Quả vậy, nhưng không phải đến Đại hội, các đại biểu trong tỉnh mới nhận thấy những kết quả mà Ngành LĐ-TB-XH đạt được trong những năm qua là nhờ có sự chung tay, chung sức, chung lòng của Ủy ban MTTQ các cấp, mà ngay trong cuộc sống hàng ngày, sự phối hợp, vào cuộc nhanh chóng của lực lượng tập hợp “khối đại đoàn kết toàn dân”, đã trở thành sự hiển nhiên trong lòng xã hôi, trong các cộng đồng dân cư, được thể hiện trong từng phong trào, từng cuộc vận động, từng nội dung hoạt động của Ngành LĐ-TB-XH. Công tác phối hợp, không chỉ tạo nên phong trào mà còn làm cho sức lan tỏa nhanh chóng, phát triển sâu rộng trong nhân dân, thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, thực hiện tốt chính sách xã hội và chính sách đối với người có công. Báo cáo tham luận cũng bày tỏ, với một tỉnh miền núi biên giới có địa hình khá khá phức tạp, khó khăn; nguồn lực (bao gồm cả nhân lực, vật lực) của ngành còn nhiều hạn hẹp, với nhiều bất cập; đời sống của cán bộ công nhân viên còn nhiều thiếu thốn; các đối tượng thụ hưởng chính sách xã hội ngày càng tăng theo hướng đa dạng, nếu không có sự phối hợp, cộng sức của hệ thống MTTQ và các tổ chức thành viên thì chắc chắn khó khăn sẽ còn nhân lên gấp bội lần.
Xác định rõ điều đó, trong nhiệm kỳ 2009 – 2014 của Uỷ ban MTTQ tỉnh Lai Châu, Sở LĐ-TB-XH và Uỷ ban MTTQ tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình phối hợp, tuyên truyền, phổ biến và thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, chính sách xã hội và các chế độ đối với người có công tới các tầng lớp nhân dân, tạo dựng niềm tin, phấn khởi của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và xã hội. Nhiều mặt hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, trở thành điển hình trong tỉnh, trong khu vực các tỉnh Tây Bắc và cả nước.
Một là, về công tác người có công: Phát huy lợi thế của Mặt trận các cấp, là lực lượng có uy tín, gần dân, sát dân, nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; cũng là lực lượng am hiểu về chủ trương, chính sách, pháp luật, vững vàng trong thực tiễn, được nhân dân tín nhiệm, cán bộ mặt trân đã đảm nhiệm việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, của tỉnh và của ngành LĐ-TB-XH đến người dân. Đồng thời, thông qua đó tìm hiểu, thu thập ý kiến của các đối tượng hưởng thụ chính sách, kịp thời phản ảnh với tỉnh và ngành để giải quyết thỏa đáng, đúng người, đúng việc cho các đối tượng. Một số nội dung hoạt động của Ngành LĐ-TB-XH trở thành công việc thường xuyên và không thể thiếu của hệ thống mặt trận các cấp, như: Công tác chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ, quy tập mộ liệt sỹ; tiếp đón thân nhân các gia đình liệt sỹ, điều dưỡng người có công; mua, đóng bảo hiểm y tế miễn phí; tham gia phong trào xóa đói giảm nghèo… Nhờ đó, các nghĩa trang liệt sỹ được nâng cấp, tu sửa và trông coi thường xuyên, bảo đảm cho việc thăm viếng thuận lợi của nhân dân. Việc tiếp đón thân nhân các gia đình liệt sỹ, điều dưỡng người có công được phục vụ chu đáo, tận tình. Hàng năm 100% số đối tượng người có công đều được hưởng chính sách đầy đủ, những đối tượng nặng đều được điều dưỡng tập trung tại các trung tâm hoặc điều dưỡng tại cộng đồng. Công tác tuyên truyền vận động gia đình người có công nỗ lực vượt khó, vươn lên XĐGN cũng được Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả. Đến nay 100% các gia đình người có công trên địa bàn tỉnh Lai Châu đều có mức sống cao hơn hoặc bằng mức sống trung bình trung của địa bàn nơi cư trú.
Đi đôi với việc tổ chức thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách của Nhà nước đối với người có công, ngành Lao động - TBXH còn phối hợp với Uỷ ban MTTQ chủ động đề xuất với tỉnh, từng bước thực hiện xã hội hoá công tác “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách. Phong trào xây dựng nhà tình nghĩa với phương châm Nhà nước, nhân dân và gia đình cùng làm được đẩy mạnh. Cán bộ Mặt trận đã đi đến từng tổ dân phố, thôn xóm, khu dân cư, từng gia đình động viên, tuyên truyền chủ trương “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng giúp họ thấy được trách nhiệm xã hội của công dân đối với việc xã hội hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” với những người có công. MTTQ trở thành tổ chức có vai trò quan trọng trong việc kêu gọi ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" của tỉnh. Từ năm 2009 - 2013 Quỹ "đền ơn đáp nghĩa" của tỉnh Lai Châu và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho 77 gia đình người có công, với kinh phí hỗ trợ là 3.330 triệu đồng. MTTQ và các đoàn thể tại địa phương hỗ trợ hàng vạn ngày công lao động giúp các hộ làm nhà, xây dựng chuồng trại chăn nuôi.
Hàng năm, trong các dịp lễ, tết, ngày Thương binh - Liệt sỹ (27 – 7) Ngành LĐ-TB-XH phối hợp với Uỷ ban MTTQ tham mưu cho tỉnh tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách người có công, động viên kịp thời các đối tượng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, trở thành công việc thường xuyên, thiết thực.
Hai là, công tác bảo trợ xã hội: Bằng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác giúp đỡ các đối tượng rủi ro, “yếu thế” trong xã hội được thực hiện ngày càng tốt hơn. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, MTTQ các cấp phối hợp với ngành LĐ-TB-XH kêu gọi, quyên góp ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn giúp đỡ các đối tượng yếu thế xã hội giảm bớt khó khăn hơn trong cuộc sống. Nhất là khi có thiên tai, hoả hoạn xảy ra, Ngành LĐ-TB-XH đã phối hợp với Uỷ ban MTTQ tỉnh cùng UBND các huyện, thành phố kịp thời đến thăm hỏi, tặng quà, kêu gọi quyên góp hỗ trợ các gia đình, các cá nhân, người bị nạn; đồng thời, chỉ đạo Phòng LĐ-TB-XH các huyện, thành phố, phối hợp với Uỷ ban MTTQ thực hiện đầy đủ việc hỗ trợ các chính sách xã hội cho người yếu thế, người cao tuổi; triển khai kịp thời các chính sách khác như hỗ trợ người nghèo đón tết, cứu đói cho hộ nghèo trong dịp giáp hạt, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo... mọi chính sách đều thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời, đúng quy định của Nhà nước và của tỉnh.
Ba là, công tác Xoá đói giảm nghèo: Với chức năng là cơ quan Thường trực Chương trình giảm nghèo của tỉnh, Sở LĐ-TB-XH phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và Ủy ban MTTQ chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, như hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng chính phủ, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ y tế, giáo dục và tín dụng ưu đãi.... Ủy ban MTTQ tỉnh đóng vai trò tích cực, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ thêm kinh phí để hỗ trợ cho các hộ nghèo làm nhà. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã làm nhà ở cho 6.771 hộ nghèo, giúp các hộ nghèo có nhà ở ổn định, yên tâm lao động sản xuất, tạo thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nhờ hoạt động nhiệt tình, tâm huyết của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên, đã tuyên truyền vận động gia đình, anh em, dòng họ, nhân dân tại các thôn, bản giúp đỡ nhau bằng ngày công, vật liệu xây dựng nhà cho các gia đình khó khăn. Đối với các xã giáp biên, các ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh giao Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh giúp các hộ nghèo làm nhà. Đến hết năm 2011, toàn tỉnh đã cơ bàn hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167 của Thủ tướng chính phủ.
Bốn là, công tác phòng chống tệ nạn xã hội: Ngành LĐ-TB-XH đã phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, xây dựng kế hoạch liên ngành số 193/LN - LĐTBXH - VHTT - UBMTTQ thực hiện Nghị quyết liên tịch số 546 và Thông tư liên tịch số 27 về việc xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma tuý, mại dâm; Kế hoạch liên ngành số 387/KH – LN về việc “Vận động toàn dân tham gia giúp đỡ người nghiện ma tuý cai nghiện và quản lý hỗ trợ người sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng” và hướng dẫn các cấp tổ chức thực hiện. Đồng thời, thường xuyên phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động;công tác kiểm tra các xã, phường trọng điểm về tệ nạn xã hội và xã, phường, thị trấn xây dựng điểm lành mạnh không có tệ nạn xã hội. Phối hợp tiến hành rà soát, phân loại, lập danh sách (hồ sơ) đối tượng nghiện hút tại các xã, phường, thị trấn để có kế hoạch cai nghiện và hỗ trợ sau cai nghiện phù hợp với các đối tượng; quản lý người nghiện sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng. Từ năm 2009 – 2013 hàng năm trên toàn tỉnh đã cai nghiện cho 1.000 người và tiếp tục duy trì, xây dựng mới các xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội.
Để tiếp tục làm tốt công tác phối hợp, thực hiện chính sách xã hội và chính sách người có công với cách mạng có hiệu quả thiết hực hơn trong những năm tới, nhiều nội dung, nhiệm vụ đã được ngành LĐ-TB-XH và Uỷ ban MTTQ tỉnh Lai Châu thảo luận và ký kết; đồng thời sẽ tiếp tục thảo luận, bàn bạc để tăng cường hơn nữa các nội dung công tác phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, kêu gọi, vận động ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, đời sống cho các đối tượng người có công trên địa bàn. phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và tổng hợp kết quả công tác tổng điều tra, rà soát thực hiện chính sách người có công với cách mạng với cách mạng; phối hợp với các ngành thực hiện tốt phong trào xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư, nhất là công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm; phối hợp làm tốt công tác nhà ở cho hộ nghèo; công tác bảo trợ xã hội, cứu trợ xã hội và một số nhiệm vụ khác, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Bùi Lệ Dung
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu