Ngày 9/9, Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem đã tới Mátxcơva để thảo luận với người đồng cấp Nga về tình hình ở quốc gia Trung Đông này trong bối cảnh gia tăng những đồn đoán về một hành động quân sự chống chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, ông Muallem đã chuyển lời cảm ơn của Tổng thống Bashar al-Assad tới Tổng thống Vladimir Putin về lập trường của Nga đối với việc giải quyết cuộc xung đột ở Syria cả trước và sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), phản đối kế hoạch tấn công quân sự của Mỹ nhằm vào quốc gia Trung Đông này với cáo buộc chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học khiến 1.400 người thiệt mạng trong cuộc tấn công tại ngoại ô thủ đô Damascus trung tuần tháng 8 vừa qua.
Ông Muallem khẳng định Damascus sẵn sàng một lần nữa đón tiếp ủy ban điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học và loại bỏ mọi lý do cho một hành động quân sự chống Syria. Ông cũng nhắc lại Syria sẵn sàng tham gia hội nghị hòa bình tại Geneva mà không có bất cứ điều kiện tiên quyết nào cũng như sẵn sàng đối thoại với tất cả các thể chế chính trị. Theo ông, hành động can thiệp quân sự của Mỹ tại Syria có thể hủy hoại những nỗ lực của cộng đồng quốc tế triệu tập hội nghị hòa bình tại Geneva nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu hiện nay. Ông Muallem tái khẳng định: "Giải pháp chính trị là giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng tại Syria."
Về phần mình, ngoài việc đảm bảo với ông Muallem rằng lập trường của Mátxcơva về Syria là "rất rõ ràng và sẽ không thay đổi," Ngoại trưởng Lavrov khẳng định không có sự lựa chọn nào khác ngoài một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Syria.
Ông Lavrov cho biết Nga bác bỏ bất kỳ giải pháp quân sự nào liên quan đến sự can thiệp từ bên ngoài, cũng như kịch liệt phản đối các cuộc tấn công do Mỹ đứng đầu nhằm chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Ông cảnh báo một hành động như vậy có nguy cơ thổi bùng làn sóng khủng bố trong khu vực và có thể châm ngòi cho làn sóng tị nạn mới.
Ông Lavrov cũng khẳng định Mátxcơva sẽ tiếp tục thúc đẩy sáng kiến triệu tập một hội nghị hòa bình về Syria và thực hiện những bước đi nhằm ngăn chặn tình hình nguy hiểm tại khu vực Trung Đông.
Phát biểu sau cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định "vẫn còn cơ hội cho một giải pháp chính trị" và Damascus "sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình."
Trong diễn biến liên quan, ngày 9/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố giải pháp cho cuộc xung đột Syria phải là chính trị, chứ không phải quân sự, song nhấn mạnh cộng đồng quốc tế không thể chờ đợi trong khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học.
Sau cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Anh William Hague tại London, ông Kerry khẳng định "đã có sự đồng thuận rằng việc chấm dứt cuộc xung đột tại Syria cần một giải pháp chính trị. Không có giải pháp quân sự, chúng tôi không nghi ngờ gì về điều đó." Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Chính phủ Syria có thể làm gì để ngăn chặn hành động can thiệp quân sự, Ngoại trưởng Kerry nói đó là khi Tổng thống Assad giao nộp toàn bộ vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế trong vòng một tuần, song cho rằng điều đó rất khó xảy ra.
Tại cuộc họp báo nhanh ở London, ông Kerry cũng cho biết việc kiểm soát vũ khí hóa học ở Syria chỉ bó hẹp trong tay ba người là Tổng thống Bashar al-Assad và người em trai Maher al-Assad - chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cộng hòa và một sư đoàn thiết giáp tinh nhuệ của Syria, cùng với một viên tướng không nêu tên.
Về phần mình, ông Hague tuyên bố Anh hoàn toàn ủng hộ Mỹ trong vấn đề Syria, bất chấp London sẽ không tham gia tấn công quân sự nhằm vào quốc gia Trung Đông này.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Anh (MoD) ra thông báo cho biết máy bay của Syria đã vượt qua không phận quốc tế xâm phạm không phận Cộng hòa Síp từ phía Đông hôm 2/9.
Mạng tin Trung Đông dẫn nguồn tờ Daily Mail (Anh) số ra ngày 8/9, khẳng định 2 máy bay Syria đã rút lui sau khi bị hai máy bay chiến đấu RAF của Anh tại một căn cứ ở Síp ngăn chặn.
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anh: "MoD có thể xác nhận rằng máy bay quân sự Anh tại căn cứ Akrotiri đã xuất kích hôm 2/9 để điều tra máy bay lạ bay tới từ phía Đông của Cộng hòa Síp."
Các máy bay của Syria được cho là Su-24, có thể bay tới Síp, cách Syria 200 km, chỉ trong 15 phút. Báo trên cho biết hai chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ cũng được phái đến hỗ trợ điều tra từ căn cứ tại Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, tờ Guardian của Anh mới đây đưa tin các máy bay chiến đấu và vận tải quân sự đã khởi hành tới căn cứ Akrotiri của Anh tại Síp, cách bờ biển Syria gần 150km - động thái cho thấy quân đội Anh đang chuẩn bị một cuộc tấn công vào Syria./.
TTX