Chủ Nhật, 24/11/2024
Đời sống
Thứ Ba, 4/6/2013 10:43'(GMT+7)

Bất bình đẳng thu nhập gia tăng ở các nước giàu

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã đưa ra nhận định trên trong báo cáo việc làm hàng năm công bố ngày 3/6.

Trong báo cáo, ILO cho biết kinh tế thế giới đang hồi phục chậm chạp sau cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát năm 2008 và tại phần lớn các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, tỷ lệ việc làm đã tăng lên và khoảng cách bất bình đẳng về thu nhập đang được thu hẹp.

Tuy nhiên, mặc dù lợi nhuận đã trở lại với các công ty lớn tại các quốc gia phát triển, song vấn đề "chớ trêu" ở đây là đầu tư vẫn tiếp tục giảm và sự bất bình đẳng gia tăng.

Theo báo cáo, từ năm 2010-2011, sự bất bình đẳng về thu nhập đã tăng ở 14 trong số 26 nền kinh tế phát triển mà ILO tiến hành nghiên cứu, trong đó có Pháp, Đan Mạch, Tây Ban Nha và Mỹ.

Báo cáo ILO nêu rõ hiện trên thế giới có khoảng 200 triệu người thất nghiệp và sẽ tăng lên 208 triệu người vào năm 2015, trong khi các công ty lớn tại các nền kinh tế phát triển hiện lại thích có được khoản lợi nhuận tương tự thời kỳ từ 2004 - 2007 nên giảm mạnh đầu tư.

Tổng Giám đốc ILO Guy-Ryder cho rằng chính sách cắt giảm đầu tư và tích trữ bằng tiền mặt dẫn đến hậu quả là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tiếp tục "dậm chân tại chỗ," đặc biệt là tại một số nước châu Âu tình hình kinh tế và xã hội trở nên rất căng thẳng.

Theo ông Ryder, để nền kinh tế toàn cầu phục hồi thì cần tập trung vào việc làm và đầu tư hiệu quả, kết hợp với chính sách bảo vệ xã hội tốt hơn đối với tầng lớp người nghèo và dễ bị tổn thương nhất. Thế nhưng, trên thực tế tại những nước phát triển nhất thế giới, đầu tư lại giảm từ 21,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2007 xuống còn 18,5% GDP trong năm ngoái.

Cùng khoảng thời gian trên, khoản tiền mặt mà các công ty ở những quốc gia này nắm giữ tăng từ 11,8% tổng tài sản trong năm 2008 lên 12,4% trong năm 2011.

Trong khi đó, những công ty được niêm yết công khai đã tăng khoản tiền nắm giữ từ 2.300 tỷ USD năm 2000 lên 5.200 tỷ USD năm 2008, và 6.500 tỷ USD năm 2011.

Tiền lương của giới lãnh đạo công ty đã tăng trở lại, và trong một số trường hợp vượt quá mức trước khủng hoảng. Tại Đức và Hong Kong (Trung Quốc) mức lương trung bình của giới lãnh đạo công ty giàu có nhất đã tăng 25% từ năm 2007 đến 2011, trong khi lương của những ông chủ hàng đầu ở Đức tăng từ 150 đến 190 lần so với mức lương trung bình của công nhân.

Sự chênh lệch này còn cao hơn nhiều tại Mỹ, khi giới giám đốc điều hành kiếm được số tiền nhiều hơn 508 lần so với mức trung bình của một công nhân trong năm 2011.

Cũng tại nền kinh tế số 1 thế giới này, những người giàu nhất chỉ chiếm 7% dân số, nhưng tổng tài sản trung bình của họ tăng từ 56% trong năm 2009 lên 63% trong năm 2011, còn tài sản của 93% dân số Mỹ lại giảm.

Theo ILO, các công ty lớn nhất và ông chủ giàu nhất đang trở nên giàu có hơn, trong khi lợi nhuận của các công ty nhỏ giảm khoảng 40% so với thời kỳ trước khủng hoảng và đang phải vật lộn để được tiếp cận với tín dụng.

Giám đốc Viện nghiên cứu lao động quốc tế của ILO có trụ sở tại Vienna (Áo), ông Raymond Torres nhấn mạnh sự phân cực đang tăng mạnh giữa công ty lớn và công ty nhỏ về lợi nhuận và điều này thực sự đáng lo ngại vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn được kỳ vọng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong vấn đề tạo việc làm./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất