Thứ Tư, 20/11/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 8/5/2009 10:58'(GMT+7)

Tân Tổng thống “đất nước cầu vồng” gánh nặng trên vai

Tổng thống đắc cử Gia-cốp Du-ma. Ảnh:AP

Tổng thống đắc cử Gia-cốp Du-ma. Ảnh:AP

Vượt qua tai tiếng

Năm 2005 tưởng chừng sẽ là năm đánh dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị đang chói sáng của ông G. Du-ma khi Tổng thống Nam Phi Tha-bô Mờ-bê-ki cách chức Phó tổng thống của ông Du-ma vì bị nghi tham nhũng. Đến nay, ông vẫn chưa một lần bị tuyên án vì toà không đủ bằng chứng kết tội ông. Ngoài ra, ông còn bị phe đối lập đem chuyện riêng tư ra bàn tàn để chống lại ông.

Nhưng mọi vụ kiện và rắc rối chống lại ông đều vô hiệu dù tranh cãi chưa hẳn đã chấm dứt và ông đã vượt qua tất cả để tiếp tục trở thành nhân vật nổi bật trên chính trường Nam Phi. Năm 2007 được cho là năm đánh dấu sự trở lại chính thức của ông G. Du-ma. Trong khi cuộc điều tra tham nhũng vẫn lơ lửng trên đầu, ông đã nhận được nhiều lá phiếu tín nhiệm để trở thành Chủ tịch ANC, mở đường cho ông tiến tới chiếc ghế quyền lực cao nhất ở Nam Phi. Chiến thắng của ông giúp hàn gắn rạn nứt trong nội bộ ANC. Đó cũng là dịp vị tân chủ tịch ANC tạo dựng uy tín để trở thành Tổng thống tương lai. Trước tình trạng đối đầu trên chính trường Nam Phi, giới phân tích lo ngại nó có thể dẫn tới hệ quả xấu đối với nền kinh tế mà tệ nhất là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rời bỏ Nam Phi. Chủ tịch ANC G. Du-ma khi đó đã xoa dịu mối lo ngại với hứa hẹn sẽ không có những biến động nghiêm trọng với kinh tế Nam Phi. Nói là làm, vốn nổi tiếng với tài thuyết phục, ông đã thành công khi đề nghị Bộ trưởng Tài chính ở lại nội các để tiếp tục duy trì nền kinh tế ổn định, mặc dù ông này đã ngỏ ý sẽ rút lui cùng với Tổng thống Tha-bô Mờ-bê-ki khi ông kết thúc nhiệm kỳ. Năng lực và tài thuyết phục của ông còn được đánh giá cao trong các cuộc đàm phán hòa bình tại Bu-run-đi mà Nam Phi đóng vai trò trung gian. Ông còn mời được một số nhân vật quan trọng của các chính đảng khác vào các vị trí cao cấp của ANC trong nhiệm kỳ mới.

Chủ tịch ANC cũng tạo được niềm tin khi nhấn mạnh mối quan tâm của mình đối với cuộc chiến chống HIV/AIDS vốn là một trong những nguyên nhân khiến chính quyền của ông Tha-bô Mờ-bê-ki mất điểm.

Nền tảng từ quá khứ anh hùng

Không chỉ được coi là biểu tượng đại diện cho người dân nghèo tại Nam Phi, ông còn luôn biết lắng nghe tiếng nói của những người “thấp cổ, bé họng” bị áp bức, và cũng được xem như một hình mẫu trong cuộc chiến chống lại sự thống trị của cộng đồng da trắng thiểu số. Thậm chí, những đồng minh của ông như Đảng Cộng sản Nam Phi hay tầng lớp thương gia hậu thuẫn nhiều cho ông còn tin rằng, ông là người có thể phân chia lại tài sản của Nam Phi cho người nghèo.

Chính những năm tháng quá khứ hoạt động trong phong trào chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, đòi tự do cho dân tộc Nam Phi của ANC đã đem lại cho ông danh tiếng ấy cũng như những lá phiếu ủng hộ ông làm tổng thống như hiện nay. Xuất thân từ nghèo khó, 17 tuổi ông gia nhập ANC và 18 tuổi đã tham gia lực lượng quân sự của đảng này, cầm súng chiến đấu chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Ông từng bị tống giam 10 năm chung nhà tù với lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Phi Nen-xơn Man-đê-la tại đảo Rốp-ben vì hoạt động phong trào. Không được học hành bài bản, nhưng ông luôn tự hào về quãng thời gian tự học và rèn luyện ở Rốp-ben. Mãn hạn, ông lại tiếp tục bôn ba tham gia phong trào, xây dựng căn cứ hoạt động bí mật của ANC trong và ngoài nước (Xoa-di-len, Mô-dăm-bích, Dăm-bi-a) với các cương vị lãnh đạo khác nhau cho tới ngày giành thắng lợi, chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Khi nền dân chủ lần đầu tiên được hình thành ở Nam Phi năm 1994, Tổng thống Nen-xơn Man-đê-la đã chọn ông làm Phó tổng thống. Nhưng ông đã có hành động cao thượng được ca ngợi, đó là nhường lại vị trí này cho người bạn chiến đấu Tha-bô Mờ-bê-ki, sau này kế nhiệm ông Nen-xơn Man-đê-la.

Thách thức người cầm lái

Sự trải nghiệm qua quãng thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp chính trị đã khẳng định bản lĩnh của người chiến sĩ ANC từng vào sinh ra tử G. Du-ma với những phẩm chất đặc biệt. Tuy nhiên, còn vô số những thách thức đang chờ vị tân Tổng thống 67 tuổi này. Đó là nạn tội phạm nghiêm trọng nhất thế giới hoành hành ở Nam Phi; nền kinh tế khó khăn thách thức mục tiêu thành cường quốc của đất nước; những dấu hiệu chia rẽ chủng tộc vẫn tiềm ẩn và căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS thuộc hàng cao nhất thế giới, rồi vai trò trung gian của Nam Phi trong giải quyết một số cuộc khủng hoảng trong khu vực…

Ông G. Du-ma cam kết theo đuổi các chính sách vì người nghèo nhiều hơn, như cải thiện điều kiện nhà ở, giáo dục và dịch vụ cho người da đen chiếm đa số. Sự thiệt thòi trong con đường học hành đã khuyến khích ông thành lập một quỹ giáo dục giúp 20 nghìn trẻ em nghèo ở Nam Phi có cơ hội được tới trường. Ngoài ra, ông cam kết không ủng hộ dự luật miễn trừ truy tố hình sự đối với các lãnh đạo đất nước, đặt hệ thống chính quyền dưới sự giám sát của Quốc hội, minh bạch hóa tài sản công chức, chấm dứt sự thiên vị màu da trong hoạt động kinh tế...

Người dân Nam Phi trông đợi tân Tổng thống G. Du-ma biến các cam kết này thành hiện thực để đưa đất nước Nam Phi tới con đường phát triển./.

(Theo Báo QĐND điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất