Cảnh trong phim “Thương nhớ ở ai” tạo hiệu ứng hình ảnh đẹp bằng công nghệ quay 4K.
Cần những “đầu tàu kéo”
Gần hai năm trở lại đây, người Việt lẫn du khách quốc tế không còn xa lạ với chương trình nghệ thuật tổng hợp có tên “Ionah” tại Nhà hát nghệ thuật đương đại Galaxy (87 Láng Hạ, Hà Nội). Không phải là chương trình nghệ thuật của nước ngoài, mà “Ionah” thực ra lại vô cùng giản dị và rất Hà Nội. “Ionah” chính là chữ viết ngược của Hà Nội, là tình cảm, tâm huyết của ekip sáng tạo với nghệ thuật. “Ionah” đến thời điểm này được đánh giá là chương trình giải trí đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam có sự kết hợp hài hòa giữa các loại hình nghệ thuật, như: Xiếc, vũ đạo, âm nhạc, diễn xuất... cùng công nghệ 3D và âm thanh hiện đại. Chương trình chỉ dài 75 phút nhưng cũng đủ khiến khán giả phải đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Bởi họ không chỉ bắt gặp đâu đó những hình ảnh chân thật và gần gũi của Hà Nội với cầu Long Biên, 36 phố phường... mà còn là những khung cảnh huyền ảo trong thế giới siêu thực của riêng “Ionah” để truyền tải thông điệp về tình yêu và sự sống, với sự hòa quyện giữa những nền văn hóa khác biệt, giữa truyền thống và hiện đại. “Ionah” tạo ra xu hướng và thổi làn gió mới vào làng nghệ thuật giải trí Việt Nam.
Theo họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng, nghệ thuật sân khấu đang rất cần nhiều những chương trình tương tự “Ionah” để vừa tạo không gian nghệ thuật hiện đại, bắt kịp xu thế làm nghệ thuật của thế giới, vừa góp phần quảng bá văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, di sản của nước nhà, thu hút khách du lịch mỗi khi đến Việt Nam. Cách làm sân khấu nghệ thuật, giải trí với sự hội tụ nhiều lĩnh vực, như: Điện ảnh, âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh trong sự cộng hưởng của công nghệ 3D, 4D, 5D được các nghệ sĩ quốc tế phát huy từ lâu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, sự nhập cuộc này còn khá chậm chạp. Ngay cả hình thức bán vé, chọn chỗ ngồi qua internet, ngoài lĩnh vực điện ảnh đã thực hiện vài năm trước thì đầu tháng 5 vừa qua mới có duy nhất Nhà hát múa rối Thăng Long triển khai.
Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan: Thành tựu của cuộc CMCN lần thứ 4 đã tác động mạnh mẽ đến công nghiệp điện ảnh Việt. Chính vì thế, điện ảnh được xác định là “đầu tàu”-một trong lĩnh vực quan trọng nhất của mục tiêu chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Thị trường điện ảnh lớn dần với doanh thu chiếu phim hằng năm tăng khoảng 30%, hệ thống rạp chiếu phim tăng nhanh về số lượng và được trang bị hiện đại, số lượng phim Việt Nam sản xuất hằng năm tăng mạnh-vượt chỉ tiêu trong chiến lược phát triển điện ảnh. Tuy chất lượng phim chưa đồng đều, nhưng tín hiệu vui là đã có những phim được đánh giá cao tại các liên hoan phim quốc gia, quốc tế và có một vài phim “bom tấn” “made in Vietnam” phá kỷ lục doanh thu tại Việt Nam so với các “bom tấn” nước ngoài.
Tăng cường tính chủ động trước cách mạng 4.0
Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội thảo “Tác động của cuộc CMCN lần thứ 4 đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch”. Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện các cơ quan thuộc bộ thẳng thắn nêu những cơ hội, thách thức, rủi ro của CMCN lần thứ tư đối với ngành. Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam: Với ngành công nghiệp văn hóa cần ba nền tảng chính là công nghệ, nội dung và tổ chức sản xuất. Tất cả những nền tảng này đều cần sự sáng tạo, đổi mới không ngừng. Thách thức khi tiếp cận CMCN lần thứ 4 của Việt Nam chính là công tác thống kê hiện nay đang rất kém. Hạ tầng công nghệ tốt nhưng công tác thống kê không theo kịp thì chắc chắn không thể nghĩ đến nền công nghiệp văn hóa. Giải pháp được PGS, TS Bùi Hoài Sơn đặt ra là, tuyên truyền nâng cao nhận thức, cập nhật phổ biến kiến thức về công nghệ 4.0 đối với đội ngũ nhân viên, cán bộ lãnh đạo ngành. Có chính sách đào tạo tài năng sáng tạo, hỗ trợ sáng tạo cá nhân, tạo cơ chế kiểm duyệt từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Trong cuộc CMCN lần thứ 4, du lịch được xác định là “địa hạt” quan trọng. Ngành du lịch đang đứng trước yêu cầu nhanh chóng phát triển theo các mô hình “du lịch thông minh” và “du lịch chia sẻ” nhờ vào sự hỗ trợ của công nghệ, nhằm tạo ra và cung cấp dịch vụ tốt nhất cho du khách. Theo ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam: Hiện nay, du khách đang có xu hướng tìm hiểu về các nhà cung cấp dịch vụ tại điểm đến (khu du lịch, điểm du lịch) thông qua dữ liệu lớn trên nền tảng số qua môi trường internet. Như vậy, thông tin số và các nền tảng giao tiếp, giao dịch số có vai trò quan trọng thúc đẩy giao tiếp, giao dịch hiệu quả giữa du khách, nhà cung cấp dịch vụ và điểm đến. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành du lịch là một trong những giải pháp đột phá nâng cao tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Giải pháp ứng dụng CNTT sẽ là công cụ hữu hiệu phục vụ 3 nhóm đối tượng chính: Người quản lý, nhà cung cấp dịch vụ và khách du lịch. Trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ ứng dụng CNTT mạnh hơn nữa với việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, phát triển chính quyền điện tử, đổi mới môi trường phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Tại hội thảo, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL đề nghị các cơ quan cần chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4. Ngày 19-10-2017, Bộ trưởng Bộ VHTTDL ký Quyết định số 3888/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4 của Bộ VHTTDL. “Như vậy, với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ thông qua các chủ trương, chính sách tạo cơ hội thuận lợi cho ngành VHTTDL nói chung, công tác truyền thông của ngành nói riêng, nhiều cơ hội ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác quảng bá, giới thiệu văn hóa, con người Việt Nam đến với công chúng trong nước và nước ngoài. Đồng thời khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, hiệu quả trong việc làm thay đổi nhận thức về hoạt động VHTTDL. Những thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông tác động trực tiếp đến cấp ủy, chính quyền các cấp, nhận thức về vai trò, vị trí của hoạt động VHTTDL đối với sự phát triển bền vững của đất nước”-Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh./.
Tại Việt Nam, theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me, có 88% khách du lịch tra cứu thông tin qua mạng, trong đó 35% thường xuyên sử dụng internet để tìm kiếm thông tin du lịch. Thông tin du lịch trong nước được tìm kiếm thường liên quan đến điểm đến, khách sạn, nhà hàng, kinh nghiệm du lịch... Những yếu tố này được đánh giá là nền tảng thuận lợi để du lịch Việt Nam phát triển trong CMCN 4.0. |