TS Vũ Xuân Hùng – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp
cho rằng, lý do doanh nghiệp không mặn mà với giáo dục nghề nghiệp
"không nằm ở chất lượng đào tạo".
Mối quan hệ giữa hai bên chủ yếu vẫn dừng lại ở việc đưa sinh viên đi
thực tập ở DN. DN không có nhu cầu đào tạo lao động. Ngược lại, nhà
trường cũng rất khó tiếp cận được DN:
“Nhà trường đào tạo A, mà DN
lại làm B. Nhà trường không biết được yêu cầu của DN là gì. Nhà trường
đến DN không biết vào như thế nào, đặt lịch không ai tiếp. Ngược lại, DN
đến nhà trường chỉ để lấy học sinh vào làm việc ở DN, chứ không phải để
đặt hàng từ đầu. Nguyên nhân trước hết là bản thân DN thấy rất khó
khăn. Khi làm việc với nhà trường, họ sẽ được hưởng chính sách như thế
nào?”
Theo TS. Hùng, cách làm thông thường của DN là cứ lấy người
lao động về, nếu được qua đào tạo nghề thì càng tốt, không thì thôi.
“Thậm chí, bây giờ rất nhiều DN FDI (DN có vốn đầu tư trực tiếp từ nước
ngoài) tuyển thẳng từ lao động phổ thông, sau đó họ đào tạo một thời
gian ngắn để đáp ứng yêu cầu của họ. Đương nhiên là không thể đáp ứng
được yêu cầu mong muốn, nhưng có rất nhiều lý do để họ lựa chọn phương
án đó”.
Một trong những lý do mà ông Hùng đưa ra là, việc tuyển
lao động phổ thông dễ hơn với DN, đồng thời mức lương phải chi trả thấp
hơn. Sau 3-5 năm, nhiều DN FDI sa thải công nhân, với lý do người lao
động không được đào tạo chính quy, không đáp ứng được yêu cầu công việc
khi công nghệ thay đổi.
Đề xuất giải pháp, Viện trưởng Viện Khoa
học giáo dục nghề nghiệp cho rằng cần một cơ chế để thực hiện chính
sách, đó là quan hệ 3 bên – Nhà nước, DN và nhà trường.
Chia sẻ kinh nghiệm GDNN của Vương quốc Anh, bà Hoàng Vân Anh – Giám
đốc các chương trình giáo dục của Hội đồng Anh cho biết, Chính phủ nước
này đã thực hiện chính sách thu thuế học nghề để đầu tư cho kiến tập
nghề. Cụ thể là đánh thuế tất cả các nhà tuyển dụng trên toàn bộ lãnh
thổ Vương quốc Anh để tài trợ cho học nghề theo hình thức kiến tập nghề.
Việc
đánh thuế này bắt buộc từ tháng 4/2017, làm cơ sở cho những mục tiêu
lớn hơn trong quá trình cải thiện kỹ năng nghề cho lực lượng lao động.
Chính sách thu thuế này dự kiến sẽ thực hiện đến năm 2020.
Điều này sẽ có lợi cho DN khi có bảng lương giá trị trên 3 triệu
bảng. Các DN phải đóng thuế 0,5% nhưng sẽ có được lợi ích lên tới 15.000
bảng. Càng nhiều người học kiến tập nghề, càng có nhiều tài trợ từ
Chính phủ cho các chương trình đào tạo nghề.
Theo đánh giá của
Chính phủ thì cứ 1 bảng đầu tư vào GDNN sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh
tế là 28 bảng đối với học nghề cấp độ 3, 26 bảng với học nghề cấp độ 2,
21 bảng với khóa học chính quy cấp độ 2 và 21 bảng với khóa học chính
quy có vay vốn cấp độ 3.
Theo bà Hoàng Vân Anh, để DN muốn bắt tay với các trường, trước hết phải xuất phát từ nhu cầu của chính DN đó.
“Họ
phải thấy được việc có một đội ngũ công nhân lành nghề là một sự tiết
kiệm về đầu tư cho DN. Thứ hai, bản thân DN của Vương quốc Anh đặt vai
trò, trách nhiệm xã hội lên rất cao. Chính vì thế mà bất cứ hoạt động
khuyến khích gắn kết DN với cơ sở dạy nghề, họ đều tham gia rất tích
cực”.
Nhưng đồng thời, Chính phủ cũng phải đưa ra các gói tài trợ,
ví dụ như chương trình đánh thuế kiến tập nghề như đã nói ở trên. Đó là
những chương trình mà Chính phủ Anh hỗ trợ nhằm thu hút được sự tham
gia của các DN.
Một trong những thức khác thu hút được sự tham gia
của các DN, đặc biệt là các DN có tiếng nói ở Vương quốc Anh, đó là xây
dựng bộ tiêu chuẩn về nghề. Các trường dựa vào bộ tiêu chuẩn đó để xây
dựng chương trình đào tạo cho mình.
Những bộ tiêu chuẩn này được
đưa ra bởi một cơ quan tạm gọi là Hội đồng nghề do đại diện các trường,
các DN lớn đưa ra bộ tiêu chuẩn.
TS. Vũ Xuân Hùng cho biết, Bộ Lao
động thương binh và xã hội, ở góc độ quản lý Nhà nước có nhận thấy
những bất cập trong việc gắn kết DN với cơ sở đào tạo nghề và đang tìm
nhiều giải pháp để tháo gỡ. Một trong những giải pháp đó là xây dựng
chính sách cho DN tham gia vào việc xây dựng chương trình đào tạo ở các
cơ sở dạy nghề./.
Nguyễn Thảo - vietnamnet.vn