Bộ trưởng Thông tin Syria Omran al-Zoubi ngày 7/1 khẳng định trái với
các thông tin tình báo của phương Tây, tất cả các nhóm chiến binh chống
lại quân đội Syria hiện nay đều là "các nhóm khủng bố" và không ai nên
trông đợi vào một chính phủ lâm thời sau các cuộc đàm phán hòa bình giữa
các bên trong cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này.
Ông al-Zoubi cũng khẳng định bất kỳ thỏa thuận nào ở hội nghị hòa bình
về Syria - còn được gọi là Hội nghị Geneva II - dự kiến vào ngày 22/1
tới ở Thụy Sĩ, sẽ cần phải đưa ra trưng cầu ý dân tại Syria bởi "mọi
thỏa thuận sẽ là vô giá trị nếu không có sự đồng thuận của người dân
Syria."
Ông Omran al-Zoubi còn cho biết nhân dân Syria quyết định rằng Tổng
thống Bashar al-Assad cần được đề cử vào vị trí đứng đầu đất nước thêm 1
nhiệm kỳ nữa, và do đó sẽ gây sức ép để ông tham gia tranh cử trong năm
nay.
Theo giới quan sát, tuyên bố của Bộ trưởng Omran al-Zoubi là sự biểu thị
rõ ràng nhất về việc Tổng thống Bashar al-Assad có ý định kéo dài thời
gian nắm quyền. Động thái này được cho là sẽ "chọc tức" một số nước
phương Tây và phe đối lập tại Syria.
Cũng trong ngày 7/1, Liên minh Dân chủ (NC) đối lập của Syria ở nước
ngoài đã tuyên bố hoãn cuộc họp quyết định về khả năng tham gia Hội nghị
Geneva II sang tuần tới. Hiện NC đang phải đối mặt với sức ép từ phương
Tây, trong bối cảnh Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) - nhóm chủ chốt trong
NC - kiên quyết không tham dự sự kiện nhằm tìm giải pháp chính trị cho
cuộc nội chiến kéo dài gần ba năm qua ở quốc gia Trung Đông này.
NC hiện vẫn nêu điều kiện tiên quyết để liên minh này tham gia hội nghị
là Tổng thống al-Assad phải tuyên bố từ nhiệm ngay trên bàn đàm phán -
điều mà phía Damascus kiên quyết bác bỏ.
Ngoài ra, ngay trong nội bộ của NC cũng đang "dậy sóng" khi 30 thành
viên NC (khoảng 1/4 số thành viên của liên minh này) tuyên bố sẽ từ
chức, nếu Chủ tịch tái đắc cử Ahmad Jarba không từ nhiệm.
Trước đó, hôm 5/1, ông Jarba đã chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bầu vị
trí chủ tịch - với 65 phiếu, đánh bại đối thủ duy nhất là cựu Thủ tướng
Riad Hijab, quan chức từng đào nhiệm khỏi chính quyền Damascus (được 13
phiếu).
Liên quan tới danh sách tham dự Hội nghị Geneva II, phát ngôn viên Bộ
Ngoại giao Iran Marzieh Afkham nhấn mạnh Tehran không chấp nhận bất cứ
điều kiện tiên quyết nào cho việc tham dự sự kiện này. Ngày 6/1, Liên
hợp quốc đã bắt đầu gửi giấy mời tham dự hội nghị quốc tế về Syria này,
song trong danh sách các quốc gia nhận được giấy mời đợt một không có
Iran.
Sự tham gia của Iran trong tiến trình đàm phán hòa bình Syria là một
trong những vấn đề gây tranh cãi, ảnh hưởng tới nỗ lực tổ chức Hội nghị
quốc tế về Syria. Trong khi Nga luôn ủng hộ Iran có một vị thế trong bàn
đàm phán, Mỹ kiên quyết yêu cầu Tehran phải đáp ứng yêu cầu tôn trọng
tuyên bố được thông qua tại hội nghị Geneva hồi tháng 6/2013 về vấn đề
Syria, ủng hộ sự ra đi của chính quyền hợp pháp do Tổng thống Bashar
al-Assad đứng đầu trước khi có bất cứ vai trò trực tiếp nào./.
(TTXVN)