(TG)- Bộ Khoa học và Công Nghệ, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có quyết định tạm dừng các thủ tục công bố về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắn để tiếp tục nghiên cứu, xin ý kiến các hiệp hội, nhà sản xuất nhằm đảm bảo tính đồng thuận cao nhất, vừa phù hợp với tiêu chí khoa học, kinh tế.
Theo đó, chiều 12/3, Bộ Khoa học Công nghệ cho biết đã tạm dừng dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN-12607:2019 về "Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm" do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo.
VẪN CÒN NHIỀU Ý KIẾN KHÁC NHAU VỀ BỘ TIÊU CHUẨN
Thời gian qua, hai Bộ cũng nhận được những ý kiến khác nhau về Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, cũng như chưa nhận được sự đồng thuận và chưa đảm bảo sự hài hòa lợi ích các bên liên quan.
Lãnh đạo hai Bộ đã thống nhất giao Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cùng với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tạm dừng và tiếp tục tiếp thu ý kiến của các bên liên quan để hoàn thiện dự thảo tiêu chuẩn này.
Trước đó, dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo đưa ra đã nhận nhiều ý kiến trái chiều từ các hiệp hội cũng như các nhà sản xuất nước mắm truyền thống.
Nội dung khiến nhiều người phân vân nhất là việc dự thảo chỉ chia thành 2 loại là nước mắm nguyên chất và nước mắm. Trong khi đó, trên thị trường đang tồn tại 2 loại sản phẩm là nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp (còn gọi là nước chấm). Nội dung thứ hai trong dự thảo cũng gây khó hiểu khi trong nước mắm truyền thống chỉ có cá biển và muối lại bị yêu cầu kiểm soát thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật. Việc đưa các tiêu chuẩn này bị xem là gây khó khăn cho ngành nước mắm làm theo cách truyền thống đã có từ hàng trăm năm nay.
Ngày 11/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu kỹ các ý kiến của các tổ chức, hiệp hội về tiêu chuẩn cho nước mắm, tổ chức đối thoại tạo thống nhất, bảo đảm sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng và không để ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống.
Thị trường nước mắm Việt Nam đang được định giá khoảng 501 triệu USD, với hơn 70.000 tấn nước mắm được sản xuất trong năm 2015. Giá trị một chai nước mắm công nghiệp vào khoảng 1-2 USD/chai, trong khi nước mắm truyền thống độ đạm cao và thuần chất có thể lên tới 9 USD/chai.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, mỗi năm, người Việt tiêu thụ hơn 300 triệu lít nước mắm, 75% trong số đó là nước mắm công nghiệp, số còn lại là nước mắm truyền thống.
Với sản lượng thấp, giá nhỉnh hơn, nước mắm truyền thống đang chọn lọc người dùng và đi vào phân khúc ngách, dẫn tới sự thu hẹp về thị phần. Nước mắm truyền thống đang gặp phải rất nhiều trở ngại trong việc tồn tại và tái chiếm thị phần, đặc biệt là nguồn nguyên liệu cá cơm đang thu hẹp nhanh chóng.
TIẾP TỤC XIN Ý KIẾN VỀ TIÊU CHUẨN NƯỚC MẮM
Dự thảo tiêu chuẩn về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm hiện đang bị các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống phản ứng gay gắt vì cho rằng khi ban hành sẽ “bóp chết” nước mắm truyền thống.
Sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ yêu cầu Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (cơ quan thẩm định) tạm dừng công bố tiêu chuẩn TCVN 12607: 2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ này sẽ cùng Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu ý kiến của các cá nhân, tổ chức và tổ chức đối thoại với các bên liên quan để hoàn thiện bộ tiêu chuẩn một cách tốt nhất.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm mới đang là dự thảo.
Khi Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản trình lên cơ quan thẩm định là Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng thì đơn vị này sẽ tiếp tục lấy ý kiến. Khi đó, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng sẽ tiếp tục chủ trì các hội thảo với các đối tượng chịu sự chi phối của tiêu chuẩn như cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học, khối thị trường, nông dân…
“Dự thảo chưa đảm bảo các yếu tố thì vẫn phải tiếp tục lấy ý kiến của các tổ chức xã hội, hiệp hội, đơn vị… có liên quan đến quyền lợi đó. Sau khi lấy ý kiến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng để tiếp thu, thậm chí tiếp tục có những trao đổi, đối thoại thì mới ban hành. Nguyên tắc là đã ban hành ra thì phải thúc đẩy được sản xuất,” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, thời gian tới, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) sẽ phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) để đưa ra một chương trình, kế hoạch tiếp thu lấy ý kiến cho dự thảo tiêu chuẩn về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm TCVN 12607: 2019.
Kế hoạch này sẽ phải được trình lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét và cho ý kiến để thực hiện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ thông tin về kế hoạch này. Với tinh thần cầu thị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn, khi bộ tiêu chuẩn được ban hành và được công bố sẽ thúc đẩy được sản xuất trong nước và đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan.
Dự thảo tiêu chuẩn về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm TCVN 12607: 2019 được Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản xây dựng. Dự thảo đang bị dư luận xã hội cũng như các chủ doanh nghiệp, chủ hộ cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống phản ứng gay gắt vì cho rằng khi ban hành sẽ “bóp chết” nước mắm truyền thống và đánh đồng giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp.
Trước đó, một số tổ chức, hiệp hội đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho nước mắm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo./.
Tuấn Đạt (tổng hợp)