Kế hoạch hành động của WHO kêu gọi các chính phủ nâng cao nhận thức của người dân về bệnh viêm gan, biến các nghiên cứu về căn bệnh này thành chính sách và hành động, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm bằng những biện pháp kiểm tra, chăm sóc và điều trị hiệu quả.
Nhân ngày thế giới phòng chống bệnh viêm gan (28/7), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 25/7 công bố các biện pháp phòng chống loại "bệnh dịch giấu mặt" đang trở thành nguyên nhân cướp đi sinh mạng của một triệu người trên thế giới mỗi năm này.
Kế hoạch hành động của WHO kêu gọi các chính phủ nâng cao nhận thức của người dân về bệnh viêm gan, biến các nghiên cứu về căn bệnh này thành chính sách và hành động, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm bằng những biện pháp kiểm tra, chăm sóc và điều trị hiệu quả.
WHO hướng mục tiêu chính vào các loại viêm gan B và C vì phần lớn những trường hợp lây nhiễm hai loại virus này chỉ được phát hiện khi người bệnh đã có biểu hiện lâm sàng, đôi khi sau vài chục năm bị lây nhiễm.
WHO cũng kêu gọi người dân tự bảo vệ mình bằng cách rửa tay sạch sẽ, sử dụng thực phẩm an toàn, sinh hoạt tình dục lành mạnh và tránh sử dụng chung kim tiêm.
Bà Sylvie Briand làm việc tại bộ phận dịch bệnh của WHO, cho biết phần lớn những người bị viêm gan không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị.
Chỉ bằng cách nâng cao nhận thức của người dân về các loại viêm gan khác nhau, cũng như cách thức phòng và điều trị thì WHO mới có thể thực hiện bước đi đầu tiên tiến tới kiểm soát hoàn toàn loại bệnh này và cứu được hàng nghìn sinh mạng.
Bà Briand nhấn mạnh kế hoạch mới là khuôn khổ phối hợp hành động toàn cầu để chống lại căn bệnh này.
Virus viêm gan được phát hiện từ năm 1989. Cho đến nay, thế giới đã có vaccine phòng tất cả các loại virus gây viêm gan như A, B, D và E, trừ viêm gan C.
Viêm gan B và C là đáng lo ngại hơn cả do hai loại virus này là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư, chiếm gần 80% trong tất cả các trường hợp ung thư gan./.
TTXVN