Thứ Ba, 8/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 9/1/2011 9:50'(GMT+7)

Tái cấu trúc nền kinh tế-bước phát triển mới

Để tái cấu trúc nền kinh tế, cần ưu tiên đầu tư vào kết cấu hạ tầng, bảo đảm an ninh năng lượng. Nhà máy thủy điện Lai Châu vừa được khởi công. Ảnh: Hoàng Như Thính

Để tái cấu trúc nền kinh tế, cần ưu tiên đầu tư vào kết cấu hạ tầng, bảo đảm an ninh năng lượng. Nhà máy thủy điện Lai Châu vừa được khởi công. Ảnh: Hoàng Như Thính

Từ đổi mới kinh tế, Đảng ta đang lãnh đạo đất nước bước vào giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế với mục tiêu  đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

25 năm qua, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển khá toàn diện. Đặc biệt trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, chúng ta đã tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những tác động tiêu cực của hai cuộc khủng khoảng tài chính - kinh tế khu vực và toàn cầu, đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng, đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Nhiều mục tiêu chủ yếu của Chiến lược 2001 - 2010 đã được thực hiện, đạt được bước phát triển mới cả về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất. Kinh tế tăng trưởng nhanh, giai đoạn 2006-2010 đạt hơn 7%/năm. Năm 2010, tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người đạt 1.162USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Chính trị - xã hội ổn định. Quốc phòng- an ninh được giữ vững. Diện mạo của đất nước có nhiều thay đổi. Thế và lực của đất nước vững mạnh thêm nhiều; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên, tạo ra những tiền đề quan trọng để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Đạt được những thành tựu nêu trên có nhiều nguyên nhân, trước hết là  sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc, năng động sáng tạo của toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý điều hành có hiệu quả của Nhà nước, trong đó có nhiều quan điểm mới của Đảng lãnh đạo kinh tế đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được xây dựng và đang từng bước được hoàn thiện.

Từ Đại hội VI (năm 1986), Đảng ta đã dứt khoát từ bỏ mô hình kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp, chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Trong Cương lĩnh năm 1991 , Đảng ta khẳng định: “Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước”. Đến Đại hội IX (tháng 4 năm 2001) khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” chính thức được nêu trong văn kiện của Đảng”, xem đó là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Theo đó, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường. Nó là một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của cơ chế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: Sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Một trong những nội dung quan trọng trong các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI là vấn đề hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bởi thể chế này đi liền với việc tái cấu trúc kinh tế, khâu đột phá phát triển trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ và hiện đại là tiền đề quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tái cấu trúc nền kinh tế phải diễn ra đồng thời và toàn diện với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tái cấu trúc nền kinh tế và bước phát triển mới của công cuộc đổi mới kinh tế, bao gồm nhiều nội dung như tái cấu trúc lại cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, tái cấu trúc lại thị trường, tái cấu trúc lại vốn đầu tư, cơ cấu đầu tư.

Trong tái cấu trúc cơ cấu kinh tế, Đảng ta đã xác định trọng tâm là đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong tổng sản phẩm quốc dân, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng cạnh tranh để có thể tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, coi trọng phát triển nông nghiệp để ổn định xã hội, bảo đảm an ninh lương thực và cải thiện đời sống nông dân. 

Trong tái cấu trúc doanh nghiệp, cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả của  doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh kinh tế dân doanh, mỗi doanh nghiệp phải tự tái cấu trúc để thích ứng với sự thay đổi về công nghệ và thị trường nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Trong tái cầu trúc lại thị trường, cần đặc biệt coi trọng hơn thị trường trong nước, không để “thua trên sân nhà”, phát triển mạnh hệ thống phân phối của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường nội địa để có thể làm chủ thị trường này, từ đó vươn xa, thâm nhập sâu vào thị trường thế giới, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các thị trường có hiệp định mậu dịch tự do.

Tái cấu trúc vốn đầu tư gắn chặt với quá trình  nâng cao hiệu quả đầu tư. Nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực và các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu nhất. Các lĩnh vực đầu tư khác, nên tranh thủ sự  huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế khác. Cần có cơ chế khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ sạch. Hạn chế đầu tư vào các ngành khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều đất, tiêu hao nhiều năng lượng; không chấp nhận những dự án đầu tư công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường…

Thực chất của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam là quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu theo chiều rộng dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và nguồn lao động chất lượng thấp sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở áp dụng những thành tựu mới về khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và kỹ năng quản lý hiện đại. Các nhân tố này liên quan chặt chẽ với nhau và tích hợp tác động, có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh. Trong đó, khoa học và công nghệ là động lực quyết định; con người đóng vai trò trung tâm, là chủ thể sáng tạo và sử dụng khoa học, công nghệ, thực hiện chức năng quản lý.

Để giải thành công bài toán tái cấu trúc kinh tế Việt Nam theo yêu cầu phát triển hiện đại và bền vững, đòi hỏi chúng ta phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện  cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; đồng thời, hoàn thiện các thiết chế thực hiện dân chủ, tăng cường dân chủ trực tiếp, đề cao vai trò phản biện xã hội, trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước các cấp… Mặt khác, cần có cơ chế chính sách để phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, trong đó cần ưu tiên đầu tư vào hệ thống giao thông.

Từ đổi mới về kinh tế, đến tái cấu trúc nền kinh tế là sự đột phá trong lĩnh vực lý luận về kinh tế của Đảng ta. Tái cấu trúc nền kinh tế, chắc chắn là quá trình cam go, là công việc đòi hỏi sự nỗ lực của các ngành, các cấp, của cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò mở đường và hỗ trợ, còn doanh nghiệp là chủ thể, lực lượng chủ công của tiến trình này. Kinh nghiệm 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới là bài học quý và là động lực để chúng ta tự tin bước vào giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế với mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

(Theo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất