Thứ Bảy, 23/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Ba, 17/5/2016 10:57'(GMT+7)

Thiết thực mừng sinh nhật Bác

Đặt hoa trước Tượng Bác tại Công viên Montreau - Thành phố Montreuil. Ảnh: VOV

Đặt hoa trước Tượng Bác tại Công viên Montreau - Thành phố Montreuil. Ảnh: VOV

 “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh” 

Cuốn sách “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh” của nhà văn Sơn Tùng ra mắt độc giả Thủ đô đúng dịp kỉ niệm 126 năm Ngày sinh của Người. 
Gần ba thập kỉ sau khi nhà văn Sơn Tùng hoàn thiện, cuốn “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh” mới được đến tay độc giả. Bản thảo cuốn sách do ông Bùi Sơn Định – con trai nhà văn sưu tầm từ những trang viết tay của cha. 

Cuốn sách tái hiện lại quãng thời gian Bác Hồ (khi đó tên là Nguyễn Tất Thành) đi từ Huế vào Nam với hành trình gian nan vượt đèo Cù Mông, Rù Rì, Đèo Cả và dừng chân dạy học ở Trường Dục Thanh (tỉnh Phan Thiết) - trường học do những người yêu nước lập nên. Đặc biệt, hình ảnh thầy giáo Nguyễn Tất Thành với phương pháp dạy học truyền cảm hứng, khai mở những hiểu biết về lịch sử dân tộc, tình yêu Tổ quốc, hun đúc ý chí và rèn luyện nhiều kĩ năng trong cuộc sống cho học sinh được tái hiện sinh động qua những trang sách. Cùng với các tác phẩm "Búp sen xanh", "Bông sen vàng", "Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng", cuốn “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh” do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, sẽ giúp người đọc hiểu thêm về thời tuổi trẻ của Bác Hồ trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước. Đọc cuốn sách này, độc giả sẽ thấy rõ tâm tư, tình cảm của thầy giáo Nguyễn Tất Thành khi đất nước đang trong vòng nô lệ, nỗi đau đáu của cha khi “nước mất, nhà tan…”.  Giáo sư, Tiến sĩ Sử học, Nhà giáo Ưu tú Mạch Quang Thắng chia sẻ khi đọc tác phẩm: Nhà văn Sơn Tùng viết tác phẩm bằng cái tâm sáng, nhiệt thành, ngòi bút đầy cảm xúc, có sức lay động tình nhân ái… Chỉ mấy chục trang viết thôi, nhưng quả thực, nhà văn Sơn Tùng đã tái hiện được quãng thời gian đáng nhớ trong cuộc đời Bác Hồ. 

Nhà văn Sơn Tùng từng tâm sự, suốt hơn 30 năm cầm súng, cầm bút, ông dành nhiều thời gian, tâm huyết ghi chép về thời niên thiếu của Bác Hồ. Ông đã tìm gặp anh, chị của Bác, thu thập được nhiều điều quý giá. Ông cũng lần theo những đầu mối ấy đến những nơi Bác Hồ từng sống, học tập, dạy học, làm việc, gặp gỡ những người cùng thời với Bác để thu thập tư liệu một cách trách nhiệm, tình cảm như một người làm công tác khảo cổ học. Sinh năm 1928 tại Diễn Châu, Nghệ An, nhà văn Sơn Tùng là tác giả của nhiều tác phẩm về Bác Hồ được bạn đọc trong, ngoài nước yêu mến như: "Búp sen xanh"; "Bông sen vàng"; "Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng"; "Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh"; "Tấm chân dung Bác Hồ"; "Bác về"; "Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh"; "Bác Hồ cầu hiền tài"; "Từ làng Sen"… Bằng cách viết sâu sắc, sự dày công tìm tòi, khảo cứu, đặc biệt cộng với một tình cảm yêu kính vô bờ dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, nhà văn Sơn Tùng đã viết nên những tác phẩm sinh động về thời trẻ của Bác Hồ. Những tác phẩm này giúp độc giả hiểu rõ thêm về gia đình, nguồn cội, bối cảnh xã hội đã hun đúc nên một nhân tài kiệt xuất của dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới.

Nhân dịp này, bên cạnh các tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng, Nhà xuất bản Kim Đồng còn ấn hành cũng nhiều tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh như: "Cha và con" (Hồ Phương); "Bác của chúng ta" (Bích Thuận); "Kể chuyện Bác Hồ" (nhiều tác giả); "Bác Hồ viết di chúc và Di chúc của Bác Hồ" (Hồi kí Vũ Kỳ, Thế Kỷ ghi); "Theo chân Bác" (thơ Tố Hữu, tranh Văn Thơ)…

 Ấm áp anh linh Người nơi cực Nam Tổ quốc 

Đền thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu là một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho người dân trong và ngoài tỉnh. Hàng ngày, nhất là những dịp lễ lớn của dân tộc hay kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Bác, nhân dân Bạc Liêu và các địa phương khác thường đến viếng Bác rất đông. Đ ã nhiều năm nay, anh linh của Bác nơi đây hằng tối vẫn ấm áp hương khói từ những người con trong câu lạc bộ thắp hương tưởng niệm Bác Hồ xã Châu Thới. 

Sau một ngày bận rộn với công việc, chiều tối, bà Nguyễn Thị Nghíl, 74 tuổi ở ấp Bà Chăng A lại cùng 2 chị em trong tổ thắp hương tưởng niệm đến đền thờ Bác. Con đường đến đền thờ thắp hương Bác bây giờ yên tĩnh và thanh bình biết mấy. Cái thanh bình này đối với những người từng trải qua mưa bom bão đạn như bà Nghíl mới thấy quý giá hơn bất cứ điều gì. Càng quý độc lập, tự do, bà càng nhớ công ơn của Bác dành cho dân tộc Việt Nam. Ngày trước, khi Bác mất, sự kính yêu dành cho Bác đã thôi thúc bà cùng đồng chí, đồng đội bất chấp hiểm nguy xây dựng và bảo vệ đền thờ Bác, thôi thúc bà dù có mưa bom bão đạn nhưng tối nào cũng phải cùng đồng chí, đồng đội thắp hương cho anh linh của Người được ấm áp. 

Bà Nghíl nhớ lại: Khi nghe tin Bác mất, bà được phân công mua vật liệu về xây dựng đền thờ Bác. Dù nguy hiểm bà cũng cố gắng làm. Khi đền thờ lập xong, vùng này khi đó còn hoang sơ, rậm rạp cỏ cây, cả vùng có ba, bốn ngôi nhà, đường đi khó khăn vậy mà hằng tối người dân Châu Thới vẫn chong đèn, thắp hương để anh linh Người luôn ấm áp. Trước kia nguy hiểm, gian lao như thế mà nhân dân Châu Thới còn giữ được việc khói hương cho Bác hằng tối. Hôm nay, đền thờ được xây dựng trang trọng, quy mô trong không gian khoáng đãng, thanh bình, việc thắp hương cho Bác càng phải được duy trì thành nền nếp. Chính từ mong muốn của nhiều người dân Châu Thới như bà Nghíl, từ tháng 12/2014, một câu lạc bộ đặc biệt của xã Châu Thới đã được ra mắt và duy trì hoạt động đều đặn cho đến nay. Đó là câu lạc bộ thắp hương tưởng niệm đền thờ Bác. Câu lạc bộ từ khi thành lập đến nay đã kết nối được 45 thành viên chia nhau phụ trách việc thắp hương tại đền thờ hằng tối. 

Dù ngày nắng hay mưa, hằng tối (khoảng 18 giờ) các thành viên của câu lạc bộ vẫn đều đặn đến dâng hương Bác để thay mặt người dân Châu Thới nói riêng và nhân dân Bạc Liêu nói chung thể hiện tình yêu thương sắt son dành cho vị cha già kính yêu của dân tộc. Ông Khưu Tam Phước, 70 tuổi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thắp hương tưởng niệm đền thờ Bác Hồ cho biết, từ khi ra mắt câu lạc bộ và hoạt động từ tháng 12/2014 đến nay, không ngày nào các tổ không thắp hương cho Bác. Có nhiều cụ ông, cụ bà hơn 80 tuổi vẫn hăng hái tham gia câu lạc bộ, tới lượt mình dù mệt mỏi vẫn đi, bất kể trời mưa hay nắng. 

Tuy ra đời chưa lâu, song việc làm của Câu lạc bộ thắp hương đền thờ Bác là có sự tiếp nối truyền thống tôn kính Bác của người dân Châu Thới từ những năm tháng chiến tranh. Thế nên, dù những việc làm lặng lẽ tưởng chừng như giản đơn của câu lạc bộ lại có sức lan tỏa lớn trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay. Ông Trần Văn Út, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi nhận định, hoạt động của Câu lạc bộ thắp hương đền thờ Bác có giá trị rất lớn trong giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay, nhất là thế hệ trẻ của huyện Vĩnh Lợi. Lòng tôn kính đối với Bác được lan tỏa trong mọi cán bộ, đảng viên, người dân Vĩnh Lợi để từ đó mọi người càng ra sức học tập và noi gương của Bác vì sự phát triển của quê hương, đất nước. Thời gian tới, Huyện ủy Vĩnh Lợi sẽ tạo mọi điều kiện để Câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, ý nghĩa hơn. 

Tấm lòng tôn kính Bác được thể hiện bằng những điều mộc mạc, chân tình của người dân Châu Thới còn để lại những ấn tượng đầy xúc cảm đối với những du khách phương xa. Ông Nguyễn Viết Tuấn, một cán bộ hưu trí của thủ đô Hà Nội nhiều năm nay đã dành thời gian tìm hiểu về các đền thờ, phủ thờ Bác Hồ trên cả nước. Ông Tuấn đến viếng đền thờ Bác ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, đúng vào lúc Câu lạc bộ thắp hương đền thờ Bác đang họp nhóm. Được nghe, được thông tin về hoạt động của câu lạc bộ, ông Tuấn và những người trong đoàn, có người đã từng là thành viên của đội bảo vệ thi hài Bác trong những năm 1969 đến 1975, ai cũng bất ngờ và cảm phục trước việc làm này của người dân Châu Thới. Ông Nguyễn Viết Tuấn bày tỏ, đoàn của ông đã đi nhiều nơi có phủ thờ, đền thờ Bác nhưng ngay cả ở quê Bác (làng Sen, Nam Đàn, Nghệ An) mặc dù tổ chức tốt cho nhân dân các nơi về viếng Bác nhưng cũng chưa có Câu lạc bộ thắp hương tưởng niệm Bác như ở Bạc Liêu, nơi mà người dân địa phương hằng tối thay mặt những người con đất Việt, thực hiện thủ tục thắp hương tưởng niệm Bác bằng tấm lòng thành kính. Chúng tôi rất cảm phục tấm lòng người dân Châu Thới dành cho Bác. 

Từ những ngày được xây dựng trong mưa bom bão đạn của quân thù đến nay, đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi đã được dân, quân Bạc Liêu trùng tu, tôn tạo lại nhiều lần và trở thành một di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Song, có một giá trị thiêng liêng nơi đền thờ Bác vẫn giữ nguyên vẹn là tấm lòng, niềm tin và sự tôn kính hết mực của nhân dân Bạc Liêu đối với Bác. Lòng tôn kính ấy không chỉ thể hiện rõ qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của quân và dân Bạc Liêu trong bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước, mà còn được thể hiện đậm nét qua những việc làm bình dị nhưng rất đầm ấm nghĩa tình. Đó là những nén hương thơm hằng tối lan tỏa ấm áp anh linh Người ở vùng đất Anh hùng nơi cực Nam của Tổ quốc.

Kỷ niệm ngày sinh nhật Bác tại Cộng hòa Cezch, Canada và Pháp


* Ngày 15/5, Đại sứ quán Việt Nam ở Thủ đô Praha (Cộng hòa Cezch) vừa tổ chức lễ kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và nói chuyện về sự nghiệp cách mạng của Người. Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Cezch Trương Mạnh Sơn, kêu gọi toàn thể cán bộ, Đảng viên trong các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Cộng hòa Cezch tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đại sứ Trương Mạnh Sơn mong muốn cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Cezch tiếp tục đoàn kết, phát triển, hướng về Tổ quốc.

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu tham dự đã được nghe Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, nói chuyện về thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

* Ngày 15/5, cộng đồng người Việt tại thành phố Montreal của Canada đã tổ chức buổi gặp mặt nhằm tăng cường giao lưu, đoàn kết, phát triển cộng đồng; đồng thời giới thiệu các tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 126 năm ngày sinh của Người. 

Tại buổi gặp mặt, Đại sứ Tô Anh Dũng đã chia sẻ với bà con về tình hình chung của đất nước và những lĩnh vực cần đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới, đồng thời bày tỏ hy vọng bà con kiều bào tại Canada ngày càng gắn kết, phát triển vững mạnh, đóng góp thiết thực cho hai đất nước Canada, Việt Nam. 

Nhiều bà con bày tỏ nguyện vọng, tâm huyết thúc đẩy cộng đồng lớn mạnh để có thể đóng góp nhiều hơn cho quê hương và quan hệ giữa hai nước

* Ngày 16/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp kỷ niệm 126 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp, với sự tham dự đông đảo cán bộ các cơ quan đại diện của Việt Nam, bà con người Việt và bạn bè Pháp yêu mến Việt Nam.

Mở đầu các hoạt động kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn, Đại sứ, trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Hồng Phấn cùng đông đảo cán bộ các cơ quan đại diện Việt Nam, đại diện và thành viên các Hội đoàn người Việt tại Pháp đã kính cẩn thắp hương trước bàn thờ Bác Hồ tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. 

Tiếp đó, đoàn đại biểu đã đi thăm và đặt lẵng hoa tại địa chỉ số 9, Ngõ Compoint – nơi Bác Hồ - dưới cái tên Nguyễn Ái Quốc- đã từng sống và hoạt động cách mạng tích cực từ 7/1921 đến 3/1923. 

Tại buổi lễ, Thị trưởng danh dự của thành phố Montreuil Jean Pierre Brad đã xúc động bày tỏ tình cảm với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà lãnh đạo tràn đầy tình yêu thương với đất nước, dân tộc mình, mà với cả nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành nhiều tình cảm cho nước Pháp".

Cũng trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cán bộ Việt Nam, bà con Việt kiều đã cùng tham dự buổi nói chuyện của Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng lý luận trung ương về Bác Hồ, những mẩu chuyện giản dị mà vĩ đại khắc họa con người Bác./.

TG tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất