Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 11/2/2009 11:29'(GMT+7)

Suy nghĩ về đổi mới phương pháp tuyên truyền miệng

Hay nói cách khác phương pháp là một trong những yếu tố tham gia quyết định hiệu quả công tác tuyên truyền. Xã hội càng phát triển, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng càng phức tạp, quyết liệt thì yêu cầu càng cao với chất lượng công tác tuyên truyền. Phải khẳng định rằng, hoạt động tuyên truyền bước vào thời kỳ mới có nhiều thuận lợi, nhưng cũng có không ít khó khăn. Đó là sự diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, là sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô. Đó là sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch với Việt Nam, nhất là trên lĩnh vực ý thức hệ. Đó là sự diễn biến tư tưởng trong Đảng, trong xã hội về mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về truyền thống dân tộc, về văn hóa và lối sống, về cơ chế thị trường, về sự phân hóa trong xã hội với các lợi ích và các tâm trạng khác nhau. Phương pháp tuyên truyền miệng phải hết sức chú ý tới thời kỳ chuyển giai đoạn này.

Thời gian qua, các báo cáo viên đã biết tiếp thu, kế thừa và vận dụng cách tuyên truyền của cha ông trong lịch sử, cách tuyên truyền trong cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Các báo cáo viên đã nắm vững những vấn đề cần tuyên truyền, nắm và căn cứ vào đối tượng; biết xử lý thông tin và chọn lựa các thông tin cần thiết; biết sử dụng ngôn ngữ phù hợp, có thái độ đúng mực khi trình bày, nói chuyện.

Tuy nhiên:

- Số báo cáo viên, cán bộ tư tưởng sử dụng phương pháp tuyên truyền miệng có sức hấp dẫn, có tính thuyết phục còn dừng lại ở tỉ lệ thấp. Ngược lại, số báo cáo viên, cán bộ tư tưởng có khả năng nói hạn chế còn chiếm tỷ lệ cao.

- Tính đảng, tính khoa học, tính chiến đấu trong phương pháp tuyên truyền chưa cao, nên hiệu quả tuyên truyền còn hạn chế; còn thiếu sắc bén và chưa kịp thời phản bác lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

- Cách tuyên truyền nhiều khi còn thiếu sáng tạo, đơn điệu, một chiều; chưa chú ý đúng mức đến "con tim", đến "lợi ích thiết thực", phần nhiều chưa chuyển được từ độc thoại sang đối thoại trong cách trình bày nên chưa kích thích được tư duy, chưa gợi mở được cái mới của vấn đề trình bày, do vậy dễ bị khô khan và kém hứng thú, hấp dẫn.

Để đổi mới phương pháp tuyên truyền miệng, tất nhiên là chúng ta phải tiến hành đồng bộ nhiều việc. ở đây, chúng tôi chỉ chọn một số vấn đề đang nổi lên trong tình hình hiện nay mà theo chúng tôi, lâu nay chúng ta chưa chú ý đúng tầm.

Một là, nâng cao năng lực nắm đối tượng và chú ý tới những vấn đề mà đối tượng quan tâm khi tuyên truyền miệng.

Khi tuyên truyền đến nhân dân, điều quan trọng của người tuyên truyền là phải nắm đối tượng, hiểu đối tượng, hóa thân vào đối tượng thì tuyên truyền mới có hiệu quả.

Ở giải pháp này cần chú ý:

- Nâng cao năng lực nắm và hiểu đối tượng.

- Nâng cao năng lực giao tiếp với đối tượng.

- Nâng cao năng lực xử lý tài liệu phù hợp với đối tượng.

- Nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ phù hợp với đối tượng.

Liên quan đến việc nâng cao năng lực nắm và hiểu đối tượng là vấn đề phải nhận thức đúng các đối tượng đang quan tâm đến những vấn đề gì, đặc biệt là những vấn đề về lợi ích thiết thực.

Tư tưởng bao giờ cũng gắn lợi ích. Do vậy, khi tuyên truyền phải biết nhân dân đang tán thành, ủng hộ cái gì, đang phản đối, thậm chí bất bình, phẫn nộ với cái gì.

Tất cả những vấn đề trên lại không cố định, luôn luôn thay đổi với sự thay đổi của thực tiễn. Do vậy người làm công tác tuyên truyền phải hết sức nhạy cảm với những vấn đề nảy sinh từ thực tế cuộc sống đặt ra.

Hai là, quán triệt sâu sắc sự thống nhất giữa lời nói và việc làm trong phương pháp tuyên truyền.

Khi tuyên truyền miệng nói riêng và công tác tuyên truyền nói chung phải phù hợp và thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa lời nói và việc làm. Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa lời nói và việc làm vừa là tư cách, phẩm chất, đạo đức của người cách mạng, vừa là phương pháp tốt nhất để cảm hóa, thuyết phục, thu phục con tim, khối óc của đối tượng ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi.

Không thể để tồn tại tình trạng cán bộ khi đi tuyên truyền về chủ nghĩa xã hội mà mình lại là người hoài nghi, dao động và giảm sút niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Không thể có cán bộ khi tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng trong khi chính mình lại là người hoang mang, thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Không thể có cán bộ khi tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống mà chính mình lại đang thoái hóa, biến chất và sa sút về phẩm chất, đạo đức và lối sống. Thiếu niềm tin, họ dễ bị dao động trước những biến đổi lớn của hiện thực xã hội, mất phương hướng khi xuất hiện những tình huống chính trị phức tạp, mất động lực khi giải quyết những vấn đề bức xúc và trở thành những người nói nhiều mà làm ít, nói một đường làm một nẻo, thậm chí nói mà không làm.

Ba là, tăng cường đối thoại trong tuyên truyền miệng.

Đối thoại là hình thức và giải pháp tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục trực tiếp, bình đẳng, dân chủ; là sự giao tiếp sinh động giữa người nói và người nghe, giữa chủ thể và đối tượng, thực hiện thông tin hai chiều trong quá trình dân chủ hóa thông tin. Nó có lợi thế là tuyên truyền trực tiếp, có hệ thống sâu và kỹ đưa quan điểm, ý kiến của Đảng đến với mọi đối tượng mà không có sự ngăn cách nào.

Đối thoại một mặt thực hiện tuyên truyền có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; mặt khác, qua đối thoại, chủ động nắm bắt yêu cầu mới, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân để phản ánh với Đảng và Nhà nước, góp phần tổng kết các hoạt động thực tiễn, góp phần bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng; đồng thời, đấu tranh không khoan nhượng với những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái.

Đối thoại thể hiện giao tiếp trực tiếp giữa người nói và người nghe; mục đích là tìm tới tiếng nói chung có định hướng bằng thuyết phục và cảm hóa trong giải quyết các vấn đề có liên quan đặc biệt trong tình hình hiện nay.. Người nghe có thể nói, có thể hỏi, có thể chất vấn và tranh luận với người nói. Nó khắc phục tình trạng người nghe bị động, nhiều khi không thoải mái, bị ức chế, khó tiếp thu, mang tính áp đặt một chiều nếu người nói thiếu nhạy cảm và thiếu tầm trí tuệ, thực tiễn cần thiết.

Đối thoại là thực hiện dân chủ trong thông tin, trong tìm tòi chân lý. Nhiều vấn đề sẽ sáng tỏ trong đối thoại - tranh luận. Qua đối thoại cán bộ nắm rõ hơn tình hình tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân. Qua đối thoại giúp cán bộ tự điều chỉnh những suy nghĩ, nhận thức của mình cho phù hợp cuộc sống; cung cấp thông tin cho người nghe và nghe, thu nhận thông tin từ đối tượng. Qua đối thoại, thu thập thông tin để có cơ sở tham mưu đề xuất giải pháp thích hợp đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Đối thoại cũng là phương pháp rèn luyện bản lĩnh, phong cách và trình độ cán bộ, đặc biệt rèn luyện phong cách gắn bó với quần chúng, sâu sát gần gũi nhân dân, do dân, vì dân, thực hiện và phát huy dân chủ từ cơ sở.

Để làm tốt giải pháp đối thoại cần:

- Chuẩn bị công phu nội dung đối thoại.

- Nắm vững kỹ năng nghệ thuật đối thoại.

- Nắm vững đối tượng đối thoại.

- Cử cán bộ có năng lực và uy tín đi đối thoại.

Bốn là, chuẩn bị chu đáo cho buổi báo cáo, nói chuyện.

Đây là công việc cực kỳ quan trọng. Chuẩn bị đề cương tốt giúp báo cáo viên tự tin, yên tâm và đây cũng là một trong những khâu góp phần quyết định cho sự thành công của buổi thuyết trình, nói chuyện.

Đối với người có kiến thức uyên thâm, có nhiều kinh nghiệm, nội dung cụ thể đã có trong đầu, thì có khi chỉ cần gạch đầu dòng mấy nét về bố cục để bảo đảm tính lôgic và phân bổ thời gian hợp lý cho từng mục. Tất nhiên những người đạt đến trình độ này số lượng không nhiều.

Còn lại phần đông số báo cáo viên, dù có nắm vững vấn đề mình trình bày, vẫn cần chuẩn bị đề cương chi tiết thành bài, thành văn, thậm chí cân nhắc cả những ví dụ minh họa, cũng như những dẫn chứng tư liệu cụ thể. Chuẩn bị càng công phu, vấn đề nắm càng sâu sắc thì diễn đạt sẽ khúc triết, tường minh. Thường những gì nắm không sâu thì diễn đạt sẽ mờ nhạt, những gì nắm không vững thì diễn đạt sẽ rối.

Sự chuẩn bị chu đáo, công phu đề cương bài nói, chắc chắn là sẽ không bao giờ thừa.

Khi chuẩn bị đề cương bài nói phải chú ý tính chính xác:

Chính xác về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, các thông tin cụ thể. Nội dung phải phù hợp người nghe. Người nghe đang quan tâm cần hiểu sâu vấn đề gì, giải đáp vấn đề gì. Khi chuẩn bị nội dung cũng cần phải lường tới (dự kiến) những vấn đề mà người nghe có thể hỏi, chất vấn. Cùng một vấn đề trình bày, nhưng các đối tượng khác nhau phải biết chuẩn bị khác nhau.

Trong khi trình bày phải chân thành, cởi mở và phải biết cách "đối thoại ngay trong độc thoại", tạo sự chia sẻ, đồng cảm, khơi dậy tính chủ động, tính tích cực của người nghe, giúp người nghe tự mình tìm đến chân lý, chuyển hóa thành niềm tin và hành động.

Năm là, chăm lo đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất kỹ thuật; có chính sách hợp lý để thu hút, động viên các báo cáo viên.

Đây là vấn đề đã được đề cập từ nhiều năm nay, nhưng sự chuyển biến trong thực tế chưa nhiều. Trong những năm gần đây, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo các tỉnh thành đã có nhiều cố gắng tạo các điều kiện cần thiết để báo cáo viên được tiếp cận các nguồn thông tin (tất nhiên là có định hướng). Các cấp ủy Đảng, các địa phương đã có sự quan tâm trang bị các phương tiện vật chất tối thiểu bảo đảm cho nghiên cứu, học tập và công tác. Mới đây ngày 18/6/2008, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 51/2008/TT-BTC thay cho Thông tư số 79/2005/TT-BTC là một bước tiến mới trong quy định về mức bồi dưỡng cho báo cáo viên.

Thông tư số 79/2005/TT-BTC quy định mức bồi dưỡng cho báo cáo viên cấp cơ sở từ 30.000đ-50.000đ/buổi; cao nhất cho đối tượng báo cáo viên khác cũng chỉ 200.000đ/buổi. Thông tư số 51/2008/TT-BTC thay cho Thông tư 79 quy định: giảng viên, báo cáo viên cấp cục, vụ, viện, giáo sư, phó giáo sư, chuyên viên cao cấp, tỉnh ủy viên, trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh và tương đương, mức tối đa không quá 400.000đ/buổi. Giảng viên, báo cáo viên là tiến sĩ, chuyên viên chính, phó các sở, ban, ngành cấp tỉnh và tương đương, mức tối đa không quá 300.000đ/buổi. Giảng viên, báo cáo viên cấp quận, huyện, thị xã mức tối đa không quá 200.000đ/buổi. Giảng viên, báo cáo viên cấp xã, mức tối đa không quá 120.000đ/buổi.

Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng ở giải pháp này, chúng ta cần phải tiếp tục suy nghĩ nhiều hơn nữa, có các cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút những cán bộ tâm huyết, có năng lực, trình độ vào ngành Tuyên giáo, đồng thời cũng khẳng định vai trò quan trọng của công tác tuyên giáo phải được biểu hiện trong thực tế cuộc sống tương xứng với vai trò quan trọng đã được xác định trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng.

Sáu là, để làm tốt công tác tuyên truyền miệng, yếu tố quyết định, quan trọng hàng đầu với mỗi báo cáo viên đó là yêu nghề. Chỉ có yêu nghề thì mới tích cực sưu tầm, tích lũy tư liệu, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp, không ngừng phấn đấu vươn lên làm tốt nhiệm vụ báo cáo viên.

Chỉ có yêu nghề thì mới hăng say tìm tòi, nghiên cứu, nắm vấn đề sâu sát, tự mình thuyết phục mình thì khi trình bày mới có hồn, mới truyền cho người nghe tâm huyết, niềm tin. Mỗi một lần báo cáo, nói chuyện là một lần sáng tạo, nâng lên niềm đam mê với công việc.

Khi báo cáo viên đã tâm huyết, yêu nghề, đam mê với công việc thì chắc chắn phương pháp tuyên truyền miệng càng ngày càng được đổi mới, vươn lên đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng đặt ra./.


  • PGS. TS Nguyễn Chí Mỳ (TC Báo cáo viên)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất