Thứ Tư, 2/10/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 29/11/2011 20:37'(GMT+7)

Tăng cường giao thương Việt Nam-Đan Mạch

Phát triển năng lượng sạch là một trong những thế mạnh của Đan Mạch - Ảnh minh họa

Phát triển năng lượng sạch là một trong những thế mạnh của Đan Mạch - Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Thương mại và Đầu tư Đan Mạch - Pia Olsen Dyhr đã khẳng định như vậy về phát triển quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước tại sự kiện Kỷ niệm 40 năm Quan hệ ngoại giao Việt Nam – Đan Mạch, ngày 28/11, tại Hà Nội.

Quan hệ hợp tác Việt Nam – Đan Mạch đã được thiết lập trong 40 năm qua. Trong thời gian đó, Việt Nam đã trải qua một quá trình phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội ấn tượng và hiện được xếp vào nhóm “11 nền kinh tế sắp nổi – N11” với những triển vọng đầy hứa hẹn về đầu tư và tăng trưởng trong tương lai.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Thương mại và Đầu tư Đan Mạch - Pia Olsen Dyhr, Việt Nam là một phần quan trọng của nền kinh tế Châu Á. Để duy trì được sự phát triển bền vững Việt Nam cần đầu tư đáng kể vào những lĩnh vực như sử dụng năng lượng hiệu quả với công nghệ sạch, kỹ thuật cao, giáo dục và cơ sở hạ tầng…Đây đều là những lĩnh vực mà Đan Mạch giàu năng lực và kinh nghiệm. Cùng với đó, dầu khí, giáo dục và an toàn thực phẩm là những lĩnh vực mà các công ty Việt Nam và Đan Mạch sẽ tập trung xây dựng mối quan hệ đối tác thương mại. Chính phủ hai nước sẽ có cơ hội về đầu tư, thương mại, cải tiến và tiếp cận với tăng trưởng xanh.

Khi chuyển đổi từ mô hình viện trợ sang giao thương, quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ phát triển theo hướng giảm dần các gói hỗ trợ phát triển cho tới cuối năm 2015 và thay vào đó là tăng thêm quan hệ thương mại song phương và đặc biệt là sự phát triển của khu vực tư nhân. Hiện tại Việt Nam đang có sự hiện diện của hơn 125 doanh nghiệp Đan Mạch và họ đều tha thiết mở rộng hơn nữa các quan hệ thương mại này.  

Còn theo ngài Đại sứ Đan Mạch John Nielsen: Việt Nam đang trong quá trình phát triển và thay đổi nhanh chóng. Nhiều năm qua, Việt Nam là một thị trường gia công được ưa chuộng với giá nhân công thấp và lực lượng lao động cần cù. Tuy nhiên, với nhu cầu về công nghệ cao cũng đòi hỏi Việt Nam cần có sự cải tiến, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ sạch.

Trong những năm vừa qua, hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Đan Mạch đang tăng nhanh. Năm 2010 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt hơn 311 triệu USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Đan Mạch bao gồm: Dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng kim khí, thủ công mỹ nghệ, thiết bị điện, cà phê... Còn Đan Mạch xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là các thiết bị điện, hóa chất, sản phẩm cơ khí, dụng cụ cắt gọt, sản phẩm sữa, nguyên liệu thô…

Để nâng tầm quan hệ hợp tác hai nước trong thời gian tới, Việt Nam – Đan Mạch đang tiến tới kí kết Hiệp định Đối tác toàn diện vào năm 2012./.

Đan Mạch là một trong những nước Bắc Âu đầu tư sớm nhất vào Việt Nam. Tính đến tháng 11/2010, Đan Mạch có 90 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký trên 592 triệu USD, đứng thứ 25 trong tổng 93 nước đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 7 trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam. Trong đó hai nhà máy là: Nhà máy bia Đông Nam Á (79,6 triệu USD) và Công ty bia Huế  (48,6 triệu USD) là những dự án đầu tư tiêu biểu của Đan Mạch tại Việt Nam. Ngoài ra, Đan Mạch cũng là nước Bắc Âu viện trợ phát triển ODA hàng đầu của Việt Nam. Đồng thời Việt Nam cũng là một trong 6 nước nhận viện trợ lớn nhất của quốc gia này. Hiện nay mỗi năm Đan Mạch dành cho Việt Nam khoảng 40 -50 triệu USD vốn ODA.


(Cổng TTĐTCP)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất