di tích. Thôn Đồng Mà có 90 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao. Vài năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của Nhà nước và tập trung phát triển cây chè, đời sống của người dân trong thôn đã từng bước được cải thiện; 70% số hộ trong thôn đã có nhà xây kiên cố và 70% đường giao thông nội thôn đã được bê tông hóa...

Ông Phùng Quang Bình, Phó Chủ tịch xã cho biết: Trung Yên là xã còn nhiều khó khăn trên địa bàn huyện Sơn Dương, với 70% là đồng bào dân tộc Tày, những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ của nhiều chương trình, dự án, điển hình như Chương trình 135 với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giúp ổn định đời sống, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong năm 2014, Trung Yên đã được Chương trình 135 giai đoạn 2 đầu tư 800 triệu đồng để xây dựng trường mầm non xã. Ngoài ra, chương trình còn hỗ trợ cung ứng giống chè và lợn trị giá gần 400 triệu đồng cho 90 hộ nghèo trong xã phát triển sản xuất. Hiện nay, với hơn 112 ha chè, cây chè là cây trồng chủ lực giúp người dân trong xã nâng cao cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

Tỷ lệ hộ nghèo trong xã còn cao, hơn 1/3 số dân trong xã chưa thoát nghèo là điều trăn trở và khó khăn ở Trung Yên. Tuy nhiên, điều đáng mừng là xã đã làm được trên 20 km đường bê tông, giao thông đi lại thuận tiện sẽ tạo nền tảng để người dân phát triển kinh tế. Hiện xã đã hoàn thành 6/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới xã tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới; huy động các nguồn vốn từ ngân sách, từ doanh nghiệp và sự đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Đồng thời, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc xã và các tổ chức đoàn thể vận động nhân dân đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; phấn đấu năm 2015, hoàn thành 10 tiêu chí.

Để xứng đáng với truyền thống cách mạng, an toàn khu năm xưa, thời gian tới, Trung Yên tiếp tục đẩy mạnh sản xuất lương thực, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất cây trồng vụ 3, phấn đấu đến hết năm 2015 sản lượng lương thực đạt trên 2.000 tấn; duy trì những kết quả đã đạt được trong công tác dạy và học, giữ vững thành quả phổ cập giáo dục các bậc học. Bên cạnh đó, tỉnh tập đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả nguồn giống được hỗ trợ từ Chương trình 135; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trong phát triển, mở rộng diện tích cây chè; rà soát, nắm chắc tình hình, tạo cơ sở giảm nghèo theo tiêu chí mới bền vững, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã xuống còn dưới 19% vào năm 2015.../

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất