Theo một công trình nghiên cứu đăng tải trên tập san khoa học
Biến đổi khí hậu tự nhiên của Anh ra ngày 9/6, sự tiến triển không thể kiểm soát
về tình trạng ấm lên trên toàn cầu sẽ làm tăng nguy cơ lũ lụt trên 42% diện tích
bề mặt Trái Đất, chủ yếu ở châu Á và châu Phi, vào cuối thế kỷ 21
này.
Trong công trình nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu do nhà khoa học
Yukiko Hirabayashi thuộc Học viện Đổi mới Kỹ thuật của Đại học Tokyo (Nhật Bản)
đứng đầu, ước tính rằng nếu từ nay đến năm 2100, nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 3,5
độ C thì số người có nguy cơ chịu lũ lụt sẽ tăng từ con số 5,6 triệu hiện nay
lên tới 80 triệu người.
Tần số lũ lụt sẽ tăng trên diện rộng ở khu vực
Nam Á, Đông Nam Á, Đông Bắc Á-Âu, Đông và Nam châu Phi, và Nam Mỹ. Tuy nhiên,
công trình nghiên cứu này cũng cho thấy tần số lũ lụt được dự đoán sẽ giảm tại
một số khu vực cụ thể chiếm khoảng 18% diện tích bề mặt Trái Đất.
Cảnh
báo trên được nhóm nghiên cứu đưa ra dựa trên thông tin về 11 mô hình khí hậu
hiện tại và một chương trình riêng của nhóm này được thiết kế để dự báo lũ trên
các con sông.
Nhóm các nhà nghiên cứu này cho rằng nếu Trái Đất tiếp tục
ấm lên mà không có các biện pháp hiệu quả để đối phó, thì cứ mỗi 10 đến 50 năm
sẽ có một lần hàng loạt trận lũ lụt ồ ạt xảy ra trên rất nhiều sông trong số 29
con sông lớn của thế giới, trong khi hiện nay tần số đó xảy ra là một lần trong
một thế kỷ.
Do đó, các nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc
cân nhắc nguy cơ lũ lụt khi đặt mục tiêu giảm phát thải các khí gây hiệu ứng nhà
kính vốn là nguyên nhân dẫn tới tình trạng ấm lên trên Trái
Đất./.
(TTXVN)