Thứ Bảy, 21/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 12/2/2017 21:17'(GMT+7)

Tầm nhìn xây dựng thể chế kiến tạo

Hệ thống thể chế bao gồm ba thành tố chính là thể chế chính thức (pháp luật), thể chế phi chính thức (tục lệ), và các chế tài bao gồm cả chế tài pháp lý và đạo lý cho cả thể chế chính thức và phi chính thức. Địa chính trị, kinh tế thế giới và tình hình nội tại luôn đặt ra cho mỗi quốc gia yêu cầu cải cách thể chế trong mỗi giai đoạn phát triển như những “đợt sóng đổi mới”, “đợt sóng cải cách”.

Vai trò của cải cách thể chế đã được Acemoglu và Robinson đề cập đến khi kết thúc một chương trong cuốn sách “Vì sao các quốc gia thất bại?” với một thông điệp rõ ràng: “phát triển, thịnh vượng, xã hội hài hòa, dân chủ và tiến bộ, hết thảy đều có thể giải thích từ cấu trúc thể chế của mỗi xã hội. Vì lẽ đó, muốn đạt tới thịnh vượng, cải cách thể chế phải là chìa khóa”.

Nhiều nghiên cứu cho rằng, đối với nước ta, trong bối cảnh hiện nay, các động lực từ cải cách thể chế trước đây, sau 30 năm đổi mới đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật đang trở thành đòi hỏi bức bách từ thực tiễn. Đây là lúc cần tạo ra các khung thể chế vượt trội, cạnh tranh, tạo động lực cải cách cho sự phát triển đột phá về kinh tế một chu kỳ tiếp theo.

Có thể nhận thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận thức đầy đủ, nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu, nhiệm vụ cải cách thể chế kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc hiện thực hóa quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng “Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính”, phục vụ phát triển, trong đó nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tập trung hoàn thiện, tháo gỡ dứt điểm các rào cản về thể chế, pháp luật với yêu cầu phục vụ doanh nghiệp, nhân dân, khơi dậy các nguồn nội lực để phát triển kinh tế đất nước. Gần một năm của nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021, với những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những gì đang diễn ra thể hiện quyết tâm hành động của Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ cấp bách trước mắt và nhiệm vụ chiến lược, lâu dài.

Quyết tâm hành động của Chính phủ hiện thực hóa nội hàm cơ bản của quan điểm xây dựng “Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính” với tầm nhìn hoàn thiện thể chế dân chủ, hiện đại. Từ góc độ xây dựng thể chế, nội hàm có tính biện chứng sâu sắc về quan hệ giữa các thành tố của quan điểm này. Chính phủ kiến tạo, chính là xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật ưu việt và thuận lợi nhất nhằm giải phóng, khơi dậy các nguồn lực, tạo động lực để phát triển đất nước. Chính phủ kiến tạo bằng hành động cụ thể, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành nhằm tạo sự chuyển động, thực thi thể chế của toàn hệ thống hành pháp, hay nói cách khác, tất cả các chính sách, động lực phát triển phải được vận hành đồng bộ, thông suốt trên thực tế. Thành tố cuối cùng có vai trò quyết định đó là một tâm thế liêm chính trong kiến tạo thể chế, pháp luật, trong hành động thực thi thể chế, pháp luật. Chính phủ xác định tinh thần liêm chính trong kiến tạo chính sách, pháp luật với chủ trương kiên quyết loại trừ những thể chế, chính sách kém hiệu quả, có dấu hiệu bảo vệ lợi ích ngành, lợi ích nhóm, phi thị trường, tập trung tháo gỡ rào cản thể chế, chính sách cản trở phát triển; liêm chính trong hành động thực thi chính sách, pháp luật với các chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, liêm chính trong thực thi công vụ, liêm chính với quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, doanh nghiệp.

Ở góc độ thực thi, Chính phủ xác định rõ chủ trương, định hướng trong chỉ đạo, điều hành bằng hành động cụ thể. Thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện các dự án luật có tác động mạnh mẽ đến công tác quy hoạch, sử dụng, điều phối các nguồn lực, ngân sách, doanh nghiệp nhà nước, môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp… Xây dựng và chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp chính sách tại Nghị quyết 19/NQ-CP các năm về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Các giải pháp chính sách này bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Theo Báo cáo thường niên về chỉ số thuận lợi kinh doanh năm 2017 (Doing Business 2017) do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 26/10/2016, Việt Nam xếp hạng 82 trên tổng số 190 nền kinh tế được đánh giá, tăng 9 bậc so với báo cáo đánh giá năm 2016. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, sự lan tỏa tinh thần cải cách từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa theo kịp "nhịp cải cách" của Chính phủ.

Chính phủ cần tiếp tục hoạch định và kiên định với tầm nhìn lập pháp dài hạn trên cơ sở nghiên cứu, hoàn thiện tổng thể hệ thống thể chế, pháp luật về kinh tế. Đề xuất xây dựng các luật, chính sách mới hình thành các giải pháp đột phá phục vụ phát triển; khơi thông các nút thắt thể chế, tận dụng các dư địa cải cách từ hội nhập; khai thác hiệu quả nội lực địa - kinh tế của Việt Nam; tạo cơ chế hiệu quả để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực phát triển theo cơ chế thị trường; hình thành các các khuôn khổ thể chế hội nhập, thể chế cạnh tranh cao về thu hút đầu tư với các nước trong khu vực; bảo vệ hiệu quả nhà đầu tư… nhằm tạo ra những cơ hội, dư địa cải cách rộng lớn hơn.

Nhiệm vụ cấp bách hơn, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm đặc biệt đến việc hoàn thiện các khuôn khổ thể chế với các trụ cột cải cách trong ngắn hạn trong các lĩnh vực: quy hoạch phát triển, đầu tư công, ngân sách nhà nước, tài sản công, nợ công; doanh nghiệp nhà nước, nguồn lực công, đất đai, tài nguyên; tái cơ cấu các lĩnh vực đặc biệt là nông nghiệp, các thị trường; cải thiện môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp; phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đây sẽ là các trụ cột cải cách quan trọng bảo đảm mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn và đặt nền móng cho sự phát triển bền vững trong dài hạn. Cần phải nói thêm, độ trễ chính sách là rất lớn nếu các bộ, ngành, địa phương không có quyết tâm và hành động cùng Chính phủ.

Với cách quan niệm phổ quát về thể chế nói trên, có thể nhận thấy, một trong những mắt xích còn thiếu cho sự chuyển động có lẽ là chế tài và thực thi chế tài. Phải chăng cần có chế tài mạnh hơn và đặc biệt cần thực thi nghiêm khắc để thúc đẩy sự chuyển động, bảo đảm thể chế được thực thi và thực thi một cách liêm chính. Không thể chỉ dừng lại ở việc loại bỏ tham nhũng, tiêu cực, cửa quyền, “vua con” trong bộ máy mà sâu sắc hơn đó là niềm tin đối với nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, niềm tin đồng hành cùng Chính phủ trong phát triển. Không thể có chế tài nào hiệu quả đối với tập thể lãnh đạo hay với một ban, bộ, ngành, cơ quan chung chung. Cần có chế tài, xác định rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu và từng cá nhân, chỉ rõ ai là người phải chịu trách nhiệm và nghiêm khắc xử lý đúng quy định khi vi phạm. Chế tài nhằm loại bỏ trở lực từ việc “lobby” chính sách, lợi ích nhóm, từ sự vô tâm, không hành động, từ sự thiếu liêm chính của một bộ phận cán bộ, công chức.

Từ thế kỷ thứ 15, Vua Lê Thánh Tông đã đặt nền móng cho việc hình thành hệ thống pháp luật Việt Nam với triết lý: “Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo”. Có thể thấy tư tưởng của ông cha thể hiện rõ quan điểm dân chủ, tiến bộ trong việc xây dựng thể chế, pháp luật và quản lý nhà nước bằng pháp luật, không có ngoại lệ, vùng cấm khi nhà vua và thần dân đều phải cùng tuân theo pháp luật. Nguyên lý này được Thủ tướng Chính phủ khẳng định với quan điểm rõ ràng: “Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. Phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá; kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin cho; thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; quyết liệt phòng chống tham ô, lãng phí và nhũng nhiễu người dân. Khi có sai phạm, dù bất kể cấp nào cũng phải làm rõ trách nhiệm và xử phạt nghiêm minh”. Tư tưởng này cần có chế tài bảo đảm thực thi trên thực tế, từ đó lan tỏa, ăn sâu, bám rễ, lay động đến trái tim, khối óc những người xây dựng và thực thi thể chế.

Rõ ràng, các chính sách, giải pháp thực thi cải cách thể chế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như đề cập trên mang dấu ấn đậm nét của tư tưởng hoàn thiện thể chế hiện đại, gắn dân chủ với xây dựng nhà nước pháp quyền; gắn hoàn thiện thể chế với mở rộng dân chủ; xây dựng nền tảng quản trị nhà nước phục vụ nhân dân, doanh nghiệp với trách nhiệm giải trình. Ở chiều ngược lại, Chính phủ cần sự đồng hành của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tạo ra các xung lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước.

Phạm Chí Công - Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ (Theo chinhphu.vn)



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất