Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, sau khi tiếp nhận dư luận trái chiều về dự án sử dụng vốn ngân sách "chợ tạm dân sinh" trên sân chơi Con Voi - đã chỉ đạo tạm dừng thực hiện dự án này để rà soát lại toàn bộ thủ tục trình tự đầu tư và lấy ý kiến người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp của dự án.
Phải quen dần với cách lãnh đạo dân chủ!
Ông Thảo nói: "Ngay từ đầu khi nhận được thông tin nhiều người dân phản đối dự án, tôi đã phân tích ngay trong nội bộ vì sao lại có chủ trương này - các cấp, ngành báo cáo là do nguyện vọng của dân, vì dân phải đi bộ qua đường Phạm Ngọc Thạch sang các chợ bên kia, đường đông, nguy hiểm nên kiến nghị lập chợ... Quận phải bỏ ngân sách ra để làm. Nhà nước làm cho dân mà dân phản đối thì phải xem lại đây có phải đúng ý của dân không "
Chủ tịch TP Hà Nội cho hay đã chỉ đạo họp dân ngay để lấy lại ý kiến, tuy nhiên sau đó UBND quận Đống Đa, UBND phường Trung Tự vẫn báo cáo đã "họp với đại diện lãnh đạo các Chi bộ Đảng, Mặt trận Tổ quốc, Tổ đại biểu HĐND phường, lãnh đạo các tổ chức chính trị, đoàn thể quần chúng và tổ dân phố khu vực dân cư tập thể Trung Tự để lấy ý kiến về chủ trương xây dựng chợ tạm tại khu đất Con Voi và nhận được sự đồng thuận cao (Biên bản họp ngày 23/2/2009 và 25/2/2009)".
Chủ tịch Thành phố nhận định, tuy biên bản đưa lên có mấy chục chữ ký của tổ trưởng dân phố, bí thư... đồng ý với dự án nhưng "vẫn thấy chưa ổn, bởi tổ trưởng tổ dân phố thì vẫn là ta; Chủ tịch Mặt trận, Trưởng ban dân vận vẫn là ta; bộ tứ ở địa phương vẫn là ta, chứ không phải là dân - phải có đại biểu của nhân dân mới được"!
Theo ông Thảo, cách tốt nhất để lấy ý kiến của nhân dân là bỏ phiếu kín - đó là dân chủ nhất, công bằng nhất.
"Nhân dân phản đối, báo chí đã nêu thì phải lấy lại ý kiến của dân. Dân bảo thôi không làm thì không làm, kể cả một nửa bảo làm, một nửa không - vẫn thôi. Quá bán cũng không làm, vì đây có phải là bầu bán gì đâu? Mình làm cho dân, tại sao dân phản đối - phải xem lại ngay! Khi nào đại đa số dân thực sự đồng ý mới làm!" - Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nói.
Chủ tịch Hà Nội cũng đồng thời bày tỏ, không riêng vụ việc tại vườn hoa Con Voi mà nhiều vấn đề khác, quan điểm của ông là các cấp, ngành phải quen dần với cách lãnh đạo dân chủ.
"Một chủ trương đúng đắn, một quyết định hợp pháp hợp lý nhưng chưa được sự ủng hộ của nhân dân thì phải xem lại ngay chủ trương, quyết định đó. Có thể nó đúng nhưng dân chưa hiểu thì phải cần thời gian giải thích, làm rõ; còn nếu dân đúng thì phải xem lại chủ trương của mình. Không phải cứ tập thể quyết định, thống nhất rồi, tính pháp luật, pháp lý đúng rồi là không có gì sai. Dân chưa đồng thuận thì chưa thể làm được!" - Chủ tịch Thảo nhấn mạnh.
Ông Thảo cũng cho biết, lợi ích ở đây phải là nhiều lợi ích chứ không chỉ một lợi ích nào cả. Lòng dân cũng phải đúng thật sự là lòng dân chứ không chỉ một bộ phận nhân dân.
Với dự án chợ trên sân chơi Con Voi, nếu nói dân khó sang đường Phạm Ngọc Thạch để đi chợ Kim Liên, Khương Thượng... thì trong năm 2009 Hà Nội có kế hoạch triển khai nhiều dự án cầu vượt cho người đi bộ, trong đó có cầu bộ hành qua đường Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa).
Trước mắt, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội quyết định tạm dừng dự án "chợ tạm dân sinh" trên vườn hoa Con Voi, giao Sở Kế hoạch - Đầu tư rà soát toàn bộ thủ tục, trình tự đầu tư dự án này và giao UBND quận Đống Đa chịu trách nhiệm lấy ý kiến người dân theo qui trình của Sở Nội vụ.
Lấy ý kiến bằng phương pháp khoa học, không duy ý chí
Theo Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, lấy ý kiến người dân đối với dự án này tất nhiên vẫn là bám sát chủ trương Thành phố đã chấp thuận (chợ tạm dân sinh) - còn nếu đầu tư cố định, ổn định thì phải xem lại qui hoạch có phù hợp không vì thời gian tới chủ trương lớn của Thành phố là cải tạo cả khu Trung Tự (cũng như nhiều khu tập thể khác tại Hà Nội, theo Nghị quyết của Chính phủ...). Khi đó, các đơn vị ở đều sẽ được sắp xếp lại, kể cả chợ dân sinh.
Riêng nguyện vọng của dân, ông Thảo mong muốn thể hiện bằng phương pháp khoa học - bỏ phiếu kín. Mà đã khoa học thì sẽ phải khoa học từ nội dung hỏi ý kiến dân trên lá phiếu đến đối tượng được hỏi ý kiến (xét theo phạm vi ảnh hưởng của khu chợ nếu xây dựng...).
|
Bập bênh, xích đu... xưa nay đâu? (Ảnh chụp sân chơi Con Voi năm 1993 do người dân cung cấp) |
"Phiếu phải có nhiều mục ghi rõ các phương án đối với sân chơi Con Voi chứ không chỉ ĐỒNG Ý hay KHÔNG ĐỒNG Ý. Thậm chí, phải có mục Ý KIẾN KHÁC, thế mới là khoa học. Đối tượng được hỏi ý kiến cũng phải nghiên cứu theo phạm vi ảnh hưởng của dự án. Thả phiếu, sau đó tập hợp về, thành lập đường hoàng các đại diện của nhân dân và họ sẽ kiểm số phiếu này..." - Chủ tịch Thành phố khẳng định.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hà Nội, đó là cách dân chủ nhất để "đo" sự đồng thuận của người dân, bởi với những phương pháp cũ như lấy chữ ký hoặc biểu quyết trong cuộc họp nhiều khi dân cũng ngại, hoặc vì lý do gì đó không bộc lộ rõ quan điểm - dẫn đến kết quả chưa thực sự công bằng. "Còn tổ trưởng tổ dân phố thì 50% là đại diện chính quyền, 50% đại diện cho dân, đây là vấn đề khoa học quản lý" - Ông Thảo nói.
Vậy là, dự án "chợ tạm dân sinh" trên vườn hoa Con Voi sẽ là dự án đầu tiên tại Thủ đô thực hiện lấy ý kiến người dân theo một phương pháp khoa học không mới đối với thế giới nhưng quả là khá hiếm tại từng tổ dân phố của Thủ đô, nhất là lại về một dự án chính quyền cơ sở quyết định đầu tư.
(Theo VietNamNet)