Thứ Sáu, 20/9/2024
Thế giới
Thứ Năm, 11/7/2013 16:32'(GMT+7)

Tân quan chưa dễ sớm tân chính sách

Giáo sỹ Hát-xan Rô-ha-ni không thuộc phe cải cách nhưng cũng không ở phía bảo thủ và tôn giáo chính thống. Kết quả như thế cho thấy, trước hết cả hai phe nói trên đều đã thất bại trong cuộc bầu cử này và cử tri I-ran không còn tán đồng với những quan điểm chính sách cực đoan và thái quá. Ông H. Rô-ha-ni có quan điểm ôn hòa và quan hệ hài hòa với giới chức lãnh đạo tôn giáo cao nhất ở nước này trong Hội đồng Giám sát tôn giáo. Ông không phải là ứng cử viên của họ nhưng cũng không bị họ chống đối đến mức gạt ra khỏi diện ứng cử viên tổng thống trước cuộc bầu cử.

Việc ông H. Rô-ha-ni trở thành tổng thống mới, có thể nói sẽ bắt đầu một thời kỳ chính trị mới ở I-ran, nhưng hoàn toàn không có nghĩa là cứ tân quan là sẽ tân chính sách ngay được. Ở I-ran, tổng thống đứng đầu bộ máy hành pháp, nhưng thực quyền thật sự thuộc về Hội đồng Giám sát tôn giáo do Giáo chủ A-li Kha-mê-ni (Ali Khamenei) đứng đầu. Ông H. Rô-ha-ni khác biệt khá cơ bản cả về quan điểm chính sách lẫn tính cách cá nhân với người tiền nhiệm Ma-mút A-ma-đi-nê-giát (Mahmud Ahmadinejad) nên chính sách cầm quyền sẽ khác. Nhưng vì phải lưu ý đến Hội đồng Giám sát tôn giáo, vị tổng thống mới này sẽ phải tạo dựng và duy trì thế cân bằng giữa giới chức lãnh đạo tôn giáo với các biện pháp chính sách mới. Bởi vậy, những quyết sách lớn sẽ chưa thể có mà mới chỉ là sự điều chỉnh cục bộ cả về đối nội lẫn đối ngoại ở giai đoạn cầm quyền đầu tiên của tân Tổng thống I-ran Hát-xan Rô-ha-ni.

Những điều chỉnh ấy được ông H. Rô-ha-ni đề cập đến trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi thắng cử. Qua đó, người ta có thể thấy ông H. Rô-ha-ni không tiếp tục nguyên tắc cầm quyền của người tiền nhiệm mà sẽ ôn hòa và hợp tác xây dựng hơn. Ông H. Rô-ha-ni cho biết, chính phủ mới sẽ bao gồm cả người của phe cải cách lẫn phía bảo thủ, sẽ xây dựng và phát triển xã hội mà trong đó tiếng nói của công dân, công đoàn và nghiệp đoàn được lắng nghe và coi trọng. Tân Tổng thống I-ran H. Rô-ha-ni cam kết sẽ tăng lương tối thiểu, chống lạm phát và tiếp tục tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Mục tiêu được ông H. Rô-ha-ni theo đuổi là khắc phục sự phân hóa trong nội bộ xã hội, sự phân bè chia phái trên chính trường, tập trung phát triển kinh tế và đưa I-ran dần ra khỏi sự cô lập và bao vây bởi chính sách cấm vận và trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây.

Tân Tổng thống H. Rô-ha-ni đề cập, nhưng không nói cụ thể, tới những định hướng mới trong chính sách đối ngoại với mục tiêu là cải thiện quan hệ với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, trong hai vấn đề mấu chốt nhất đối với I-ran hiện tại là vấn để hạt nhân và tình hình Xy-ri thì không có dấu hiệu điều chỉnh nào ngoài việc ông tuyên bố sẽ minh bạch hơn và tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề hạt nhân. Rõ ràng là phạm vi quyết định của tổng thống trong vấn đề này chỉ có hạn và ông H. Rô-ha-ni chưa thể chạm ngay tới, lại càng chưa thể nói là dám thay đổi khi tương quan quyền lực giữa tổng thống ở một phía với quốc hội do phe bảo thủ kiểm soát cùng với Hội đồng Giám sát tôn giáo ở phía bên kia.

Tuy nhiên, vị tân tổng thống của I-ran đã khơi dậy được hy vọng về sự thay đổi ở I-ran và đáp ứng hy vọng này sẽ là một thách thức lớn. Để làm được việc đó, ông H. Rô-ha-ni cần phải tận dụng cơ hội do kết quả bầu cử tổng thống này đưa lại, cũng như tranh thủ bộ phận ôn hòa ở phe bảo thủ, tránh đối đầu với giới chức lãnh đạo tôn giáo, đồng thời khích lệ phía cải cách không nản chí và định hình lại toàn bộ mối quan hệ với các đối tác bên ngoài. Có thể dự đoán thấy trong khi chưa sớm có thể có được chuyển biến cơ bản trong vấn đề hạt nhân của I-ran, I-ran sẽ bớt găng và đối đầu với Mỹ, các nước phương Tây và I-xra-en cũng như sẽ có thái độ xây dựng hơn trong các vấn đề chính trị - an ninh hiện đang sôi động ở khu vực./.

Theo TCCS


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất