Thứ Sáu, 20/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 2/12/2018 10:48'(GMT+7)

Tác động đối với thị trường lao động trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Những lĩnh vực như dệt may, da giày, điện tử hay những lĩnh vực mà chúng ta sử dụng nhiều lao động sẽ bị ảnh hưởng lớn từ cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Quốc Việt – TTXVN

Những lĩnh vực như dệt may, da giày, điện tử hay những lĩnh vực mà chúng ta sử dụng nhiều lao động sẽ bị ảnh hưởng lớn từ cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Quốc Việt – TTXVN

1. Đặc trưng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Đặc trưng cơ bản của Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hợp nhất giữa các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật số, sinh học để giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội, sự kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực, các hệ thống kết nối in-tơ-nét.

Cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất và phương pháp quản trị “các nhà máy thông minh”, “công sở và thành phố thông minh” được kết nối in-tơ-nét, liên kết với nhau thành một hệ thống thay vì các dây chuyền sản xuất và phương pháp quản trị hành chính trước đây. Nhờ khả năng kết nối bằng máy tính, các thiết bị di động tiếp cận với các cơ sở dữ liệu lớn từ nhiều nguồn, những tính năng xử lý thông tin được nhân lên nhờ những đột phá về công nghệ bằng trí tuệ nhân tạo, người máy, công nghệ in 3D, công nghệ na-nô, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, công nghệ vật liệu mới,…

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra kỷ nguyên mới của sự lựa chọn các phương án đầu tư kinh doanh, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực, thúc đẩy năng suất lao động và hiệu quả, tạo bước đột phá về tốc độ phát triển, phạm vi mức độ tác động làm biến đổi cơ bản hệ thống sản xuất và quản trị xã hội cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Những bước nhảy vọt của công nghệ tự động hóa có tác động đến các công việc văn phòng, bán hàng, dịch vụ khách hàng điều khiển các phương tiện giao thông và các ngành hỗ trợ khi rô-bốt tự động hóa và trợ lý ảo trở nên phổ biến. Những truy vấn khách hàng trong kinh doanh sẽ được trả lời bằng rô-bốt tư vấn. Trên thị trường tài chính, máy tính có thể nhanh chóng đọc hàng vạn e-mail… Tất cả những dịch vụ trên đây sẽ tiết giảm đáng kể chi phí giao dịch. Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ đặt ra những yêu cầu mới về kiến thức kỹ năng và tâm thế của người lao động. Những kiến thức và kỹ năng có thể chia thành 3 nhóm:

Các kiến thức và kỹ năng liên quan đến nhận thức, tư duy hệ thống, tư duy phản biện, kỹ năng thích nghi, kỹ năng sáng tạo.

Các kỹ năng về thể chất: kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng số, kỹ năng kết nối.

Các kỹ năng về xã hội: giao tiếp, ứng xử, tạo lập quan hệ, làm việc theo nhóm.

Như vậy, việc áp dụng tổng hòa những kiến thức kỹ năng và tâm thế để đổi mới sáng tạo quan trọng hơn nhiều so với những kiến thức, kỹ năng chuyên biệt trước đây.

2. Tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến cơ cấu lao động và thị trường lao động

Về chuyển dịch cơ cấu lao động và việc làm :

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ “thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động ở nhiều nước với việc tăng nhu cầu sử dụng lao động kỹ năng nghề cao, xuất hiện đông đảo tầng lớp lao động sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, thiết kế, văn hóa, nghệ thuật, giải trí, truyền thông, giáo dục-đào tạo, y tế, pháp luật..”

Sự xuất hiện, áp dụng phổ biến siêu tự động hóa và siêu kết nối sẽ nâng cao năng suất những công việc hiện tại hoặc tạo ra nhu cầu việc làm mới; sự ra đời của robot có khả năng di chuyển và tương tác, sẽ giúp cho năng suất nhảy vọt.

Tuy nhiên theo hai nhà nghiên cứu Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng có thể tác động đối với lực lượng lao động,  tạo ra sự bất công lớn hơn, đặc biệt là gây ra nguy cơ phá vỡ thị trường lao động.

Phát sinh thị trường lao động ngày càng tách biệt giữa hai lĩnh vực “kỹ năng thấp/thu nhập thấp” và “kỹ năng cao/thu nhập cao”. Những ngành nghề sử dụng nhiều lao động rẻ, kỹ năng thấp… sẽ mất lợi thế cạnh tranh, hậu quả là một phần lực lượng lao động kỹ năng thấp (các công nhân trong dây chuyền lắp ráp) có thể bị thải hồi. Theo Báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố tháng 7 năm 2016 cho thấy, Việt Nam có đến 86% lao động trong các ngành dệt may và giày dép có nguy cơ mất việc làm dưới tác động của những đột phá về công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Về việc làm, nhóm lao động chịu tác động mạnh nhất là lực lượng lao động phổ thông và có kỹ năng trung bình rất dễ bị thay thế bởi quá trình tự động hóa và người máy. “Các cuộc cách mạng công nghệ thường thổi bùng những lo ngại về thất nghiệp khi máy móc làm tất cả mọi việc”. Đổi mới công nghệ thường dẫn đến năng suất cao hơn nhưng cũng sẽ tạo ra một áp lực lớn về tình trạng thất nghiệp và dịch chuyển của nguồn nhân lực. Khi tự động hóa thay thế con người trong toàn bộ nền kinh tế, người lao động sẽ bị dư thừa và điều đó làm trầm trọng hơn khoảng cách giữa lợi nhuận so với đồng vốn và lợi nhuận so với sức lao động. Theo con số ước tính, khoảng 47% các công việc hiện tại ở Mỹ có thể sẽ biến mất vì tự động hóa. Khi đổi mới công nghệ thường dẫn đến năng suất cao sẽ tạo ra một áp lực lớn về tình trạng thất nghiệp và dịch chuyển của nguồn nhân lực.

Về yêu cầu trình độ nguồn nhân lực chất lượng cao:

Khi bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các nền kinh tế sẽ chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào những yếu tố truyền thống như lao động giá rẻ, đất đai, tài nguyên sang mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ; đó là yếu tố thúc đẩy các quốc gia xác định  con đường tốt nhất để đối phó hiệu quả với những thách thức đặt ra. Trình độ nguồn nhân lực là yếu tố quyết định thành công của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Muốn thành công, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam cần vượt qua được những thách thức kinh tế xã hội cơ bản và cơ hội của chúng ta trong cuộc cách mạng này đến từ chính nỗ lực giải quyết những thách thức đó. Việt Nam cần tận dụng và phát huy tốt những lợi thế của mình trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với quốc tế; phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và công nghệ lạc hậu sang chủ yếu dựa vào công nghệ, nhân lực chất lượng cao và đổi mới sáng tạo”. Tuy nhiên, cơ hội bao giờ cũng đi kèm với rủi ro thách thức mà thách thức lớn nhất là năng lực con người chưa sẵn sàng để đón nhận làn sóng công nghệ mới.

Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt sẽ làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu lao động và thị trường lao động. Các hệ thống tự động hóa sẽ thay thế dần lao động thủ công trong toàn bộ nền kinh tế, sự chuyển dịch từ nhân công sang máy móc sẽ gia tăng sự chênh lệch giữa lợi nhuận trên vốn và lợi nhuận với sức lao động, điều này sẽ tác động đến thu nhập của lao động giản đơn và gia tăng thất nghiệp. Tỷ trọng lao động chất lượng cao gia tăng, làm phát sinh một thị trường việc làm ngày càng tách biệt thành các phân đoạn: thị trường kỹ năng cao, thị trường kỹ năng thấp và sẽ dẫn đến gia tăng sự phân hóa, hoặc tạo ra nhu cầu việc làm hoàn toàn mới so với trước đây. Do vậy, để phát huy được những thế mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chúng ta cần có sự chủ động chuẩn bị và chính sách điều tiết thích hợp./.

Quốc Tuấn - Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất