Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW), cơ quan có nhiệm vụ tiêu hủy vũ khí hóa
học tại Syria, cho biết chính quyền Damascus đã bổ sung thêm thông tin liên quan
đến chương trình vũ khí hóa học của nước này, chiểu theo điều kiện bắt buộc
trong nghị quyết của Liên hợp quốc.
Phát biểu tại Hội nghị của Ủy ban Hành pháp OPCW diễn ra ở La Hay, Hà Lan,
Tổng giám đốc tổ chức trên Ahmet Uzumcu cho biết việc cung cấp thêm thông tin
trên của chính quyền Syria là một phần bổ sung trong tiến trình làm rõ các kho
vũ khí hóa học như nước này đã cam kết trước đó. Ông khẳng định các thanh sát
viên OPCW sẽ kiểm tra thông tin mới này.
Trước đó, các thanh sát viên OPCW cũng đến Syria ngày 1/10 vừa qua và sau
một ngày họp với nhà chức trách Syria, công việc của các thanh sát viên đã có
"những tiến triển tích cực ban đầu."
Theo các thành viên nhóm thanh sát, các tài liệu được chính phủ Syria cung
cấp có vẻ có triển vọng, tuy nhiên, cần tiến hành phân tích sâu hơn, đặc biệt là
đối với các biểu đồ kĩ thuật, đồng thời một số nghi vấn vẫn cần được giải đáp.
Các chuyên gia hy vọng có thể bắt đầu tiến hành thanh sát tại chỗ và vô hiệu hóa
các thiết bị trong tuần tới.
Nhiệm vụ của nhóm chuyên gia này được cho là rất nặng nề, bởi theo
đánh giá của các chuyên gia, Syria hiện có hơn 1.000 tấn vũ khí hóa học
đang được cất giữ tại 45 địa điểm nằm rải rác trên khắp đất nước. Hơn
nữa, đây là lần đầu tiên trong lịch sử OPCW, các chuyên gia
của tổ chức này phải thực hiện nhiệm vụ tại một quốc gia đang trong
tình trạng nội chiến kéo dài.
Trong một diễn biến liên quan, Pháp đã nhắc lại lời kêu gọi 5 nước ủy viên
thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đình chỉ quyền phủ quyết mọi nghị
quyết khi xảy ra một tội ác nghiêm trọng. Việc khơi dậy lại đề xuất này là do sự
bế tắc hai năm qua tại Hội đồng Bảo an liên quan đến cuộc nội chiến ở Syria,
trong đó Nga đã dùng quyền phủ quyết đến 3 lần.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết Paris đưa đề xuất trên nhằm
trong trường hợp Hội đồng Bảo an được yêu cầu đưa ra quyết định liên quan đến
một tội ác nghiêm trọng, các ủy viên thường trực sẽ đồng ý đình chỉ quyền phủ
quyết của mình.
Theo đề xuất này, nếu 50 nước đưa ra yêu cầu, Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ
xác định liệu có xảy ra một tội ác nghiêm trọng hay không và thỏa thuận mang
tính tình nguyện nói trên của các ủy viên thường trực sẽ có hiệu lực. Động thái
này cũng sẽ cho phép Hội đồng Bảo an đảm bảo sự tín nhiệm cơ bản của cơ quan này
mà không cần thay đổi Hiến chương Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, ông cũng nêu rõ, để có thể áp dụng một cách thực tế, quy tắc
đình chỉ quyền phủ quyết sẽ không có hiệu lực một khi lợi ích sống còn của một
ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an bị đe dọa./.
(TTXVN)