Chiều 29/10, phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010, đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) đề xuất cần giám sát mạnh mẽ hơn đối với lĩnh vực về tài nguyên khoảng sản.
Theo đại biểu Trần Tiến Dũng, lĩnh vực về tài nguyên khoảng sản, tài nguyên rừng, môi trường là những vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét để có hoạt động giám sát vì theo đánh giá của đại biểu tài nguyên rừng, khoáng sản… đang bị khai thác cạn kiệt nếu không có những biện pháp gìn giữ.
Có chung quan điểm như đại biểu Dũng, đại biểu Dương Hiền (Lạng Sơn) đề xuất cần giám sát thêm về việc thực hiện Luật Đất đai, đặc biệt là vấn đề khiếu nại tố cáo đang gây nhiều bức xúc trong nhân dân…
Cũng tại phiên thảo luận chiều nay, đánh giá về tình hình thực hiện Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2009, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét cho đưa vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội hai nội dung: việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với các hệ thống giáo dục cao đẳng, đại học, sau đại học (tại kỳ họp thứ 7); việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 (tại kỳ họp thứ 8).
Đại biểu Trần Văn (Cà Mau) nhấn mạnh những vấn đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn đề nghị Quốc hội xem xét giám sát trong năm 2010 đều là những vấn đề rất quan trọng, thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước. Đặc biệt đối với chuyên đề thứ 2, hiện tại các bộ, ngành địa phương đang tích cực thực hiện Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính và mới đây nhất, Việt Nam đã công bố cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính trên Internet.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyến (Hà Nội) kiến nghị ngoài hai nội dung trên, nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tiến hành giám sát thêm một số nội dung.
Cụ thể giao Hội đồng Dân tộc giám sát về nội dung thực hiện Chương trình 134, 135 đặc biệt chú trọng giám sát về hiệu quả, chất lượng thực hiện chương trình; giao Ủy ban Kinh tế tái giám sát về vấn đề sử dụng đất đai, giám sát về việc thực hiện gói kích cầu thứ nhất (chú trọng vào tính minh bạch trong quá trình thực hiện).
Ngoài ra cần giám sát về các dự án sử dụng nguồn vốn của trái phiếu Chính phủ; tiến độ triển khai dự án Láng- Hòa Lạc… Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước và chính quyền địa phương còn rất yếu. Đại biểu nêu lên hiện tượng có những văn bản hướng dẫn không đảm bảo đúng tinh thần của Luật khi ban hành. Đây là vấn đề cần phải xem xét, đánh giá và cần được giám sát.
Góp ý để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội trong kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) kiến nghị đối với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2009 và nhiệm vụ năm 2010 cần phải giao cho Ủy ban về các vấn đề xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng ….cùng phối hợp với Ủy ban Kinh tế thẩm tra báo cáo này để nhận xét được toàn diện hơn.
Đại biểu Hà đề xuất ngoài việc giám sát bằng hình thức chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cần có hoạt động chất vấn tại các phiên họp của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà và nhiều ý kiến khác quan tâm tới vấn đề “hậu” giám sát và đề nghị vấn đề này cần được quan tâm để tăng hiệu quả của hoạt động giám sát./.
(TTXVN/Vietnam+)