(TG)-Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3-2014, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị các cơ quan truyền thông, báo chí cần tăng cường công tác thông tin truyền thông để định hướng dư luận xã hội, tạo tâm lý ổn định cho người dân.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3-2014 diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã thẳng thắn trả lời về những vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Về việc Việt Nam có đăng cai tổ chức ASIAD 18 hay không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định đây là sự kiện thể thao lớn của châu Á, không chỉ mang ý nghĩa thể thao mà còn mang ý nghĩa khác. Các nước đăng cai có thể do được phân công hoặc bản thân quốc gia đó thấy có nhu cầu cần tạo một sự kiện để nâng cao hình ảnh đất nước, thu hút du lịch, đầu tư để tạo điểm nhấn, qua đó phát triển các mặt khác. Hiện nay đã có rất nhiều ý kiến của nhân dân, các chuyên gia, những người tâm huyết, có trách nhiệm với đất nước… băn khoăn và đưa ra những hình ảnh minh họa về việc nên hay không nên đăng cai ASIAD.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết Việt Nam đang ở giai đoạn bắt đầu chuẩn bị. Nhiệm vụ của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL), cùng các bộ, ngành có liên quan, cùng Hà Nội và các địa phương lân cận khảo sát lại xem khả năng Việt Nam có làm được không. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2014 diễn ra vào sang 1-4, tại Hà Nội, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ VHTTDL sang tuần sau tuần sau báo cáo để Thủ tướng nghe và quyết định xem có tiếp tục đăng cai chính thức hay không.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh không nên trách ngành Thể dục thể thao đang cố gắng ra sức bảo vệ quan điểm của ngành vì đấy là trách nhiệm của ngành. Nếu để tuột sự kiện này, Việt Nam sẽ không có cơ hội tổ chức sự kiện lớn, không chỉ phục vụ cho ngành mà còn cho đất nước.
“Đến giờ này, theo tôi biết, chúng ta chưa đặt cọc tiền, chỉ đăng cai và có bước vận động, sau đó người ta xét, giao cho mình với những điều kiện mình có thể đáp ứng được. Nhưng chúng ta có đăng ký số tiền bỏ ra là 150 triệu USD ở thời điểm năm 2010, nhằm dự định cho năm 2019. Chúng ta tính 9 năm sau, đất nước phát triển theo lộ trình. Nhưng tình hình khó khăn, nên bây giờ đang ở thế mà có người nói là “tiến thoái lưỡng nan”. Thực ra theo tôi hiểu, không có vấn đề gì ràng buộc lớn ở chỗ này. Tiền lệ đã có hai nước từng trả lại. Đến giờ này, thể thao châu Á có 4 nước tổ chức. Tất nhiên quy định trả lại cũng có điều kiện, nhưng chúng ta có lý lẽ, nếu như thấy không đủ các điều kiện đảm bảo cho ASIAD. Tôi chưa tìm hiểu kỹ nhưng cũng chưa nghe thông tin nói rằng khi trả lại thì bị phạt, hình như không có chế tài gì ở đây.”-. Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đã thắng thắn chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, mỗi phương án đều có ưu điểm và nhược điểm. Khi đưa ra 2 phương án, có sự so sánh thì người lãnh đạo sẽ cân nhắc, xem xét.
Trả lời về vụ bê bối hối lộ liên quan đến dự án đường sắt đang khiến dư luận hết sức quan ngại về sự minh bạch và hiệu quả các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho rằng đây là câu chuyện không vui. Nhưng thực tế, đó chỉ mới là thông tin ban đầu, vẫn chưa biết cụ thể như thế nào.
Mặc dù vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương, nhanh chóng phối hợp với phía bạn để nắm thông tin, điều tra làm rõ, sớm có kết luận để xử lý nghiêm minh. Có thể thấy được sự chỉ đạo của Chính phủ thể hiện ở việc có hai Phó Thủ tướng chỉ đạo, cùng với những chỉ đạo bằng văn bản và trực tiếp từ các bộ, ngành. Ngay tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân, Thủ tướng đã tranh thủ gặp Thủ tướng Nhật Bản. Lời đầu tiên hai Thủ tướng gặp nhau là: “Chúng ta hãy phối hợp chặt chẽ, điều tra thận trọng, xử lý nghiêm minh. Nếu là sự thật thì phải nhanh chóng rút kinh nghiệm để ngăn chặn những chuyện tương tự xảy ra”. Thủ tướng đã nói sẽ cố gắng không để ảnh hưởng đến sự giúp đỡ về ODA của Nhật. Điều đó nói lên quyết tâm của Việt Nam, khi có thông tin dù chưa rõ nhưng đã quyết tâm điều tra và làm rõ vụ việc. Trong Phiên họp chính phủ thường kỳ hôm nay, Thủ tướng đã chỉ đạo làm thận trọng, quyết liệt, đầy đủ trách nhiệm, đảm bảo theo quy định của pháp luật, theo quy trình điều tra.
Về câu chuyện nhà công vụ đang được báo chí phản ánh trong những ngày qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhận định đây cũng là câu chuyện không vui. Theo luật quy định, nhà công vụ là nhà dành cho những cán bộ nhận nhiệm vụ ở những nơi họ không có nhà ở. Đối tượng thứ nhất là những cán bộ, công chức. Đối tượng thứ hai là lực lượng sĩ quan công an, quân đội chuyên nghiệp được giao nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng. Đối tượng thứ ba là cán bộ lãnh đạo. Những người ở nhà công vụ khi hết thời gian công tác thì không còn tiêu chuẩn ở nhà công vụ nữa. Theo báo cáo, có rất nhiều trường hợp, nhiều người khi hoàn thành nhiệm vụ đã trả nhà, kể cả cán bộ cao cấp. Nhưng cũng không ít trường hợp ở lại, có trường hợp vì lý do khách quan, có trường hợp lại là những người khác ở lại…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng cho biết theo Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ trước đó đối với nhà công vụ, đơn giản chỉ là làm nhà công vụ để ở, quy định, chế tài chưa được rạch ròi, rõ ràng. Hồ sơ giao nhà, thu hồi nhà cũng phần lớn là tự giác. Khi xuất hiện tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 615 năm 2013 quy định rõ về thủ tục, chế tài, nhằm điều chỉnh tồn đọng, giao trách nhiệm cho Bộ Xây dựng quản lý. Bộ Xây dựng thành lập một tổ chức chuyên trách. Về mặt chế tài, nếu như ai hết tiêu chuẩn ở nhà công vụ, tổ chức này sẽ báo trước thời gian 6 tháng. Khi tổ chức đã thông báo, nếu vì lý do nào đó cán bộ chưa thực hiện thì tổ chức sẽ phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết. Bản thân cán bộ cũng phải tự giác, gương mẫu chấp hành đúng quy định về nhà công vụ. Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng bày tỏ tin tưởng những công việc hiện nay đang làm, sẽ khắc phục được tồn tại, hạn chế và là mô hình đúng để quản lý nhà công vụ.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị các cơ quan truyền thông báo chí cần nhấn mạnh, tăng cường công tác thông tin truyền thông để định hướng dư luận xã hội, tạo tâm lý ổn định cho người dân.
Bảo Long (lược ghi)