Thứ Năm, 21/11/2024
Lý Luận
Thứ Tư, 8/11/2023 15:37'(GMT+7)

Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII. (Ảnh: TTXVN)

VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA CÔNG TÁC BẢO VỆ CHÍNH TRỊ NỘI BỘ

Từ khi Đảng thành lập đến nay, công tác bảo vệ chính trị nội bộ đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, liên quan đến sự sống còn của Đảng, sự tồn vong của chế độ; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. Trong suốt chiều dài lịch sử đó, Đảng ta luôn đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo đất nước, nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của công tác bảo vệ chính trị nội bộ, Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong những bài học kinh nghiệm về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(1); đồng thời, nêu một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, đó là: “Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; nắm chắc lịch sử chính trị và chú trọng vấn đề chính trị hiện nay. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị. Bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; bảo vệ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ cán bộ, đảng viên về mặt chính trị; bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc. Kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm những cán bộ có động cơ sai trái, tư tưởng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội... để xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ”(2).

Theo đó, công tác bảo vệ chính trị nội bộ đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy, tổ chức đảng đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đạt được nhiều kết quả quan trọng: 1) Nhận thức, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ chính trị nội bộ, về những yêu cầu đặt ra đối với công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong giai đoạn hiện nay không ngừng được nâng lên, tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ. Hệ thống văn bản về công tác bảo vệ chính trị nội bộ được rà soát, bổ sung, sửa đổi phù hợp với yêu cầu của tình hình mới; 2) Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được đẩy mạnh, góp phần quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; 3) Công tác rà soát, thẩm định, thẩm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị, nhất là vấn đề chính trị hiện nay của cán bộ, đảng viên được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, bài bản, khoa học và hiệu quả hơn; qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn chính trị lọt vào tổ chức, mưu đồ “chui sâu, leo cao”, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng công tác cán bộ, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ cán bộ; 4) Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng; hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp được đẩy mạnh, đạt kết quả khá toàn diện, nhất là ở cấp Trung ương. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, kỷ cương, kỷ luật trong Đảng được siết chặt hơn, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; 5) Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đạt nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt; được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận; 6) Công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; chủ động đấu tranh kịp thời, hiệu quả, từng bước đẩy lùi các loại tội phạm; phòng ngừa và ứng phó kịp thời với các mối đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống; làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động...

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI CÔNG TÁC BẢO VỆ CHÍNH TRỊ NỘI BỘ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Những năm gần đây, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, đem lại nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước, nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội đẩy mạnh hoạt động chống phá, triệt để lợi dụng không gian mạng hòng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, kích động, xuyên tạc, tập hợp lực lượng chống phá Đảng, Nhà nước, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những thành tựu cách mạng, thành quả trong điều hành và phát triển đất nước, lan truyền thông tin sai sự thật, vô căn cứ, quy chụp về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề “dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo”... hòng gieo rắc sự hoài nghi, kích động, làm mất đoàn kết nội bộ, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh móc nối, tuyển lựa cơ sở, mua chuộc, lôi kéo cán bộ, đảng viên không vững vàng về tư tưởng, lập trường, thoái hóa, biến chất, cơ hội chính trị, đồng thời tìm cách “tiêm nhiễm” tư tưởng cực đoan, nhằm gây mất ổn định chính trị, “tự chuyển hóa” từ bên trong...

Cùng với các yếu tố tác động từ bên ngoài nêu trên, cũng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp bên trong. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên diễn ra phức tạp. Một số cán bộ, đảng viên đã có biểu hiện dao động, mất phương hướng, hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; công khai nói, viết, phát tán tài liệu, hồi ký, trả lời phỏng vấn đài, báo nước ngoài trái với Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ của Đảng, trái với thuần phong, mỹ tục, phủ nhận lịch sử vẻ vang của dân tộc, của cách mạng; tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chạy theo lối sống thực dụng, lợi dụng chức quyền, vị trí công tác, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách để trục lợi, làm giàu bất chính... còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, dưới tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, xung đột giữa các nước lớn, nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới... khiến cho chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức lớn, vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh, vừa phải xử lý các vấn đề yếu kém, tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước để lại.  

Bên cạnh đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn một số bất cập, hạn chế: 1) Việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa kịp thời, chưa sát thực tế; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số chủ trương, nghị quyết có nơi, có lúc chưa quyết liệt, còn yếu kém, chậm trễ; 2) Việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên; công tác thông tin, tuyên truyền một số đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa kịp thời; trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi tính chiến đấu chưa cao, hoặc còn bị động, lúng túng; việc dự báo, nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và định hướng dư luận xã hội có lúc chưa kịp thời; kết quả thực hiện một số chủ trương của Đảng về quản lý báo chí, truyền thông, xuất bản, quản lý internet, mạng xã hội chưa đáp ứng yêu cầu; 3) Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn thấp; công tác phát triển đảng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo đạo, vùng nông thôn và trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước còn nhiều khó khăn; kết nạp đảng viên ở một số nơi còn chạy theo số lượng, chưa coi trọng đúng mức chất lượng; 4) Việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về một số nội dung trong công tác cán bộ còn chậm, còn một số nội dung chưa thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước với quy định của Đảng; đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu; chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc; nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu về yêu cầu, nhiệm vụ công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới chưa thật đầy đủ, sâu sắc, toàn diện; hiện tượng lộ, lọt bí mật, phát ngôn không đúng quy định vẫn còn xảy ra, nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời; 5) Ở một số cấp ủy, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong tình hình mới, chất lượng, hiệu quả chưa đồng đều ở các cấp; việc kiểm tra, giám sát thực hiện một số nghị quyết của Đảng chưa thường xuyên; công tác kiểm tra ở một số nơi thiếu trọng tâm, trọng điểm; việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng vẫn là khâu yếu; 6) Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa chuyển biến rõ rệt; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi; thể chế về quản lý kinh tế - xã hội góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực còn bất cập; cơ chế kiểm soát quyền lực đối với tổ chức và người có chức vụ, quyền hạn chưa đủ mạnh; việc kiểm soát tài sản, thu nhập chưa chặt chẽ, hiệu quả... 

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC BẢO VỆ CHÍNH TRỊ NỘI BỘ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đòi hỏi có quyết tâm chính trị cao, dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình, chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là “tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”(3). Để góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, công tác bảo vệ chính trị nội bộ cần được tăng cường và tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy và người đứng đầu về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới. Xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ.

Thứ hai, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận(4) của Trung ương về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nhất là Chỉ thị số 39-CT/TW, Kết luận số 72-KL/TW...; tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; kịp thời phát hiện, khắc phục vướng mắc, hạn chế nảy sinh trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai chủ trì Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương. (Ảnh: TTXVN)

Thứ ba, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh trên cơ sở quán triệt sâu sắc và kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về "Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu; nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ đi đôi với đấu tranh tự phê bình và phê bình. Thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước về bố trí, quản lý cán bộ, đảng viên làm việc tại bộ phận trọng yếu, cơ mật, thường xuyên có quan hệ tiếp xúc với cá nhân, tổ chức nước ngoài. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Thứ tư, nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; lấy phòng ngừa, ngăn chặn, triệt tiêu các nguy cơ từ gốc là nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên. Tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, quản lý tốt hoạt động báo chí, truyền thông, mạng xã hội, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; xử lý nghiêm cán bộ có động cơ sai trái, tư tưởng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, lợi dụng phương tiện thông tin để xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ.

Thứ năm, công tác rà soát, thẩm định, thẩm tra, xác minh và kết luận về tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, đảng viên cần bảo đảm kỹ lưỡng, cẩn trọng, khách quan, đúng quy định, phục vụ hiệu quả việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược khóa XIV, công tác kết nạp đảng viên và tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ. Chuyển trọng tâm từ nắm vững và giải quyết vấn đề lịch sử chính trị sang vấn đề chính trị hiện nay.

Thứ sáu, hoàn thiện cơ chế phối hợp và đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa cơ quan tham mưu về bảo vệ chính trị nội bộ các cấp với các cơ quan chức năng liên quan trong việc nắm tình hình và giải quyết các vấn đề chính trị nội bộ. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tập hợp, vận động nhân dân tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, đặc biệt là trong công tác kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Thứ bảy, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng về công tác bảo vệ chính trị nội bộ tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; qua đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chấn chỉnh thiếu sót, hướng dẫn đồng bộ, nhất quán việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ cho cơ quan, đơn vị cũng như đội ngũ cán bộ chuyên trách bảo vệ chính trị nội bộ.

Thứ tám, tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách bảo vệ chính trị nội bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, trong đó cần tập trung nâng cao chất lượng công tác, tinh thần trách nhiệm, đạo đức cách mạng cho đội ngũ này. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn của công tác và chế độ, chính sách phù hợp để tạo điều kiện, động lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ chín, lãnh đạo công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về lao động, công đoàn, bảo đảm phòng ngừa nguy cơ liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.

Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng. Tình hình trong nước và quốc tế hiện nay đang đặt ra cho công tác bảo vệ chính trị nội bộ yêu cầu và nhiệm vụ mới, đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, với phương châm chủ động, giữ vững bên trong là chính, phòng ngừa từ sớm, từ xa các nguy cơ, nhân tố có thể gây mất ổn định chính trị, xã hội, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đưa đất nước bước sang một giai đoạn phát triển mới./.

TS. PHAN THĂNG AN
Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương
Ủy viên Thường trực Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương

_________________________   

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.96.

(2) (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.II, tr.244 - 245, 334.

(4) Như: Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 18/8/2014 của Bộ Chính trị về "Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay”; Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Kết luận số 72-KL/TW, ngày 19/5/2020 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay”; Quy định số 58-QĐ/TW, ngày 8/2/2022 của Bộ Chính trị về “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”.

(Nguồn: TC Cộng sản)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất