Tiếng bom rơi, tiếng súng nổ, tiếng ầm ì của máy bay giúp người xem triển lãm vượt thời gian, trở về cuộc chiến tranh chống Mỹ tại miền Bắc, cảm nhận sự anh dũng, những hy sinh của cha ông.
Trưng bày “Để bầu trời mãi xanh” khai mạc ngày 23/11 tại di tích Nhà tù Hỏa Lò tái hiện một phần ký ức miền Bắc Việt Nam trong hai đợt chiến tranh phá hoại của Không quân và Hải quân Mỹ (1964-1972).
"Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 50km về phía Tây Nam...," giọng nói quen thuộc của phát thanh viên Nguyễn Thị Thìn xen với tiếng kẻng, tiếng còi báo động phòng không đưa người xem trở về quá khứ, cảm nhận được một thời khói lửa cha ông đã từng trải qua.
Tại triển lãm, lần đầu tiên, du khách được trải nghiệm tham quan bằng hệ thống thuyết minh tự động. Các câu chuyện của các chứng nhân lịch sử được thể hiện qua giọng kể truyền cảm, kết hợp với hiệu ứng âm thanh sống động.
Những năm tháng khốc liệt
Trưng bày được giới thiệu qua hai phần: “Giữ vững biển trời” và “Nối hai bờ đại dương.”
Nội dung đầu tiên kể câu chuyện về bản lĩnh, trí tuệ của nhân dân miền Bắc Việt Nam trong hai đợt chiến tranh phá hoại của quân đội Mỹ. Bằng sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân, quân và dân miền Bắc đã kiên quyết đánh bại mọi âm mưu và hành động phá hoại điên cuồng của địch.
Trong đợt tấn công, phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ nhất (từ tháng 8/1964 - 11/1968), quân đội Mỹ huy động hàng nghìn máy bay tối tân (lần đầu tiên đưa máy bay B-52 sang chiến trường Việt Nam), trút hàng nghìn tấn bom xuống các tỉnh miền Bắc. Trung bình mỗi ngày, nhân dân miền Bắc hứng chịu khoảng 1.600 tấn bom đạn dội xuống.
Những năm tháng khốc liệt đó đã ghi dấu bao câu chuyện bi hùng về tinh thần, bản lĩnh của người dân Việt Nam. Đó là câu chuyện về cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân hy sinh thân mình để bảo vệ học sinh trong trận ném bom của Không quân Mỹ vào Trường cấp II Thụy Dân (Thái Bình) ngày 21/10/1966, câu chuyện về các chiến sĩ phòng không bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) luôn nêu cao khẩu hiệu “thà gục trên mâm pháo, quyết không để cầu gục,” cuộc sống của người dân Vĩnh Linh trong những địa đạo, làng hầm để bám đất sinh hoạt và chiến đấu những năm 1965-1968...
Khách tham quan cũng được trải nghiệm tự tay gõ kẻng làm từ bom Mỹ, đội mũ rơm và ẩn nấp trong hầm chữ A. Trong không gian căn hầm vương mùi khói súng, du khách sẽ được nghe giới thiệu về cách làm hầm, công năng của hầm để tránh đạn bom trong thời chiến.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cho biết tất cả những trải nghiệm thú vị này sẽ giúp các thế hệ đã trải qua thời chiến chạm lại ký ức của mình và thế hệ trẻ hôm nay sẽ hiểu hơn về những hy sinh mất mát cũng như tinh thần bất khuất, kiên cường của cha ông.
“Tại triển lãm, công chúng sẽ lắng nghe, cảm nhận các câu chuyện, lần lượt trải qua các cung bậc cảm xúc: Từ xót xa trước những đau thương, đổ nát trong chiến tranh, đến khâm phục tinh thần, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam. Chúng ta tự hào về truyền thống nhân văn của dân tộc khi đối xử với phi công Mỹ bị bắt giam trong chiến tranh và mở rộng vòng tay, cùng chung sức khắc phục những hậu quả chiến tranh,” ông Động cho biết.
Việt-Mỹ hàn gắn vết thương chiến tranh
Suốt hơn 45 năm qua, chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam và Mỹ đã chung tay, góp sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xoa dịu những nỗi đau còn dai dẳng. Trong hành trình đặc biệt ấy, có sự góp sức không nhỏ của các cựu chiến binh, các tổ chức, cá nhân yêu chuộng hòa bình.
Để có mối quan hệ tốt đẹp hôm nay, phải kể đến những sứ giả hòa bình đã giúp “nối hai bờ đại dương.” Đó là Thượng nghị sĩ John Sidney McCain (cựu phi công Mỹ từng sống tại Trại giam Hỏa Lò năm 1966-1973), Ngoại trưởng John Kerry từng tham chiến ở Đồng bằng sông Cửu Long năm 1968, sau đó ông là người tham gia quyết liệt vào phong trào phản chiến cũng như thúc đẩy bình thường hoá quan hệ hai nước; Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam Douglas Brian Peterson (cựu phi công Mỹ từng sống tại Trại giam Hỏa Lò năm 1966-1973…
Khách tham quan được nghe nhiều câu chuyện cảm động từ những cựu chiến binh Mỹ. Nhiều người trở lại Việt Nam, tìm gặp những “đối thủ” trên bầu trời năm xưa. Họ gặp lại nhau trong không khí cởi mở, thân tình, hướng đến hòa giải, hợp tác và phát triển.
Cựu chiến binh Paul Reed tâm sự: “Những vết thương trên cơ thể sẽ được chữa lành theo thời gian, nhưng vết thương trong tâm hồn thì kéo dài hàng chục năm không liền. Chúng tôi trở lại Việt Nam, đối diện với quá khứ để trút bỏ những ám ảnh đau thương do chiến tranh gây ra và tự chữa lành vết thương của mình.”
Tại chiến trường Kon Tum, năm 1968, ông từng nhặt được một chiếc balô của một người lính Việt Nam, trong đó có một cuốn nhật ký. Dù không hiểu tiếng Việt nhưng ông nhận thấy chữ viết trong đó rất đẹp, rất ngay ngắn, cẩn thận. Ông đã giữ lại những kỷ vật đó, để rồi sau này, qua nhiều chuyến thăm Việt Nam, ông đã tìm được chủ nhân cuốn nhật ký, Trung úy Nguyễn Văn Nghĩa. Paul Reed tìm đến nhà của ông Nghĩa tại Thái Bình và họ đã có một cuộc gặp gỡ xúc động, như những người bạn cũ, chứ không phải kẻ thù.
Nhiều câu chuyện cảm động khác tại triển lãm sẽ giúp người xem hình dung về một thời chiến tranh ác liệt, nhưng nổi bật lên là tinh thần kiên cường của quân dân Việt Nam và tình hữu nghị quý báu của hai phía, Việt Nam và Mỹ, giúp những đau thương trong quá khứ khép lại, cùng hướng tới tương lai.
Triển lãm kéo dài trong vòng một tháng tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, số 1 Hỏa Lò, Hoàn Kiếm, Hà Nội, thiết thực kỷ niệm 48 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” và 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mỹ (1995-2020)./.
Theo Vietnam+