Dưới tác động tiêu cực của cuộc khủng
hoảng tài chính năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, quá
trình tái cấu trúc đã và đang diễn ra quyết liệt trên toàn cầu nhằm khắc
phục những khiếm khuyết của hệ thống kinh tế.
Thực tiễn tái cấu trúc kinh tế châu Âu
Tái cấu trúc nền kinh tế là một quá trình tổ chức lại cơ cấu kinh tế bằng cách hình thành mới, cắt bỏ đi, tăng hay giảm các ngành, lĩnh vực, bộ phận kinh tế. Về bản chất, tái cấu trúc là cuộc cải cách mạnh mẽ, quyết liệt để nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư được phân bổ hiệu quả và tạo ra một sự khích lệ, động lực mới, gắn bó một cách sâu sắc với hội nhập và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Mục đích của tái cấu trúc kinh tế là giúp nền kinh tế phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.
Tính cấp thiết của tái cấu trúc kinh tế châu Âu được thể hiện thông qua ba nhân tố cơ bản sau: Một là, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu cho thấy chiến lược hướng ra thị trường quá mức có thể đưa tới những khó khăn nghiêm trọng khi thị trường nước ngoài chao đảo. Do đó, trong thời gian tới trên thế giới sẽ diễn ra xu thế cơ cấu lại nền kinh tế và thị trường theo hướng cân bằng hơn giữa thị trường trong nước và nước ngoài; Hai là, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại có đặc trưng nổi bật là sự thâm nhập nhanh của tri thức và công nghệ cao vào tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế và quyết định xu hướng hình thành cơ cấu kinh tế mới đang tác động rất mạnh mẽ đến các nền kinh tế trên thế giới; Ba là, sự cần thiết tái cấu trúc kinh tế dựa trên cơ sở lý thuyết địa kinh tế mới, bao gồm: 1) mật độ kinh tế cao hơn thể hiện thông qua mức độ tập trung hoạt động kinh tế hay tổng sức mua trên trên một đơn vị diện tích, ví dụ như GDP trên một km2; 2) khoảng cách ngắn hơn để tiếp cận thị trường; 3) ít sự chia cắt hơn để tranh thủ lợi thế quy mô và chuyên môn hóa; 4) xu hướng toàn cầu hóa ngày càng gia tăng. Kinh tế toàn cầu sẽ được cơ cấu lại, trong đó các ngành, các sản phẩm tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường sẽ được quan tâm hơn.
Tái cấu trúc nền kinh tế phải được dẫn dắt bởi lý thuyết tăng trưởng hiện đại. Theo lý thuyết này, mô hình tăng trưởng kinh tế phải dựa trên ý tưởng và tính sáng tạo, thay cho tăng trưởng dựa chủ yếu vào thâm dụng vốn, nguồn nhân lực và tài nguyên, bởi trong thế giới hiện đại, ý tưởng và sáng tạo trở thành nguồn lực vô tận, trong khi tài nguyên, đất đai, vốn đầu tư có giới hạn. Giáo dục, đào tạo là điều kiện hàng đầu để hấp thụ và sáng tạo ý tưởng mới; không có một nền giáo dục có chất lượng cao thì khó có thể có nguồn nhân lực đầy sức sáng tạo. Du nhập công nghệ và nghiên cứu phát triển (R&D) là nhân tố quan trọng gắn bó hữu cơ với giáo dục và đào tạo. Môi trường dân chủ thực chất với hành lang pháp lý được thiết chế theo tư duy “lấy dân làm gốc” là điều kiện để khơi dậy ý tưởng mới và tính sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, khoa học và công nghệ.
Tái cấu trúc kinh tế là vấn đề lớn cần phải giải quyết của nền kinh tế thế giới nói chung cũng như của châu Âu nói riêng. Tái cấu trúc kinh tế của châu Á (Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc…) được xem là bài học kinh nghiệm rút ra cho châu Âu. Thành công của châu Á cho thấy rõ một điều là châu Âu sẽ cần phải trải qua một thời kỳ khắc khổ để phục hồi kinh tế và tái cấu trúc. Vì thế, châu Âu đã đưa ra chiến lược kinh tế 10 năm (2010 - 2020) thay cho chiến lược Li-xbon (2000 - 2010) với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế dựa vào tri thức và đổi mới, ngăn chặn nguy cơ tái xuất hiện khủng hoảng nợ công, tạo việc làm và duy trì đà tăng trưởng kinh tế.
Thái Lan, Hàn Quốc sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng nhờ biết tranh thủ cơ hội, tái cơ cấu nền kinh tế, nên năm 1999, các nước đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao. Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (2007 - 2011), chính phủ Thái Lan khẳng định: tái cơ cấu kinh tế là cần thiết để đạt được sự phát triển cân bằng và bền vững. Tương tự, nhờ các nỗ lực lớn nhằm tái cấu trúc kinh tế trong thập kỷ qua, In-đô-nê-xi-a từ một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đang trở thành một trong những nền kinh tế “nóng” nhất khu vực.
Theo đánh giá của ông Ô-li Rên - Ủy viên kinh tế châu Âu, tái cấu trúc kinh tế có thể giúp nền kinh tế các nước châu Âu tăng trưởng trên 2% trong thập kỷ (2010 - 2020), tạo thêm hơn 10 triệu việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 3% vào năm 2020. Một trong những biện pháp cải cách này là việc mở cửa thị trường, xóa bỏ rào cản đối với các công ty tư nhân và cá nhân đầu tư vào khối. Đối với Hy Lạp, Ai-len thì việc tái cấu trúc rất cấp thiết. Việc tái cơ cấu các khoản tín dụng cũng là cần thiết bởi vì bất kỳ tiền lệ không trả được khoản nợ công ở Khu vực đồng ơ-rô đều sẽ kéo theo những hậu quả nặng nề. Việc thành lập Quỹ Tiền tệ của riêng Liên minh châu Âu (EU) với số vốn ban đầu là 750 triệu ơ-rô được coi là bước đầu tiên của tiến trình cải cách. Quỹ Tiền tệ EU sẽ là một tổ chức đủ mạnh với nguồn lực có thể can thiệp nhanh vào những thành viên gặp khó khăn. Bên cạnh đó, cơ chế “học kỳ châu Âu” (European Semester) được thiết lập nhằm phối hợp liên kết chặt chẽ giữa các thành viên châu Âu về kinh tế để tránh tái diễn khủng hoảng nợ tương tự. Mục tiêu của cơ chế “học kỳ châu Âu” là giám sát mạnh mẽ để kiểm soát kinh tế vĩ mô, kiểm soát chi tiêu ngân sách, thâm hụt tài chính... Tiếp theo, châu Âu cũng đưa Quỹ khủng hoảng tạm thời của khu vực này trở thành quỹ thường xuyên (do các thành viên EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) góp vốn).
Đối với EU, cải cách hệ thống tài chính - ngân hàng là một trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế và được triển khai khá mạnh mẽ từ sau khủng hoảng. Các đề xuất về cải cách tài chính - ngân hàng của hầu hết các quốc gia chủ yếu tập trung vào việc thực thi nghiêm ngặt những quy định về chế độ quản lý toàn bộ hệ thống tài chính, tăng cường giám sát các định chế tài chính phi ngân hàng có chức năng hoạt động như ngân hàng. Đối với những nước với khoản nợ công cao có những bước tái cơ cấu kinh tế như sau:
Hy Lạp sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng nợ bằng biện pháp “tái cấu trúc kinh tế” chứ không phải là “tái cơ cấu nợ” bởi vì “tái cơ cấu nợ” có thể phá hủy lòng tin của các nhà đầu tư đối với Hy Lạp. Tái cơ cấu nợ (1) sẽ không giải quyết được những khó khăn kinh tế của Hy Lạp, trái lại sẽ gây thiệt hại cho Khu vực đồng ơ-rô. Tái cấu trúc nợ khổng lồ sẽ không giúp gì cho Hy Lạp bởi điều Chính phủ Hy Lạp cần phải tập trung vào là thúc đẩy nền kinh tế. Vì thế, Hy Lạp cần phải cố gắng đạt thặng dư ngân sách và đẩy mạnh hơn nữa về tăng trưởng kinh tế.
Theo Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ông Giu-ơ-gen Xtác (Juergen Stark), nếu một quốc gia sử dụng đồng ơ-rô phải tái cấu trúc nợ, thì cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ xảy ra và trong trường hợp xấu nhất có thể gây ra những tác động dây chuyền còn tồi tệ hơn so với sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ).
Theo Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ông Giu-ơ-gen Xtác (Juergen Stark), nếu một quốc gia sử dụng đồng ơ-rô phải tái cấu trúc nợ, thì cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ xảy ra và trong trường hợp xấu nhất có thể gây ra những tác động dây chuyền còn tồi tệ hơn so với sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ).
Trên thực tế, Hy Lạp cam kết sẽ “tái cấu trúc kinh tế” để thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ thông qua một kế hoạch nhằm cắt giảm ngân sách và bán tài sản. Mục tiêu phấn đấu là giảm chi ngân sách từ mức 53% GDP năm 2009 xuống 44% GDP vào năm 2015. Hy Lạp sẽ tiết kiệm 23 tỷ ơ-rô từ các chính sách cắt giảm chi tiêu giai đoạn năm 2012 - 2015 và tiết kiệm 3 tỷ ơ-rô khác thông qua các biện pháp “điều chỉnh” tài chính. Bên cạnh đó, Hy Lạp cũng sẽ bán tài sản quốc gia trị giá 15 tỷ ơ-rô, đồng thời tư nhân hóa vài tập đoàn quốc doanh như công ty điện lực công cộng và tập đoàn viễn thông nhằm giảm “núi nợ” khổng lồ. Mục tiêu của Hy Lạp là sẽ đạt được ít nhất 50 tỷ ơ-rô (khoảng 71,22 tỷ USD) thông qua chương trình tư nhân hóa trong 4 năm (2010 - 2014) nhằm cắt giảm nợ. Riêng trong năm 2013, Hy Lạp phấn đấu đạt được 15 tỷ ơ-rô (khoảng 21,36 tỷ USD). Hy Lạp đã chỉ định nhóm các nhà tư vấn cho 15 dự án tư nhân hóa, trong đó có dự án bán 34% cổ phần trong Công ty Cung cấp dịch vụ cá cược (OPAP), một trong số các công ty làm ăn có lãi. Việc tư nhân hóa một phần hay toàn bộ khoảng 30 doanh nghiệp nhà nước, từ lĩnh vực vận tải (xe lửa, cảng và sân bay), năng lượng với công ty điện lực quốc gia, đến lĩnh vực giải trí (xổ số, cá cược) hay quản lý nước có thể mang lại thêm 15 tỷ ơ-rô cho Hy Lạp. Tuy nhiên, việc bán phần bất động sản do Nhà nước sở hữu được xem là mang lại nhiều tiền nhất (khoảng 35 tỷ ơ-rô). Do yêu cầu của các chủ nợ (Ủy ban châu Âu, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Trung ương châu Âu) đặt Hy Lạp dưới sự giám sát chặt chẽ nên chương trình tư nhân hóa ở đây không phải chỉ có Nhà nước Hy Lạp quản lý mà có cả một cơ quan quản lý độc lập và chuyên nghiệp được thiết lập để triển khai giám sát chương trình tư nhân hóa của Hy Lạp.
Ai-len thực hiện cải cách kinh tế nhằm giảm thâm hụt ngân sách với sự trợ giúp 48 tỷ ơ-rô (khoảng 65 tỷ USD) của EU và IMF trong giai đoạn 2011 - 2014. Khoảng 15 - 20 tỷ ơ-rô sẽ được dùng để tái cấu trúc vốn hệ thống ngân hàng. Với gói cứu trợ này, mức vốn của các ngân hàng Ai-len sẽ tăng từ 8% - 12%. Đây là động thái đẩy mạnh niềm tin của những người đi gửi tiền. Để đổi lại việc có tiền giải cứu, Chính phủ Ai-len phải tăng thuế đối với ngân hàng và tăng vốn nhà nước trong Ngân hàng quốc tế Ai-len (Ailen International Bank - AIB) và Ngân hàng Ai-len (Bank of Ireland - BOI). Dự kiến, Chính phủ sẽ kiểm soát 99,9% vốn của AIB (đang giữ 90%) và trở thành cổ đông chính của BOI (đang giữ 36%). Ai-len cũng đang thực hiện cải cách triệt để thị trường lao động, đồng thời tiến hành các biện pháp nhằm cải thiện tính linh hoạt của thị trường lao động đối với người thất nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ khuyến khích tính cạnh tranh trong các lĩnh vực được bảo hộ nhằm giảm chi phí lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tây Ban Nha tiến hành cải cách kinh tế ở “mức độ sâu rộng hơn” và với “tốc độ nhanh hơn” nhằm mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách từ 11,1% GDP (năm 2009) xuống dưới mức trần 3% GDP (năm 2013) theo quy định của EU. Để đáp ứng mục tiêu này, Tây Ban Nha thực hiện các biện pháp nhằm giảm chi tiêu, cải cách thị trường lao động, chế độ tiền lương và khu vực ngân hàng.
Kế hoạch tái cấu trúc kinh tế của I-ta-li-a là bán các tài sản công trị giá 21 tỷ ơ-rô; nâng độ tuổi về hưu từ 65 tuổi (năm 2011) lên 67 tuổi (năm 2026); tăng thuế giá trị gia tăng VAT và giá nhiên liệu; ngừng tăng lương ở khu vực nhà nước đến năm 2014; cải cách thị trường lao động; miễn giảm thuế cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng và những công ty sử dụng lao động trẻ.
Để thoát khỏi khủng hoảng nợ công, một trong những yêu cầu lớn nhất mà Khu vực đồng ơ-rô phải thực hiện đó là thay đổi cách thức hoạt động và quản lý nền kinh tế, trong đó các chính phủ cần quyết đoán hơn và chấp nhận từ bỏ một số lợi ích để tái cấu trúc triệt để nền kinh tế.
Hàm ý cho Việt Nam
Ở Việt Nam, tái cấu trúc kinh tế là mục tiêu quan trọng được đề ra trong Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng.
Trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam có những biểu hiện bất ổn bắt nguồn từ cơ cấu kinh tế với sự phân bổ nguồn lực kém hiệu quả. Các khoản đầu tư vào nền kinh tế trở nên sai lệch, không ăn khớp với nhau chủ yếu là do: 1) chính sách tiền tệ lỏng lẻo kích thích doanh nghiệp đầu tư tràn lan; 2) quy hoạch chắp vá, thiếu nhất quán, thiếu tầm nhìn; 3) chi tiêu thường xuyên lớn và đầu tư công kém hiệu quả; 4) thị trường vốn chưa thực sự phát triển khiến cho vốn đầu tư chưa đến được với những doanh nghiệp có khả năng quản lý và sử dụng vốn tốt nhất; 5) các thể chế, quy tắc thị trường vẫn ở mức sơ khai dẫn tới lợi ích của doanh nghiệp bị xâm phạm.
Do cơ cấu vốn phân bổ cho nền kinh tế bị sai lệch bởi nhiều nguyên nhân nên chính sách tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam cũng cần phải đa dạng, được thực hiện dưới nhiều góc độ: Một là, ưu tiên cải cách thị trường vốn, giải quyết nợ xấu, nợ quá hạn để giúp vốn trong nền kinh tế được lưu thông; Hai là, đẩy mạnh cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu các doanh nghiệp nhà nước. Duy trì tỷ trọng đầu tư nhà nước hợp lý (khoảng 35% - 40%) tổng đầu tư xã hội, dành khoảng 20% - 25% tổng chi ngân sách cho đầu tư phát triển; Ba là, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thực hiện cấu trúc lại thị trường, tức là giải quyết mối quan hệ giữa thị trường nội địa và thị trường quốc tế; Bốn là, mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân trong nước. Khuyến khích và tạo điều kiện cho đầu tư tư nhân vào phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế, tiềm năng và các vùng kinh tế động lực.
Thực chất của quá trình tái cấu trúc kinh tế Việt Nam là quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu theo chiều rộng dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và nguồn lao động chất lượng thấp sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở áp dụng những thành tựu mới về khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và kỹ năng quản lý hiện đại. Các nhân tố này liên quan chặt chẽ và tác động qua lại với nhau, có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh. Trong đó, khoa học và công nghệ là động lực quyết định; con người đóng vai trò trung tâm, là chủ thể sáng tạo, sử dụng khoa học, công nghệ, thực hiện chức năng quản lý. Trước hết phải tái cấu trúc nội bộ các ngành kinh tế để hướng tới có được cơ cấu kinh tế đem lại giá trị gia tăng cao hơn và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Nâng cao tỷ lệ giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất công nghiệp, giảm tính gia công của nền kinh tế, phát huy hơn nữa lợi thế so sánh. Vấn đề hiện nay không phải là sản xuất ra cái gì nữa mà là phải sản xuất bằng cách nào có hiệu quả nhất. Có chính sách để thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển từ gia công sang sản xuất.
Tái cấu trúc kinh tế phải bắt đầu từ tái cấu trúc đầu tư. Mục tiêu của tái cơ cấu đầu tư là nhằm giảm dần chỉ số ICOR (hiện đang ở mức cao). Song tái cấu trúc đầu tư thực chất là tái cấu trúc việc phân bổ các nguồn lực toàn xã hội cho đầu tư phát triển. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực này phải là yêu cầu của mọi cấp quản lý ở mọi giai đoạn phát triển. Chính việc phân bổ nguồn lực cho đầu tư phát triển không hợp lý thời gian qua đã tạo ra cơ cấu kinh tế không phù hợp, kém hiệu quả, năng suất lao động xã hội thấp, khả năng cạnh tranh quốc gia chưa nâng lên được. Vì vậy, chỉ có trên cơ sở tái cấu trúc đầu tư mới tạo ra được cơ cấu kinh tế hợp lý nhất, có thể đạt năng suất, hiệu quả kinh tế lớn nhất và năng lực cạnh tranh quốc gia cao nhất. Tái cấu trúc đầu tư không thể thực hiện một cách đơn độc, mà phải đặt trong tổng thể các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế bao gồm tái cấu trúc đầu tư (trước hết là đầu tư công); tái cấu trúc doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước; và tái cấu trúc hệ thống tài chính - ngân hàng. Bởi đây là 3 lĩnh vực rất then chốt trong cải cách để bảo đảm rằng nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn được phân bổ hiệu quả.
Tái cấu trúc kinh tế Việt Nam phải tạo ra được hai tiền đề cơ bản: Thứ nhất, tiền đề thể chế, tạo lập một cách đồng bộ các yếu tố kinh tế thị trường và môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Tạo lập đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để nâng cao vai trò quản lý vĩ mô, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Thể chế kinh tế phù hợp sẽ biến thành lực lượng vật chất, mà khoán 10 trong nông nghiệp chính là một điển hình nhất về đổi mới thể chế kinh tế mà chúng ta đã thực hiện trong lịch sử; Thứ hai, cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Vấn đề đặt ra là làm sao đủ nhân lực để phục vụ yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp, cũng như sự phát triển của nền kinh tế hiện nay.
Tóm lại, tái cấu trúc nền kinh tế là vấn đề mang tính hệ thống, nên việc tái cơ cấu phải thực hiện ở tất cả các khâu của nền kinh tế, mang tính liên kết với nhau như một hệ thống, tác động qua lại với nhau nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng và sức cạnh tranh theo hướng phát triển bền vững./.
-----------------
(1): Tái cơ cấu nợ nghĩa là cho miễn trả lãi trong một thời gian hoặc đẩy lùi thời điểm thanh toán nợ
PGS,TS. Phạm Thị Thanh Bình
Viện Kinh tế và Chính trị thế giới
(Nguồn: TCCS)