Những năm gần đây, Đông Nam Á đã nổi lên với tư cách là một khu vực có vị trí chiến lược quan trọng và ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ chính trị thế giới. Năm 2013 cũng là thời điểm tiếp nối của xu thế này.
Không những án ngữ tuyến giao thông huyết mạch nối liền các khu vực có tiềm lực kinh tế, chính trị và quân sự như Đông Bắc Á, Trung Đông và nhiều nước thuộc khu vực Thái Bình Dương, đại đa số các nước trong khu vực Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng liên tục ở mức cao, tiềm năng phát triển của khu vực còn nhiều khi những hình thức liên kết và hợp tác giữa các thành viên trong khối ASEAN không ngừng được đẩy mạnh, đặc biệt là khi cộng đồng chung ASEAN được hình thành vào năm 2015. Bên cạnh đó, những căng thẳng liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo tại Đông Bắc Á đã khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến một Đông Nam Á giàu tài nguyên thiên nhiên với nguồn lao động dồi dào, giá rẻ. Tất cả những yếu tố này đã đưa Đông Nam Á trở thành một trong những trung tâm kinh tế, chính trị của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, là mắt xích quan trọng đối với chiến lược tăng cường vai trò quốc tế và gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của các cường quốc.
Chính vì vậy, những chuyến ngoại giao con thoi dày đặc tới Đông Nam Á trong năm 2013 của nguyên thủ các nước lớn đã cho thấy ưu tiên không ngừng thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với khu vực. Hồi tháng 10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có chuyến công du tới 3 nước Đông Nam Á là Bru-nây, Thái Lan và Việt Nam; điều đáng nói là chuyến thăm chỉ diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Chủ tịch nước Tập Cận Bình thăm In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a mà theo như nhận định của tờ China Daily thì "trong lịch sử ngoại giao Trung Quốc, hiếm khi Chủ tịch nước và Thủ tướng cùng tới thăm một khu vực trong thời gian ngắn như vậy”. Trong khi đó, mặc dù Tổng thống B. Ô-ba-ma (Barack Obama) phải hủy chuyến công du 4 nước Đông Nam Á vốn đã được lên kế hoạch trước đó, do biến cố chính phủ Mỹ đóng cửa nhưng không vì thế mà Oa-sinh-tơn “bỏ quên” khu vực khi năm 2013 sắp trôi qua, Ngoại trưởng G.Ke-ri (John Kerry) đã thăm Việt Nam và Phi-líp-pin trong một nỗ lực tái khẳng định chính sách "xoay trục" sang châu Á-Thái Bình Dương của Nhà Trắng. Không chỉ có lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, chuyến xuất hành đầu năm mới 2013 ra nước ngoài của ông S.A-bê (Shinzo Abe) sau khi nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản hồi cuối năm 2012 cũng là đến 3 nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Thái Lan và In-đô-nê-xi-a và tới tháng 11, nhà lãnh đạo xứ Phù Tang đã hoàn tất việc công du 10 nước thành viên ASEAN.
Năm 2013 cũng chứng kiến nỗ lực đoàn kết nội khối ASEAN không ngừng được tăng cường và nâng lên một mức mới. Điển hình là tại Hội nghị cấp cao lần thứ 22, ASEAN khẳng định tham gia đàm phán với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông với tư cách một khối và lần đầu tiên hai bên đã tham vấn chính thức về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Không những vậy, bất đồng giữa hai nước thành viên Cam-pu-chia và Thái Lan xung quanh khu vực đền cổ Prếch Vi-hia cũng được hóa giải khi hai nước cùng hoan nghênh và tuân thủ phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế.
Bên cạnh những thành tựu chung của cả khối, các nước thành viên ASEAN cũng ngày càng khẳng định vị thế và vai trò của riêng mình. Năm 2013 - thời điểm chuyển mình quan trọng trong lịch sử 46 năm hình thành của khối, lần đầu tiên Việt Nam có người đảm nhiệm cương vị Tổng thư ký ASEAN, tuyên bố tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tổ chức thành công diễn tập thực binh Ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo khu vực ASEAN (ARDEX-13), cũng như đưa ra sáng kiến thiết lập Nhóm chuyên gia ADMM+ về Hành động mìn nhân đạo được dư luận quốc tế đánh giá cao. Trong khi đó, Mi-an-ma, sau một thời gian bị cô lập với thế giới bên ngoài, đột biến trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài thông qua nỗ lực đẩy mạnh các chương trình cải cách hệ thống pháp lý và kinh tế; thậm chí Nây Pi Đô còn được dự báo sẽ sớm trở thành một "con rồng" mới của châu Á.
Tuy nhiên, hồ sơ Đông Nam Á 2013 - một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới, không chỉ lấp lánh những thành tựu. Siêu bão Haiyan quần thảo Phi-líp-pin trung tuần tháng 11 đã khiến hơn 7000 người thiệt mạng và mất tích, gây thiệt hại vật chất ước tính hơn 800 triệu USD. Mặc dù tính thống nhất, đoàn kết nội khối ngày càng được nâng cao nhưng không thể phủ nhận sự đa dạng với những vấn đề nội tại của riêng các nước thành viên chưa được dung hòa. Nếu như Phi-líp-pin phải oằn mình khắc phục hậu quả thiên tai thì chính trường Cam-pu-chia và Thái Lan lại gặp nhiều sóng gió với những cuộc biểu tình phản đối quy mô lớn của phe đối lập. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang suy yếu, các cuộc biểu tình, và đâu đó ngọn lửa kích động bạo lực được nhen nhóm, đã đe dọa nghiêm trọng kinh tế của cả hai nước, làm đảo lộn và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân. Nhìn sang Xin-ga-po, vốn là thành viên của “câu lạc bộ” các quốc gia hòa bình nhất thế giới, lần đầu tiên sau gần 45 năm kể từ cuộc bạo động năm 1969, bạo lực bất ngờ đã bùng phát với những lao động nhập cư tấn công cảnh sát, phủ bóng đen lên mục tiêu hòa hợp sắc tộc mà chính phủ đảo quốc sư tử vẫn luôn nỗ lực duy trì.
Dẫu vậy, nhìn nhận tổng thể một năm 2013 đã qua, có thể thấy rõ màu sáng vẫn là gam màu chủ đạo trong hồ sơ Đông Nam Á và xu thế này được dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2014 - thời điểm nước rút để ASEAN hoàn tất các mục tiêu còn lại của lộ trình xây dựng cộng đồng chung 2015, nhằm thể hiện ngày càng rõ nét hơn vai trò trung tâm của khối trong cấu trúc khu vực. Qua đó, ASEAN tiếp tục được dư luận quốc tế kỳ vọng đóng góp tích cực, có hiệu quả hơn nữa trong việc gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển của châu Á-Thái Bình Dương và thế giới.
Tuy nhiên, để Đông Nam Á vững vàng và tự tin vững bước trong năm 2014, bản thân các bên liên quan tại các nước thành viên như Cam-pu-chia và Thái Lan phải nhanh chóng giải quyết thỏa đáng căng thẳng chính trị trong nước hiện nay, tránh để rơi vào vòng xoáy bất ổn không lối thoát, vì lợi ích riêng của xứ chùa Tháp và chùa Vàng, cũng như lợi ích chung của khối, bởi đơn giản một nhẽ: “Trong có ấm thì ngoài mới êm”./.
Lâm Toàn (QĐND)