Ngày 27-8, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) phối hợp tổ chức Hội nghị việc thực hiện chính sách, pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên (CSSKSS/SKTD VTN/TN). Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban và bà Ritsu Nacken, Phó Trưởng đại diện UNFPA chủ trì Hội nghị.
Những hạn chế, tồn tại trong công tác CSSKSS/SKTD VTN/TN
Tại hội nghị, ông Đào Trọng Thi nhấn mạnh, Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số “vàng”, trong đó vị thành niên và thanh niên (từ 10 đến 30 tuổi) chiếm gần 40% dân số, là nguồn lực quan trọng của đất nước. Thế hệ trẻ hiện nay đang sống trong môi trường xã hội mới, có nhiều cơ hội để phát triển song cũng có không ít nguy cơ và thách thức; trong đó có nhiều nguy cơ về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Thực trạng này sẽ gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng và kéo dài đối với một bộ phận vị thanh niên, thanh niên cũng như gia đình và xã hội; làm ảnh hưởng tới nguồn nhân lực của đất nước. Chăm sóc SKSS/SKTD cho VTN/TN đã và đang đóng vai trò quan trọng trong nâng cao sức khỏe nói chung, đảm bảo duy trì thế hệ khỏe mạnh tiếp theo.
Theo Báo cáo kết quả khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về CSSKSS/SKTD VTN/TN của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bước đầu, công tác này đã được chính quyền, ngành y tế, đoàn thể các cấp quan tâm thực hiện. Các chỉ số liên quan về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên đã được cải thiện trong nhiều năm qua. Công tác tuyên truyền, giáo dục, tư vấn được triển khai với nhiều hình thức tại cộng đồng, nhà trường, cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như của vị thành niên, thanh niên về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, từng bước giảm dần rào cản trong việc tiếp cận thông tin, thúc đẩy các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho thanh niên,vị thành niên ngày càng hoàn thiện hơn. Độ bao phủ của các dịch vụ này ngày càng được mở rộng. Các dịch vụ lâm sàng, cận lâm sàng, điều trị, chăm sóc sức khỏe sinh sản của các cơ sở y tế đã từng bước được kiện toàn, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn; công tác phối hợp giữa các ngành và đàon thể đã đạt được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến SKSS/SKTD VTN/TN vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong việc xây dựng các chính sách, triển khai thực hiện. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác CSSKSS/SKTD VTN/TN còn thiếu đồng bộ, nhất là giữa các khâu tuyên truyền, tư vấn, cung cấp dịch vụ.
Đội ngũ cán bộ y tế tại một số cơ sở còn thiếu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ không đồng đều, hiệu quả tư vấn, cung cấp dịch vụ kỹ thuật CSSKSS/SKTD VTN/TN chưa cao. Việc duy trì, nhân rộng mô hình về CSSKSS/SKTD cho VTN/TN gặp rất nhiều khó khăn.
Nhu cầu chưa được đáp ứng về tránh thai trong thanh niên rất cao. Theo phân tích từ dữ liệu điều tra, đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam MICS 2010 cho biết, nhu cầu ở nhóm thanh niên tuổi từ 15-19 lên tới 34,5% và nhóm 20-24 tuổi là 34,6%. Số lượng các cơ sở cung cấp dịch vụ SKSS còn thiếu so với nhu cầu cuả VTN/TN. Chất lương dịch vụ tư vấn và can thiệp chăm sóc sức khỏe sinh sản chuyên biệt còn hạn chế, chưa dễ dàng, thuận tiện để VTN/TN tiếp cận, đặc biệt đối với đối tượng trẻ em chưa lập gia đình, đang có tình trạng thu hẹp dịch vụ và duy trì mang tính hình thức. Chất lượng các dịch vụ SKSS/SKTD do các cơ sở y tế tư nhân cung cấp chưa được quản lý chặt chẽ, kiểm tra, giám sát thường xuyên. Nhận thức, kiến thức của VTN/TN về giới tính, tình dục an toàn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, khả năng xử lý các vấn đề liên quan đến SKSS/SKTD VTN/TN và thực hành phòng tránh thai còn thấp. Theo báo cáo của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, từ năm 2006-2011, cả nước có khoảng 5.600 vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện, số vụ hiếp dâm trẻ em chiếm gần 66%. Chỉ có khoảng 20,7% VTN/TN sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ đầu tiên.
Trên thực tế đó, bà Ritsu Nacken, cho rằng, các dịch vụ CSSKSS/SKTD VTN/TN phải thân thiện, giá thành phải chăng, bảo đảm sự tối mật, riêng tư. Cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng đối với các dịch vụ SKSS/SKTD của cả hệ thống nhà nước và tư nhân. Bên cạnh đó, luật và các chính sách phải thực sự hướng tới người trẻ, thanh niên. UNFPA cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trên các phương diện để làm tốt hơn vấn đề này trong thời gian tới.
Tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, đoàn thể trong hoạt động CSSKSS/SKTD VTN/TN
Qua thực tế triển khai công tác SKSS/SKTD cho VTN/TN những năm qua, tại Hội nghị, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục kiến nghị, cần sớm ban hành Luật thanh niên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.
Điều chỉnh độ tuổi quy định trong Luật để hội nhập cùng quốc tế về mặt y tế và chăm sóc sức khỏe. Hiện nay, Luật Thanh niên quy định độ tuổi của thanh niên là từ đủ 16-30 tuổi. Xin xem xét mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đối với cả lứa tuổi Vị thành niên, cụ thể là: tuổi vị thành niên từ 10-19 tuổi, thanh niên từ 15-24 tuổi và thanh niên muộn là từ 25-30 tuổi. Việc bổ sung, sửa đổi Luật thanh niên cần theo hướng tiếp cận với Quyền và trách nhiệm của VTN/TN – bổ sung quyền được học tập giáo dục và giới tính, kỹ năng sống trong hệ thống trường học; trong đó cần khẳng định VTN/TN có quyền được tiếp cận chính thống, dịch vụ tư vấn và dịch vụ chăm sóc sức khỏe thân thiện đối với VTN/TN có chất lượng. Đưa các chỉ số theo dõi về VTN/TN vào các chỉ tiêu giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp, đặc biệt là chỉ tiêu đầu tư kinh phí cho hoạt động CSSKSS/SKTD VTN/TN cũng như các chỉ tiêu theo dõi hàng năm của Tổng cục thống kê.
Cần có sự tăng cường, phối hợp giữa các Bộ, ngành, đoàn thể trong các hoạt động truyền thông về CSSKSS/SKTD VTN/TN. Tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính, truyền thông về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, giáo dục kỹ năng sống, bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong giáo dục nói riêng.
Chú trọng phối hợp giữa gia đình và nhà trường, cộng đồng, giáo dục giới tính, truyền thông về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, giáo dục kỹ năng sống, chống kỳ thị, phân biệt đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Đảm bảo an toàn, thân thiện trong các dịch vụ y tế triển khai tại các cơ sở giáo dục.
Bộ Nội vụ đã lựa chọn và quyết định trọng tâm của ngành Nội vụ năm 2015 là “nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho những người làm công tác quản lý nhà nước về thanh niên”. Trong đó, ưu tiên mục tiêu là trang bị cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về thanh niên ở các cấp, các ngành, kỹ năng về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của thanh niên, vị thành niên. Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ công, công chức này duy trì hoặc phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc bộ, ngành trung ương, các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND các cấp tỉnh, huyện, xã lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe cho thanh niên khi xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp.
UNFPA cũng khuyến nghị, Chính phủ cần hỗ trợ người trẻ và các tổ chức của thanh niên gia tham gia vận động và ra quyết định trong các vấn đề về quyền, pháp lý liên quan đến SKSS TN/VTN. Đảm bảo quyền cho người trẻ trong việc tham gia vào việc phát triển chính sách, thực hiện và đánh giá chương trình. Cần ban hành luật pháp bảo đảm quyền của người trẻ trong việc đạt được tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất: trong đó có quyền tiếp cận thông tin và giáo dục cần thiết cho sự phát triển và sức khỏe bao gồm cả SKSS/SKTD của VTN/TN và quyền được tiếp cận các dịch vụ SKSS/SKTD nhạy cảm với nhu cầu của VTN/TN.
“Dân số vàng” là nguồn nhân lực quan trọng đối với việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không phải ngẫu nhiên, Liên Hợp quốc đã lấy chủ đề ngày dân số thế giới năm 2013 là “Mang thai ở tuổi vị thành niên” và năm 2014 là “Đầu tư cho thanh niên – ngay từ lúc này, không thể chậm trễ hơn”, điều đó chứng tỏ có sự quan tâm lớn đến giới trẻ. Sau Hội nghị này, chắc chắn sẽ có nhiều chính sách, pháp luật được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới, đặc biệt tăng cường đầu tư hơn nữa thông qua các chương trình riêng biệt để thanh niên, vị thành niên dễ dàng tiếp cận, tìm đến các dịch vụ CSSKSS/SKTD đảm bảo duy trì thế hệ tiếp theo khỏe mạnh, góp phần xây dựng nguồn nhân lực của đất nước.
Thu Hằng