Đây là vấn đề được nhiều doanh nghiệp nước ngoài đề cập đến tại Hội nghị thường kỳ giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các Hiệp hội doanh nghiệp ngoài nước tại Việt Nam về “cải cách thủ tục hành chính” vừa tổ chức tại Hà Nội.
Ý kiến đưa ra tại Hội nghị của đại diện các Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài (DNNN) cho thấy thủ tục hành chính ở Việt Nam còn khá phiền nhiễu và cần được cải cách nhiều hơn nữa.
Hải quan, thuế bị kêu nhiều nhất
Tại Hội nghị, đa phần ý kiến từ các hiệp hội doanh nghiệp (DN) nước ngoài đều than phiền rằng thủ tục hành chính (TTHC) của Việt Nam còn rối rắm, phức tạp. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn và phiền nhiễu cho các DN. Đại diện của Eurocharm tại Việt Nam cảnh báo: TTHC phiền hà và chậm được cải thiện đang làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh của Việt Nam. Những văn bản hướng dẫn thi hành luật ban hành quá chậm trễ, gây khó khăn cho việc thực thi pháp luật và khiến DN mất cơ hội.
Một đại diện của Hiệp hội DN Hàn Quốc phản ánh: Thời gian thông quan của Việt Nam quá chậm và khó xác định nên gây khó khăn cho nhà đầu tư mới. Về thuế, ông Tổng thư ký của Kotra cho rằng, việc đánh thuế vào thành phẩm thấp hơn thuế đánh vào linh kiện nhập khẩu là chưa hợp lý, vì nó sẽ không khuyến khích việc sản xuất thành phẩm tại Việt Nam. Ông này nêu ra trường hợp dở khóc dở cười của mình: Dịp gần Giáng sinh năm 2008, ông được vợ từ Mỹ gửi quà Giáng sinh sang. Nhưng ông phải mất tới 20 ngày, thay vì 3 ngày như ở nơi khác để nhận được món quà. Thêm nữa, ông còn phải trả thuế cho món quà với số tiền còn lớn hơn trị giá của nó. Ông cho rằng, điều này cho thấy sự phiền hà trong TTHC của Việt Nam.
Liên quan đến thủ tục đầu tư, một đại diện Hàn Quốc kinh doanh trong lĩnh vực địa ốc kêu: Dự án xây dựng của DN ông được cấp phép tới hơn 1 năm rưỡi mới nhận được quyết định giải tỏa. Lúc này Hà Tây đã được sáp nhập vào Hà Nội, giá đất đã đội lên gấp nhiều lần; và tháng 9 vừa qua, đã có quyết định phải đền bù cho nông dân ít nhất gấp 5 lần. “Tôi không thể tính nổi DN mình đã bị thiệt hại bao nhiêu và cũng không biết có còn quyết định nào sắp được ban hành” - ông này than. Theo ông, khả năng thành công của một dự án đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những quy định, thủ tục mất thời gian, thiếu minh bạch và không thể tiên liệu như vậy.
Nhìn chung, đa phần ý kiến của đại diện các DN nước ngoài đều cho rằng, để tăng sức cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam cần cải cách TTHC nhiều hơn nữa theo hướng: đơn giản, rõ ràng, minh bạch, thống nhất và dễ tiên liệu.
Hy vọng ở Đề án 30
Đề án đơn giản hóa TTHC trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (Đề án 30) hiện đã bước sang giai đoạn 2 - rà soát TTHC, nhằm thay đổi về chất hệ thống TTHC hiện hành thông qua việc đơn giản hóa các quy định về TTHC theo các tiêu chí: sự cần thiết, tính hợp lý và tính hợp pháp.
Theo lộ trình, Đề án 30 sẽ có hai gói kiến nghị trình Chính phủ: gói thứ nhất gồm 261 TTHC ưu tiên sẽ hoàn thành việc rà soát vào cuối tháng 10/2009 để trình Chính phủ trong tháng 12/2009; gói thứ hai là toàn bộ các TTHC còn lại sẽ hoàn thành việc rà soát vào cuối tháng 2/2010 để trình Chính phủ trong tháng 5/2010. |
Ông Ngô Hải Phan, Tổ phó thường trực của Tổ cải cách hành chính cho biết: Quá trình thống kê TTHC đã chuẩn hóa và thống nhất các TTHC cấp huyện và cấp xã trong phạm vi từng địa phương, nghĩa là từ 10.000 bộ TTHC cấp xã và 700 bộ TTHC cấp huyện trong toàn quốc rút xuống còn 63 bộ TTHC cấp huyện và cấp xã công khai tại các địa phương. Thủ tướng đã giao chỉ tiêu cho các Bộ, ngành, địa phương phải đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định hiện hành về TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý thông qua việc loại bỏ các quy định không cần thiết, không hợp lý và không hợp pháp; hoàn thiện, nâng cao chất lượng các quy định về TTHC; pháp lý hóa những TTHC cần thiết, hợp lý nhưng chưa hợp pháp; phân cấp thực hiện hoặc áp dụng các biện pháp để thay thế TTHC không còn phù hợp. Tất cả DN đều hy vọng, Đề án 30 sẽ được đẩy mạnh hơn nữa để Việt Nam sớm có một nền hành chính hiệu quả, lành mạnh./.
Theo Báo TNVN