Thứ Bảy, 28/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 27/10/2009 21:32'(GMT+7)

Tạo bước khởi đầu vững chắc trong năm 2010

Các đại biểu QH cho rằng, năm 2010 cần tập trung nỗ lực thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế nhằm tạo bước khởi đầu vững chắc hơn cho việc xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2011-2015).

Đại biểu Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội năm 2009; phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010.

Đa số đại biểu Quốc hội nhất trí rằng, năm 2009, nền kinh tế nước ta tiếp tục gặp những khó khăn và thách thức lớn, song, nhờ sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, kịp thời, trình độ dự báo và khả năng phản ứng chính sách của Chính phủ ngày càng được nâng cao và với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, nền kinh tế đã dần phục hồi; đã ngăn chặn được suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế sau khi sụt giảm mạnh trong quý I ở mức 3,14% (mức thấp nhất từ nhiều năm nay) đã từng bước phục hồi, đạt 4,46% trong quý II, 5,76% trong quý III, dự báo có thể đạt khoảng 6,8% trong quý IV và cả năm ước đạt 5,2%.

Theo các đại biểu, Chính phủ đã ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện đạt kết quả các gói giải pháp kích thích kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đưa nền kinh tế nước ta ra khỏi suy giảm kinh tế do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, một số đại biểu nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội cũng còn bộc lộ một số bất cập cần được tập trung cao độ để khắc phục...

Năm 2010 đặt trọng tâm vào ổn định kinh tế vĩ mô

Theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, trong năm 2010, Chính phủ cần chú trọng đặt trọng tâm vào mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; ngăn ngừa lạm phát cao; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các năm tiếp theo.

Đánh giá cao hiệu quả tích cực của gói kích cầu của Chính phủ thời gian qua, tuy nhiên đại biểu Trần Tiến Cảnh (Hà Nam), Nguyễn Văn Sơn (Tuyên Quang) cho hay theo phản ánh của một số doanh nghiệp và người dân thì nguồn vốn kích cầu không đến được với họ; đề xuất Chính phủ xem xét vấn đề này, làm rõ việc có phiền hà về thủ tục vay vốn hay không và có doanh nghiệp nào vay sử dụng không đúng mục đích không.

Các đại biểu này cũng đề nghị tập trung bảo đảm các cân đối vĩ mô quan trọng, trong đó cần điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa một cách thận trọng, linh hoạt với các giải pháp hướng tới cân bằng cán cân thanh toán, duy trì lãi suất và tỷ giá hợp lý để đẩy mạnh sản xuất, khuyến khích xuất khẩu...

Một số đại biểu đề xuất việc ban hành định hướng chính sách, quy hoạch chung về thu hút đầu tư nước ngoài của cả nước dựa trên lợi thế cạnh tranh và chiến lược phát triển dài hạn của nền kinh tế, khắc phục tình trạng cục bộ, địa phương trong thu hút đầu tư.   

Đồng thời, cũng cần quan tâm xây dựng chính sách, giải pháp cụ thể để vừa tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu, vừa phát triển, khai thác tốt thị trường nội địa; định hướng cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất cũng như có chính sách với các nông sản như lúa, cà phê, thủy hải sản... để nông dân sản xuất có lãi.

Đại biểu Đinh Văn Hùng (Ninh Bình) đề nghị nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản; khắc phục tình trạng bố trí phân tán, dàn trải các nguồn vốn, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đi đôi với cải thiện về chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững.

Quan tâm đúng mức an sinh xã hội, đào tạo nguồn nhân lực

Theo đại biểu Võ Hồng Thoại (Bạc Liêu), Nguyễn Danh (Gia Lai), trong năm năm 2010 và những năm tiếp theo, công tác xóa đói giảm nghèo và đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thực tế phải được quan tâm đúng mức với các biện pháp chỉ đạo hiệu quả.

Các đại biều này cũng đề nghị các Bộ, ngành chức năng nên tổ chức khảo sát thật kỹ nhu cầu xã hội hiện nay để có kế hoạch đào tạo dạy nghề, hướng nghiệp đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ hỗ trợ các huyện nghèo, đại biểu Hoàng Ngọc Thái (Ninh Thuận) đặt vấn đề cần được tiến hành chủ động hơn nữa, tránh tình trạng còn lúng túng, dàn trải ở một số địa phương.

Vấn đề hỗ trợ lãi suất cho nông dân là lĩnh vực thu hút sự quan tâm lớn của nhiều đại biểu. Theo đề xuất của đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, cần tiếp tục hỗ trợ vốn vay cho nông dân, nông thôn và hộ nghèo…không chỉ trong năm tới mà dài hạn hơn, với mức vốn cho vay lớn hơn, thời hạn vay dài hơn, thủ tục và điều kiện thế chấp đơn giản, dễ dàng và sát thực tế hơn.

Đồng tình với quan điểm này, các đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu), Dương Kim Anh (Trà Vinh), Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc) cho rằng, đối với vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn cần quan tâm mạnh mẽ hơn, tập trung theo hướng quy hoạch sản xuất vùng, sản phẩm cây, con có thế mạnh cạnh tranh.

Ngoài ra, tại thảo luận, theo các đại biểu Nguyễn Hồng Nhị (Nghệ An), Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng), Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương), công tác quản lý khoáng sản và hoạt động khoáng sản còn có thiếu sót, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép diễn ra ở nhiều địa phương nhất là đối với khoáng sản kim loại... Các đại biểu đề nghị tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra và giám sát chặt chẽ, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trước mắt và lâu dài./.

CP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất