Thứ Ba, 1/10/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 25/8/2013 10:22'(GMT+7)

Tăng cường giáo dục lịch sử địa phương trong trường tiểu học và trung học cơ sở

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ I (Báo Quảng Ninh).

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ I (Báo Quảng Ninh).

Ngày 24/8, huyện Đông Triều, Sở Giáo dục và đào tạo Quảng Ninh phối hợp với Hội Sử học Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Tăng cường giáo dục lịch sử địa phương trong trường tiểu học và trung học cơ sở".

Nhà giáo ưu tú Lưu Xuân Giới, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Đông Triều cho biết: Trong bối cảnh việc dạy và học lịch sử trong các nhà trường đang tồn tại nhiều bất cập như hiện nay, việc đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy trong các nhà trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản về các danh nhân, các di tích lịch sử văn hóa, anh hùng dân tộc của quê hương, qua đó giáo dục truyền thống, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước trong các em học sinh. Việc giáo dục lịch sử địa phương cũng góp phần tăng sự hấp dẫn, thu hút các em học sinh đối với việc học môn lịch sử. Tại tỉnh Quảng Ninh có trên 600 di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng, trong đó Đông Triều là một vùng đất địa linh, nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa qua các thời kỳ lịch sử và còn là một căn cứ cách mạng oai hùng trong kháng chiến chống Pháp. Giáo dục cho học sinh những hiểu biết đầy đủ và có tình yêu sâu sắc đối với quê hương là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mà ngành giáo dục huyện nhiều năm qua đã triển khai thực hiện thông qua việc đưa lịch sử địa phương vào chương trình học khối tiểu học và THCS. Năm học 2013-2014, ngành giáo dục huyện đưa vào chương trình hoạt động ngoại khóa và tự chọn môn học lịch sử địa phương, giới thiệu Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, Cụm di tích lịch sử - thắng cảnh Yên Đức, văn hóa các di tích chùa của Thiền phái Trúc Lâm ở địa phương… cho học sinh từ lớp 5 trở lên.

Hiện tại, các trường trên địa bàn huyện Đông Triều đang nghiên cứu, tìm thêm phương pháp dạy thực tế để nâng cao chất lượng dạy và học lịch sử địa phương trong nhà trường. Trong kế hoạch sắp tới, ngoài những tiết giảng lý thuyết, chương trình học sử có các chuyến đi thực tế tại các di tích lịch sử hoặc gặp gỡ các nhân chứng lịch sử của địa phương tạo thêm niềm đam mê về môn học Lịch sử trong mỗi học sinh. Các trường trong huyện cũng tập trung nghiên cứu và đưa vào phương pháp thử nghiệm dạy bằng giáo án điện tử, trực tiếp đưa vào bài giảng những hình ảnh, tư liệu minh họa sinh động.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Anh, Trung tâm nghiên cứu Kinh thành - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, là người trực tiếp soạn thảo sách, giáo trình lịch sử địa phương của huyện Đông Triều cho biết: Ngoài việc soạn thảo giáo trình một cách chính xác, khoa học và phù hợp với học sinh thì hình thức, phương pháp dạy và học lịch sử địa phương tại nhà trường là rất quan trọng. Quảng Ninh là địa phương có lợi thế với nhiều di tích lịch sử, do đó việc tổ chức cho các em đến tham quan, học tập tại thực địa sẽ giúp học sinh hứng thú với việc học hơn.

Các học giả, sử gia tham gia hội thảo đã đánh giá rất cao những thành tựu cũng như những sáng kiến của Đông Triều trong việc tăng cường giáo dục lịch sử địa phương trong trường học. Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc nhận xét: Có thể nói đây là buổi hội thảo cấp huyện về tăng cường giáo dục lịch sử địa phương trong trường tiểu học và THCS đầu tiên của Quảng Ninh, và cũng là tiêu biểu trên toàn quốc. Những chuyển biến đáng kể trong nhận thức, nội dung, phương pháp dạy và học là những minh chứng cho sự cố gắng của ngành giáo dục các cấp. Việc đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy trong bậc tiểu học, THCS là một cách làm hay, ý nghĩa, nhất là vào thời điểm mà cách dạy và học môn Lịch sử đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội như hiện nay.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Từ đầu năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thể thao Văn hoá và Du lịch đã chỉ đạo tăng cường việc sử dụng di sản vào chương trình dạy và học ở trường phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu của toàn quốc. Chương trình hội thảo hướng đến những nội dung quan trọng trong phong trào “Học sinh tích cực, trường học thân thiện”, trong đó nhà trường tạo điều kiện cho học sinh tìm hiểu, bảo vệ và phát huy giá trị di sản của địa phương; tăng cường việc học đi đôi với hành...

Tại buổi hội thảo, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Đông Triều đã trao bằng khen và phần thưởng cho các giáo viên và học sinh đạt nhiều thành tích trong các phong trào thi đua tìm hiểu lịch sử địa phương./.

Xuân Tùng/TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất