Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi nhận định, tình hình
sản xuất chăn nuôi đang có sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên, việc
triển khai đề án tái cơ cấu ngành ở nhiều địa phương vẫn còn lúng túng,
thiếu đồng bộ bởi các “nút thắt” về giống, liên kết ngành, vệ sinh an
toàn thực phẩm và thủ tục hành chính.
Phân tích về tình hình ngành chăn nuôi tại Hội nghị tái cơ cấu ngành
chăn nuôi do Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ
chức ngày 9/7, ở Hà Nội, ông Sơn cho biết, hiện nay năng suất, chất
lượng, giá cả sản phẩm chăn nuôi là rào cản lớn nhất cần phải gỡ. Do
vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục tạo đột phá về
giống.
“Hiện nay, các chuyên gia trong ngành đã bàn rất nhiều về chuỗi liên
kết chăn nuôi. Nòng cốt và đầu tàu trong việc xây dựng chuỗi là doanh
nghiệp nhưng 'nút thắt' là cần có chính sách như thế nào để các tập
đoàn này kéo nông dân vào chuỗi là không dễ dàng,” ông Sơn nói.
Đồng tình với quan điểm chuỗi liên kết chăn nuôi còn yếu, ông Hoàng
Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng cho biết, tổ chức liên kết sản
xuất trong chăn nuôi cũng còn yếu, mới chỉ có ở các tỉnh, thành phố
lớn.Hiên nay việc đầu tư phát triển đầu tư chăn nuôi còn thiếu đồng bộ,
khu vực chăn nuôi nông hộ có mức đầu tư thấp.
"Như vậy, dù có lịch sử phát triển lâu đời nhưng cho đến nay, ngành chăn
nuôi vẫn chủ yếu ở hình thái quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Điều này cũng là
trở ngại lớn cho công tác kiểm soát dịch bệnh cũng như vệ sinh an toàn
thực phẩm ngay từ việc chăm sóc, giết mổ," ông Vân nói.
Còn ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho
rằng, hiện nay cứ nói tái cơ cấu ngành chăn nuôi thì mặc định doanh
nghiệp phải đi đầu. Thế nhưng, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay lại không
đủ sức để "lái" bởi phần lớn các doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay có
vốn điều lệ trên dưới 5 tỷ đồng, tương đương 250.000 USD - một con số
quá nhỏ bé.
“Bên cạnh đó, các chuyên gia đề cập đến chuỗi sản xuất rất nhiều nhưng
vấn đề liên kết chuỗi như thế nào thì không thấy bàn đến. Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu và có cơ chế để liên kết giữa
các bên, phân phối lợi nhuận giữa các khâu,” ông Lịch nói.
Cũng theo ông Lịch, hiện nay, nhận thức của các cấp các ngành từ trung
ương đến địa phương coi chăn nuôi vẫn không phải là ngành để đẩy mạnh
xuất khẩu mà chỉ là ngành sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước. “Tư duy
này cần phải thay đổi nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang ký kết hàng
loạt các Hiệp định thương mại tự do.”
“Muốn tái cơ cấu ngành chăn nuôi phải tăng số lượng, chất lượng, an toàn
vệ sinh thực phẩm, chấp nhận cuộc chơi trong hội nhập với các Hiệp định
thương mại tự do được ký kết thì các sản phẩm ngành chăn nuôi phải cạnh
tranh bằng chất lượng và hạ giá thành sản phẩm”, ông Lịch nói.
Những ý kiến trên cho thấy, các chuyên gia đã tìm ra "nút thắt" kìm hãm
sự phát triển của ngành chăn nuôi, tuy nhiên giải pháp tháo gỡ "nút
thắt" xem ra vẫn rối.
Trái với ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát lại cho
rằng, phát triển ngành chăn nuôi không phải chỉ để hướng tới việc xuất
khẩu ra các thị trường lớn trên thế giới, mà trước hết nó cần phải đảm
bảo việc liên kết phát triển bền vững trên “sân nhà” để ổn định nguồn
sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu thị trường 90 triệu dân.
Vị Tổng tư lệnh ngành nông nghiệp cũng khẳng định sẽ giải quyết nhanh
nhất các khó khăn về con giống, trong đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi
khuyến khích nhiều doanh nghiệp cùng nhập khẩu giống tốt từ khắp nơi
trên thế giới để nâng cao năng suất, chất lượng gia súc, gia cầm tại
Việt Nam./.
(Vietnam+)