Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 2546/QĐ-TTg ngày
31/12/2015 phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn
2016-2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương
Minh Tuấn vừa ký quyết định phê duyệt Đề án 1 “Truyền thông phòng, chống
mua bán người” đến năm 2020.
Tình hình hoạt động tội phạm mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp
tục diễn biến phức tạp, nhất là mua bán người thông qua đưa người đi di
cư trái phép từ châu Á, châu Phi và Trung Đông sang châu Âu. Riêng
trong 6 tháng đầu năm 2017, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) thống kê có trên
45.000 lượt người di cư đến châu Âu (tăng trên 40% lượt người so với
cùng kỳ năm 2016). Liên Hợp Quốc đưa ra thông điệp năm 2017 về “Chống
tình trạng người di cư trái phép” nhằm phòng, chống mua bán người và mua
bán nội tạng bất hợp pháp sau khi Cơ quan chức năng quốc gia châu Âu
công bố đã điều tra, khám phá hàng nghìn vụ việc mua bán người và mua
bán nội tạng xuyên quốc gia, khu vực, trong đó nạn nhân là những người
di cư được các nhóm tội phạm ngụy trang bằng dịch vụ đi du lịch, tìm
việc làm và chữa bệnh.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là các nước Tiểu vùng sông
Mekong (trong đó có Việt Nam), tình hình mua bán người rất phức tạp
(chiếm 70% số vụ) và có số nạn nhân bị mua bán cao nhất. Trong nước,
thống kê 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy, toàn quốc xảy ra 157 vụ với 245
đối tượng; xác minh 361 nạn nhân (giảm 9% số vụ, tăng 5% số đối tượng và
3% số nạn nhân so với cùng kỳ năm 2016). Trong đó, nổi lên là tình
trạng mua bán người ra nước ngoài để ép hoạt động mại dâm, làm vợ bất
hợp pháp, cưỡng bức lao động... chiếm khoảng 80% tổng số vụ. Đặc biệt,
tình trạng môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép có xu hướng tăng mạnh ở
các tỉnh phía nam.
Đối tượng phạm tội mua bán người ở hầu hết các độ tuổi, số đối tượng
có độ tuổi trên 30 tuổi chiếm tỉ lệ cao. Nhìn chung các đối tượng phạm
tội mua bán người có trình độ văn hóa thấp, có nhiều thành phần nghề
nghiệp khác nhau. Hầu hết đó là những đối tượng có kiến thức xã hội, am
hiểu xã hội và thường là người thông thuộc các khu vực biên giới, cửa
khẩu, đường tiểu ngạch, đồng thời am hiểu phong tục…; đối tượng hoạt
động băng nhóm, có tiền án, tiền sự. Một số trường hợp đối tượng phạm
tội mua bán người chính là nạn nhân của vụ mua bán người trước đó.
Lợi dụng đặc điểm khó khăn kinh tế, thiếu việc làm ở nhiều địa
phương; chính sách mở cửa, hội nhập, thông thoáng trong xuất cảnh; sự
nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của người dân… các đối tượng mua bán người
đã hình thành các đường dây đưa người ra nước ngoài bán vào các động mại
dâm, cưỡng ép kết hôn hoặc lao động cưỡng bức, trong đó trên 80% các vụ
mua bán người ra nước ngoài.
Để khắc phục tình trạng trên, ngày 10/5/2016, Thủ tướng đã ban hành
quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hằng năm là "Ngày toàn dân phòng,
chống mua bán người", với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức
mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng
ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi
toàn quốc.
Nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người,
ngày 06/7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã ký Quyết
định phê duyệt Đề án 1 “Truyền thông phòng, chống mua bán người” đến năm
2020.Đề án được thực hiện trên phạm vi cả nước, ưu tiên nguồn lực tập
trung tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, địa bàn các tỉnh giáp với biên
giới với các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia.Thời gian thực hiện: Từ
năm 2017 đến hết năm 2020.
Nội dung cụ thể bao gồm 2 tiểu đề án, thực hiện công tác truyền thông
trên các phương tiện thông tin đại chúng (Bộ TT&TT chủ trì) và
truyền thông tại cộng đồng (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ
trì), qua đó, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho mọi tầng lớp
nhân dân về phòng, chống mua bán người, để mọi người thấy được quyền
lợi, nghĩa vụ, chủ động tích cực phòng ngừa góp phần giảm nguy cơ mua
bán người.
Theo đó, mục tiêu đặt ra là, đến năm 2018, đạt 75% và năm 2020 đạt
100% xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã) nhận và triển khai tài
liệu hướng dẫn thực hiện chính sách pháp luật, tài liệu truyền thông
thay đổi hành vi về phòng, chống mua bán người.
Đến năm 2020, ít nhất 30% số xã thuộc địa bàn trọng điểm (địa bàn có
nhiều vụ việc xảy ra, có nhiều nạn nhân bị mua bán trở về hoặc có nhiều
nguy cơ) có mô hình chuyên sâu về phòng ngừa mua bán người và 50% số xã
trên toàn quốc có mô hình lồng ghép về phòng, chống mua bán người.
Từ năm 2017, thông tin về phòng, chống mua bán người được đăng tải
trên các cơ quan báo chí cấp Trung ương và cấp tỉnh ít nhất một tháng
một lần.
Đến năm 2020, đạt 75% người dân tại các địa bàn trọng điểm, tập trung
vào nhóm tuổi từ 14-60 đặc biệt là phụ nữ, trẻ em được tiếp cận các
thông tin có kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người, kỹ năng
xử lý tình huống liên quan đến mua bán người.
Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt
chẽ với Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ đưa nội dung tuyên truyền
phòng, chống mua bán người vào định hướng tuyên truyền hằng tháng tại
hội nghị giao ban báo chí; phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa
bàn thực hiện tốt công tác truyền thông phòng, chống mua bán người đến
từng địa bàn dân cư, trường học, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; chú
trọng tuyên truyền về các dấu hiệu vi phạm, hình thức, thủ đoạn của tội
phạm mua bán người, các phương thức phòng, chống tội phạm mua bán người,
nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực tham
gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.
Tổ chức các hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn về công tác tuyên truyền
phòng, chống mua bán người cho các đối tượng là phóng viên, biên tập
viên và lãnh đạo các cơ quan báo chí; cán bộ các Sở TT&TT; cán bộ
làm công tác thông tin cơ sở tại Phòng Văn hoá-Thông tin cấp huyện và
Đài Phát thanh ở cơ sở.
Các cơ quan báo chí bao gồm: báo, tạp chí in, báo, tạp chí điện tử,
báo nói, báo hình từ cấp Trung ương tới địa phương đẩy mạnh tuyên
truyền, phố biến pháp luật về phòng, chống mua bán người; xây dựng và
thực hiện các chuyên trang, chuyên mục về phòng, chống mua bán người
nhằm cung cấp thông tin, hướng dẫn cho người dân kỹ năng xử lý tình
huống liên quan đến dấu hiệu mua bán người.
Cùng với các cơ quan truyền thông, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ
Việt Nam và các Bộ, Ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, tăng cường
thực hiện Chiến lược truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng trên
phạm vi toàn quốc, ưu tiên triển khai tại các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương trọng điểm.
Hàng năm, các cơ quan hữu quan chú trọng chỉ đạo thông tin, tuyên
truyền, phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng,
chống mua bán người - 30/7” và “Ngày quốc tế phòng, chống mua bán
người”.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, cần tổ chức kiểm tra, đánh giá, tổng
kết và tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức về phòng, chống mua bán
người; Sơ kết, tổng kết, đánh giá công tác tuyên truyền phòng, chống mua
bán người và khen thưởng các cá nhân, tổ chức có thành tích trong công
tác phòng, chống mua bán người./.
Theo chinhphu.vn