Thứ Tư, 25/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 21/2/2009 20:36'(GMT+7)

Tăng cường hơn nữa chất lượng công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ

Thời gian qua, sự phối hợp công tác giữa Lãnh đạo Quốc hội và Thường trực Chính phủ ngày càng mang tính chủ động, linh hoạt, kịp thời, thiết thực và hiệu quả hơn. Các đại biểu dự Hội nghị đều đánh giá cao vai trò chủ động tham mưu của Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chính phủ đã góp phần tăng cường hiệu quả của công tác chỉ đạo điều hành đất nước của Chính phủ, đồng thời nâng cao chất lượng các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phối hợp ngày càng hiệu quả, linh hoạt

Năm 2008, trước yêu cầu tập trung xử lý nhiều công việc lớn, cấp bách của đất nước, Lãnh đạo Quốc hội và Thường trực Chính phủ đã tăng cường phối hợp công tác thường xuyên, hạn chế sự trùng lặp, chồng chéo về nội dung. Việc Quốc hội tích cực xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thời gian qua đã thể hiện vai trò quan trọng của việc phối hợp chỉ đạo chặt chẽ giữa Lãnh đạo Quốc hội và Thường trực Chính phủ ngay từ khâu chuẩn bị để bảo đảm sự chủ động, kịp thời trong xử lý các vấn đề phát sinh đột xuất. Các đại biểu đánh giá, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời trực tiếp chất vấn của đại biểu Quốc hội đã giải đáp trọn vẹn mọi mối quan tâm, kể cả những băn khoăn của nhân dân đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội đất nước, đồng thời đây cũng chính là thành công của Quốc hội.

Tuy vậy, đứng trước yêu cầu mới, ngày càng cao của sự phát triển, sự phối hợp giữa Lãnh đạo Quốc hội và Thường trực Chính phủ còn một số hạn chế nhất định. Cụ thể, việc xây dựng các chương trình công tác có thời điểm còn bị động, chưa hợp lý; thời gian và nội dung phiên họp Lãnh đạo Quốc hội và Thường trực Chính phủ có lúc chưa phù hợp với việc triển khai công việc của hai bên. Việc chuẩn bị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm và cả nhiệm kỳ chưa được chú trọng, đầu tư đúng mức để đảm bảo tính khả thi. Một số dự án luật, pháp lệnh chuẩn bị chưa kỹ, dẫn đến việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội gặp nhiều khó khăn.

Toàn cảnh hội nghị - Ảnh Chinhphu.vn

Ý kiến đại diện Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chính phủ cho rằng, trước khi đưa dự án luật, pháp lệnh vào chương trình xây dựng hàng năm, cần xem xét kỹ phạm vi, đối tượng điều chỉnh của từng dự án, xác định mức độ tác động đến kinh tế - xã hội khi dự án luật được thông qua để ưu tiên những dự án thực sự cần thiết.

Bên cạnh đó, công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tập trung vào các chuyên đề chuyên sâu, có kiến nghị cụ thể về việc sửa đổi, bổ sung các văn bản luật, pháp lệnh và công tác thi hành luật. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tiếp tục được cải tiến, đổi mới.

Một số ý kiến cho rằng, cần rà soát tổng thể công tác xây dựng pháp luật của nước ta hiện nay. Theo đó, các Bộ, ngành phải thực hiện đúng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, văn bản quy phạm pháp luật.

Các đại biểu có mặt trong phiên họp bày tỏ ý kiến đánh giá cao chủ trương, giải pháp và công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong thời gian qua nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội.

Kịp thời xem xét, phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh, đột xuất

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ với Chính phủ về những khó khăn, thách thức và những vấn đề phát sinh đặt ra đối vối công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế xã hội, tiếp tục đưa đất nước phát triển theo đường lối của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Các đại biểu thống nhất: Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ có vai trò rất quan trọng trong việc thẩm tra, lấy ý kiến, trình các dự án luật. Bên cạnh đó cần tăng cường củng cố cơ quan pháp chế của các Bộ, ngành, góp phần xây dựng dự án luật đạt chất lượng ngay từ khâu đầu. Các đại biểu cũng cho rằng: Năm 2009 và những năm tiếp theo Lãnh đạo Quốc hội và Thường trực Chính phủ cần có sự thống nhất phối hợp công tác một cách cụ thể, chi tiết. Chẳng hạn việc bố trí lịch họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lịch họp Chính phủ không trùng thời điểm; trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua 13 dự án Luật, vì vậy trước 10 ngày diễn ra kỳ họp này Lãnh đạo Quốc hội và Thường trực Chính phủ cần trao đổi, thống nhất công tác chuẩn bị thật chi tiết.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận xét, Quốc hội và Chính phủ đã có sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ thường xuyên từ khâu xây dựng dự án luật cho đến khi đưa Luật, Nghị quyết vào cuộc sống. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, công tác xây dựng Luật, Pháp lệnh trong năm 2009 phải đảm bảo hiệu quả, tránh tình trạng đưa vào chương trình nhưng chất lượng dự án luật không cao, không giải quyết được các yêu cầu mà thực tiễn cuộc sống đặt ra. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc xây dựng luật pháp, phải bảo đảm đúng tiến độ, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tăng cường trả lời chất vấn của các Bộ trưởng trước Quốc hội - Ảnh Chinhphu.vn

Công tác chỉ đạo và giám sát giữa hai bên góp phần ngăn chặn hiệu quả suy giảm kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng tình với báo cáo của Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội và cho rằng, sự phối hợp giữa hai cơ quan ngày càng chặt chẽ, đi vào chiều sâu, hiệu quả, góp phần giúp mỗi cơ quan thực hiện tốt hơn chức năng của mình. Thực tế cho thấy công tác chỉ đạo và giám sát giữa hai bên đã đạt kết quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn có hiệu quả suy giảm kinh tế thời gian qua.

Thủ tướng đánh giá, công tác xây dựng luật thời gian qua đạt chất lượng ngày càng tốt hơn, ngày càng bám sát cuộc sống hơn.

Thủ tướng mong muốn, trước yêu cầu mới đặt ra, để phù hợp với thực tế khách quan, Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chính phủ cần phối hợp xử lý vấn đề nảy sinh một cách tỉnh táo, không bị động trong mọi hoàn cảnh.

Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cử thành viên tham dự các phiên họp của Thường trực Chính phủ theo chuyên đề để nắm rõ tình hình thực tế và những nội dung công tác cần phối hợp. Cứ 6 tháng phải có một cuộc họp giữa Lãnh đạo Quốc hội và Thường trực Chính phủ nhằm đánh giá tình hình và đề ra chủ trương, biện pháp mới cho việc phối hợp công tác giữa hai bên. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cần quan tâm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giám sát của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, đồng thời tăng cường trả lời chất vấn và nâng cao chất lượng trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thống nhất: Sau mỗi cuộc họp giữa hai bên cần có văn bản thông báo ý kiến kết luận để các Bộ, ngành, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện./.

(Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất