Đảng ta xác định: Bảo vệ chính trị nội bộ chính là bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ đội ngũ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, bảo đảm cho cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Bảo vệ chính trị nội bộ luôn là yêu cầu khách quan, nhiệm vụ cần kíp, cấp bách hiện nay, bởi vì: (1) Bảo vệ chính trị nội bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là mỗi khi cách mạng chuyển sang giai đoạn mới, Đảng ta đều đề ra chủ trương, biện pháp bảo vệ chính trị nội bộ cho phù hợp với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Đảng, Nhà nước và thành quả cách mạng; phê phán những quan điểm sai trái, thù địch, phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội. (2) Thực hiện nghiêm chế độ, thủ tục, quy định, quy chế quản lý cán bộ, đảng viên trong nội bộ, giữ gìn kỷ luật phát ngôn, bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật nội bộ của Đảng. Đảng ta coi đây là khâu có ý nghĩa quyết định đối với việc tổ chức triển khai, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. (3) Nghiên cứu, phát hiện và xử lý kịp thời những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất, những đối tượng bị các tổ chức phản động móc nối, lôi kéo, mua chuộc cài cắm vào nội bộ ta. Không để sơ hở, lộ lọt, mất thông tin, bí mật quốc gia để các thế lực thù địch lợi dụng viết bài, tung tin xấu, độc, chống đối Đảng, Nhà nước và chế độ. (4) Mấu chốt của bảo vệ chính trị nội bộ là nắm chắc tình hình chính trị nội bộ của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và tổ chức đảng, giải quyết thỏa đáng những vấn đề vướng mắc, thực hiện tốt chủ trương lấy phòng ngừa, chủ động giữ vững bên trong là chính.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định bài học kinh nghiệm về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là “làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ...”. Đồng thời, xác định “tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chú trọng nắm vấn đề chính trị hiện nay. Chủ động đấu tranh, phòng ngừa có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị, nhất là các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Kiên quyết đấu tranh xử lý nghiêm những cán bộ có động cơ sai trái, tư tưởng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, những cán bộ, đảng viên, những người lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội để xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ”.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI xác định: Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; các biện pháp bảo vệ bí mật, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động của Đảng, Nhà nước và quân đội. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động xâm nhập, cài cắm, móc nối, phá hoại nội bộ của các thế lực thù địch, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để xây dựng Quân đội ta tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.
Phương châm của công tác bảo vệ chính trị nội bộ là chủ động phòng ngừa là chính, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm những vi phạm của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ; thận trọng đánh giá, khách quan khi giải quyết các vấn đề chính trị nội bộ. Trong xem xét lịch sử chính trị với những vấn đề chính trị hiện nay, thì xem xét vấn đề chính trị hiện nay là chính; giữa bản thân với quan hệ gia đình thì bản thân là chính; giữa quản lý đầu vào với xử lý đầu ra thì quản lý đầu vào là chính; giữa xử lý với sử dụng thì sử dụng là chính. Qua đó, giải đáp được các câu hỏi: Hiện tại người cán bộ, đảng viên như thế nào, có đủ tiêu chí, tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, có đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới hay không?.
Trong thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương, Quân ủy Trung ương đến tổ chức cơ sở đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; nắm chắc tình hình, rà soát, thẩm tra vấn đề lịch sử chính trị và chính trị hiện nay nên công tác bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đề bạt cán bộ, phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác nhân sự. Kết quả nổi bật của công tác bảo vệ chính trị nội bộ là đã góp phần quan trọng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội cũng như củng cố niềm tin của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và quân đội; cán bộ, chiến sĩ quân đội cùng toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ chính trị nội bộ vẫn còn những hạn chế nhất định cần phải tiếp tục giải quyết tốt hơn, nhất là khắc phục sự bị động, lúng túng trong rà soát, thẩm tra, xác minh, thẩm định, kết luận về tiêu chuẩn chính trị của các đối tượng; nắm và quản lý tình hình chính trị nội bộ sâu sát, kịp thời hơn. Thực hiện các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước của một số cơ quan, đơn vị, cá nhân cần nghiêm túc hơn, không để xảy ra sơ hở, mất cảnh giác, kể cả ở cơ quan, đơn vị, vị trí trọng yếu, cơ mật. Cùng với đó, phải phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ ở một số cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên, chặt chẽ hơn.
Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là tác động, ảnh hưởng tiêu cực của cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đến cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân, điều đó đặt ra nhiều vấn đề mới cho công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới. Vì vậy, cần nghiên cứu, thực hiện các yêu cầu để góp phần: (1) Hạn chế đến mức thấp nhất những tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình thế giới, khu vực đến tâm lý, tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và một số tác động tiêu cực đến tình hình chính trị nội bộ. (2) Giải quyết kịp thời những vấn đề mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ. (3) Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ vi phạm các tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác bảo vệ chính trị nội bộ, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố và nâng cao uy tín; xây dựng niềm tin của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội.
Để làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp, biện pháp cụ thể, khả thi để nâng cao hơn nữa trình độ nhận thức, hiểu biết về vị trí, vai trò, nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ của công tác bảo vệ chính trị nội bộ cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy.
Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa công tác bảo vệ chính trị nội bộ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Ba là, chấp hành nghiêm và thực hiện đầy đủ, hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước, quân đội về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác cán bộ, nhất là các quy định về bảo mật, không để lộ, lọt, mất thông tin; không viết bài, đưa tin, phát ngôn sai quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong xã hội và trong quân đội; thực hiện nghiêm Quy định số 126-QĐ/TW ngày 28-2-2018 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về quy định những điều đảng viên không được làm. Thực hiện tốt các phương châm trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ nhằm không bỏ sót những người có năng lực, trình độ trong quá trình thực hiện công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Bốn là, thường xuyên thực hiện tốt công tác nắm tình hình, rà soát chính trị nội bộ. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và có biện pháp sử dụng, quản lý cán bộ, đảng viên phù hợp đối với những trường hợp có vấn đề chính trị. Thực hiện tốt hơn nữa việc kê khai bổ sung lý lịch đảng viên, kiểm tra thẻ đảng, hộ chiếu, các giấy tờ liên quan đến cán bộ, đảng viên, chiến sĩ; kê khai các hoạt động đi ra nước ngoài, quan hệ với nước ngoài của cán bộ, đảng viên để kịp thời phát hiện vi phạm và uốn nắn.
Năm là, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ làm công tác bảo vệ an ninh ở các cấp. Chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan, cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Nâng cao ý thức trách nhiệm, niềm vinh dự, tự hào của cán bộ, đảng viên được bổ nhiệm, đề bạt, cử đi học, ra nước ngoài. Đồng thời, xem xét kỹ lưỡng về mặt chính trị, nhất là việc nhận xét, đánh giá bảo đảm của cơ quan bảo vệ an ninh theo phân cấp.
Bảo vệ chính trị nội bộ là nội dung hết sức quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị. Với sự quyết tâm cao, công tác bảo vệ chính trị nội bộ sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tốt góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.
Theo qdnd.vn