Với 9 tham luận trực tiếp tại hội thảo và nhiều ý kiến phát biểu khác, các đại biểu đã tập trung thảo luận sâu về vai trò của báo chí trong việc lấy ý kiến nhân dân về các Dự thảo chính sách, về xây dựng xã hội học tập; về vấn đề giám sát, phản biện xã hội; quản lý Nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch; đất và tài sản trên đất; và các vấn đề hôn nhân, gia đình, quốc tịch… Các đại biểu dự hội nghị thống nhất đánh giá các Dự thảo chính sách được soạn thảo công phu, cũng như đã nắm bắt được xu thế phát triển của đất nước.
Một số ý kiến tại hội nghị đã nhấn mạnh: Để báo chí là một hình thức hiệu quả trong việc lấy ý kiến nhân dân góp ý dự thảo chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo cần coi báo chí là kênh thông tin để lấy ý kiến góp ý của nhân dân, có kế hoạch và bố trí kinh phí cho việc này.
TS Nguyễn Thu Trang, Phó ban Pháp chế, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam(VCCI) đề cập đến vấn đề “Báo chí trong việc lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp góp ý cho các dự thảo chính sách kinh tế”.. Theo bà, báo chí là đầu mối lý tưởng để phát hiện các bất cập trong thực tiễn hoạt động kinh doanh, từ đó cộng đồng doanh nghiệp đề xuất các sáng kiến sửa đổi hoặc xây dựng chính sách, pháp luật mới đáp ứng các đòi hỏi thực tế; Những bức xúc, khó khăn tồn tại trong thực tiễn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp có thể được tập hợp để kiến nghị nếu doanh nghiệp có phản ánh. Tuy nhiên trong khá nhiều trường hợp, một số tin bài trên các báo hầu như giống nhau do sử dụng chủ yếu thông cáo báo chí mà thiếu xử lý về nội dung riêng của phóng viên. Điều này dẫn tới sự đơn điệu của các bài báo, làm giảm sự tích cực của báo chí, đặc biệt việc khai thác làm sâu sắc hơn các vấn đề. Đây là hiện tượng xảy ra với khá nhiều bài báo liên quan tới các hội thảo, sự kiện đóng góp ý kiến chính sách trong thời gian qua. Những bài điểm tin này về cơ bản cũng đã làm được công việc quan trọng là phổ biến thông tin tới đông đảo công chúng và doanh nghiệp, nhưng chưa thực sự tạo ra thảo luận sôi nổi, rộng rãi trong xã hội, thì với các hạn chế này, các bài báo liên quan đã chưa thực hiện được vai trò trông đợi này...
Phát biểu của ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Pháp luật Chính sách (Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Báo chí là phương tiện cần thiết, quan trọng để thức hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đã có chuyên mục pháp luật trong đó có phổ biến văn bản mới, giải đáp pháp luật...phần nào đáp ứng được yêu cầu của công tác truyên truyền, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên cần lưu ý rằng: Báo chí còn là diễn đàn để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức và nhân dân về các dự thảo chính sách.
Việc lấy ý kiến về dự thảo có thể bằng hình thức lấy ý kiến trực tiếp, gửi dự thảo để góp ý, tổ chức hội thảo, thông qua Trang thông tin điện tử của Chính phủ, của cơ quan chủ trì soạn thảo hoặc các phương tiện thông tin đại chúng.
Tại Hội thảo, đa số các đại biểu đề nghị các cơ quan chủ quản hữu quan cần tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế phù hợp để các cơ quan báo chí làm tốt công tác tiếp thu phản hồi ý kiến của nhân dân góp ý vào dự thảo các chính sách của Đảng và Nhà nước để Báo chí thể hiện với vai trò là cầu nối, là người giao liên tin cẩn giữa nhân dân và Nhà nước./.
Tuấn Đạt