Thứ Tư, 2/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 21/12/2011 10:19'(GMT+7)

Tái cấu trúc nền kinh tế: Lượng đổi-chất đổi

Không vì hệ thống yếu

Hoạt động NH có quy mô và vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, đồng thời là hoạt động nhạy cảm. Bởi vậy, rất cần sự nhìn nhận đúng đắn về tái cấu trúc NH nhằm đảm bảo hệ thống NH phát triển ổn định, đồng thời trợ giúp đắc lực cho sự phát triển của nền kinh tế.

Quán triệt chủ trương, quan điểm của Đảng và Chính phủ, NHNN coi việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong những năm tới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống các TCTD an toàn, hiệu quả; từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình phân tích: Tái cấu trúc hệ thống NH là chuyện bình thường, không phải vì hệ thống yếu. Trước đây, suốt chặng đường đổi mới, Việt Nam phát triển chủ yếu theo chiều rộng, theo hướng khơi dậy tiềm năng của đất nước, khuyến khích mọi tầng lớp tham gia xây dựng phát triển xã hội. Hệ thống NH bám sát quá trình phát triển đó. Tuy nhiên, nền kinh tế phát triển theo chiều rộng tốn rất nhiều vốn và hiệu quả không cao. Tuy nhiên, khi đạt đến mức độ phát triển nhất định, cần phải xem xét phát triển theo chiều sâu để nâng cao hiệu quả chứ không phải hệ thống NH yếu kém mà phải chuyển dịch. Nhu cầu tái cấu trúc hệ thống NH xuất phát từ thực tế phát triển nền kinh tế của đất nước bởi Việt Nam đã lần lượt vượt qua và đứng vững trước nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế.

Hiện nếu tính riêng hệ thống NH thì Việt Nam có 37 NHTMCP và 8 trong số đó rất lành mạnh, có thể làm trụ cột cho cả hệ thống. Cùng đó là 7 NH hoạt động ở mức trung bình, 8 NH có quy mô nhỏ hoạt động lành mạnh và 8 NH có quy mô nhỏ nhưng hoạt động chưa lành mạnh... Như vậy, số ngân hàng hoạt động yếu kém chỉ ở mức không quá 5% trong tổng số NH. Điều này càng chứng minh việc tái cấu trúc không phải vì hệ thống yếu mà để đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Đích hướng tới là xây dựng hệ thống ngân hàng đa sở hữu có loại hình - quy mô - năng lực đủ mạnh để làm trụ cột cho toàn hệ thống và phù hợp với từng phân khúc của thị trường.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Vietcombank Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Tái cơ cấu là cần thiết trong điều kiện kinh tế chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu. Tuy nhiên, việc đầu tiên phải thực hiện là minh bạch và đáp ứng tốt các chuẩn mực. Bởi trên thực tế đã xây dựng rất nhiều chuẩn mực, nhưng do các TCTD không thực hiện đúng nên dẫn tới thiếu tin cậy thông tin, ảnh hưởng tới uy tín của ngành - ông Bình phản ánh.

Lượng đổi - chất đổi

Những bước đi đầu tiên của quá trình tái cấu trúc hệ thống NH đang được toàn ngành triển khai thận trọng, đảm bảo an toàn - Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định. Hiện NHNN đang tập trung giám sát chặt chẽ hoạt động của các NH yếu kém và xây dựng phương án xử lý đối với từng NH thuộc nhóm này, cũng như chỉ đạo các NHTM nhà nước và NHTMCP lớn hỗ trợ các NH yếu trong việc đảm bảo thanh khoản và xây dựng phương án tái cấu trúc...

Mục tiêu đặt ra là xây dựng một hệ thống NH lành mạnh, hiệu quả, hoạt động ngày càng phù hợp hơn với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế đầy biến động. Người dân được tiếp cận sâu, rộng với mọi loại hình dịch vụ NH với chất lượng ngày càng cao. Đồng thời, tạo ra một hệ thống NH đa dạng về loại hình, quan hệ sở hữu; đa dạng về quy mô. Như vậy, Việt Nam sẽ có các NH đủ mạnh để có thể cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; có các NH làm trụ cột cho cả hệ thống NH trong nước. Còn các NH có quy mô vừa và nhỏ sẽ hoạt động trong những phân khúc thị trường khác nhau.

Theo lộ trình được NHNN xây dựng là trong quý 2/2012 sẽ hoàn thành việc định hình rõ 3 nhóm và giải quyết tốt thanh khoản của nhóm yếu. Từ năm 2011 - 2013 sẽ hoàn thành tái cơ cấu nhóm 3 để đến năm 2015 nâng cao hiệu quả an toàn hệ thống và nâng chuẩn mực đạt chuẩn quốc tế, xây dựng nhóm trụ cột theo kế hoạch. Hệ thống NH vẫn tiếp tục được tái cấu trúc từ nay đến năm 2020. Mục tiêu đặt ra là có 40 TCTD có khả năng cạnh tranh quốc tế, trong đó có 2 TCTD nằm ở nhóm NH lớn của khu vực Đông Nam Á

Cụ thể là trong 5 năm sắp tới, Việt Nam phấn đấu có hai NH đủ sức cạnh tranh với các NH trong khu vực và từ 10 đến 15 NH đủ lớn để làm trụ cột cho cả hệ thống. Tuy nhiên, những ngân hàng quy mô vừa và nhỏ vẫn được chấp nhận với điều kiện phải có tình hình tài chính lành mạnh và hoạt động trong phân khúc thị trường nhất định. “Không phân biệt quy mô ngân hàng, quan trọng nhất là ngân hàng đang tồn tại phải hoạt động an toàn, lành mạnh và có hiệu quả” - Thống đốc nhấn mạnh.

Theo quy định của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), một nước được coi là có dịch vụ NH đạt mức đạt chuẩn thì cứ 1.000 người dân có một điểm giao dịch NH. Hiện Việt Nam có gần 9.000 điểm giao dịch của hệ thống NH; trong đó có khoảng 2.500 chi nhánh và khoảng 5.500 điểm giao dịch của tất cả các TCTD dưới mọi loại hình. Như vậy, nếu so với 87 triệu dân thì tỷ lệ này hiện vẫn quá thấp. Mục tiêu phía trước là “lượng đổi - chất đổi” làm cho hệ thống NH lành mạnh nhưng cũng phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ cho người dân.

PGS-TS Nguyễn Văn Hiệu - Trường Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Viettinbank nhận xét: Điều quan trọng của quá trình tái cấu trúc là phải thiết lập được một bộ tiêu chí rõ ràng để có thể phân loại được các tổ chức tài chính, NH nào cần phải tái cơ cấu, củng cố hay loại bỏ. Việc này rất khó nhưng đặc biệt quan trọng, bởi nếu làm không khéo sẽ bị lái theo những ý đồ chính trị cá nhân hoặc bị tác động bởi lợi ích nhóm khiến cho quá trình tái cơ cấu ít có cơ hội thành công./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất