Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ tăng cường phát huy dân chủ trong toàn xã hội, đó là mục tiêu, là động lực phát triển đất nước.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri ở hai quận Ba Đình và Cầu Giấy chuẩn bị Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa 12, ngày 3/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trước những yêu cầu mới của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, hoạt động của Quốc hội ngày càng được đổi mới, cải tiến theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn cử tri đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết với Quốc hội, cũng như với quận, thành phố. Ý kiến của cử tri rất phong phú, đề cập đến những vấn đề vĩ mô của đất nước và cả những vấn đề rất cụ thể, thiết thân, những vấn đề dân sinh bức xúc liên quan đến đời sống hàng ngày của nhân dân.
Nhưng quan trọng hơn là qua tiếp xúc, đại biểu Quốc hội hiểu biết được tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của cử tri, có thêm thông tin, tư liệu thực tế để tham gia có chất lượng và hiệu quả hơn tại diễn đàn Quốc hội. Đồng thời, đại biểu Quốc hội cũng thông tin ngược trở lại về kết quả giải quyết những vấn đề cử tri phản ánh, kiến nghị, Chủ tịch Quốc hội nói.
Trước sự quan tâm của cử tri về yêu cầu ngày càng cao đối với công tác xây dựng luật cả về số lượng và chất lượng, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh muốn đi vào cuộc sống, luật phải phản ánh đúng thực tiễn cuộc sống, nhân dân và nhất là đội ngũ cán bộ công quyền phải hiểu biết, nắm vững luật; đồng thời phải hạn chế tình trạng luật khung, luật ống và đôn đốc Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn thực thi.
Khẳng định chính sách quản lý đất đai và giải phóng mặt bằng là vấn đề đại sự, lâu dài, Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất là cần thiết, kéo theo một bộ phận nông dân không còn đất sản xuất, vấn đề đặt ra là giải quyết công ăn việc cho nông dân bị thu hồi đất như thế nào, giúp bà con ổn định cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí cần phân loại thu hồi đất phục vụ công trình công cộng và thu hồi đất cho mục đích kinh doanh, từ đó có chính sách thỏa đáng, bảo đảm lợi ích cho người bị thu hồi đất.
Tại cuộc tiếp xúc, đa số cử tri đều bày tỏ phấn khởi, tin tưởng trước những đổi mới, cải tiến của Quốc hội theo hướng ngày càng thực chất, hiệu quả hơn, từ công tác tiếp xúc cử tri, đến công tác xây dựng luật, giám sát…
Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều vấn đề quốc kế dân sinh đã được bàn thảo kỹ lưỡng, dân chủ được phát huy mạnh mẽ, tăng niềm tin trong nhân dân. Quốc hội đã có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng luật nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, tuy nhiên luật khung, luật ống còn nhiều, việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa kịp thời, dẫn đến luật chậm đi vào cuộc sống.
Mặc dù chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, chất vấn tiếp tục được nâng cao, nhưng cử tri cho rằng phần trả lời của các thành viên Chính phủ cần rõ ràng hơn, đi thẳng vào vấn đề và cần làm rõ kết quả thực hiện những cam kết, những điều đã hứa trước Quốc hội.
Hầu hết ý kiến cử tri đều nêu những vấn đề có quan hệ thiết thân với cuộc sống như việc quy hoạch, việc bảo đảm chất lượng các công trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Gần đây, nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn đều có sự cố, khiến nhân dân băn khoăn.
Việc xây dựng các khu chung cư cao tầng không đi liền với xây dựng hệ thống hạ tầng như đường giao thông, trường học, bệnh viện... dẫn đến ách tắc giao thông, nhiều nhu cầu thiết yếu của người dân không được bảo đảm. Hoặc có những dự án đã được quy hoạch từ lâu nhưng chưa thực hiện, dẫn đến người dân vùng dự án gặp khó khăn trong việc ổn định cuộc sống...
Nhiều cử tri cũng đề nghị tổ chức đợt kiểm tra toàn bộ các dự án trên địa bàn thành phố, với sự tham gia của hệ thống chính trị ở khu dân cư.
Bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn là vấn đề nóng mà nhiều cử tri quan tâm. Cử tri cho rằng, giá cả bồi thường phải thống nhất giữa các thời điểm khác nhau, tránh tình trạng người chấp hành nghiêm chỉnh, lại được bồi thường mức thấp hơn so với những người chây ỳ, kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng, làm chậm tiến độ công trình.
Cử tri còn băn khoăn, lo ngại về nhiều vấn đề xã hội như bạo lực học đường, mê tín dị đoan, tình trạng sinh con thứ ba có chiều hướng tăng, vấn đề tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, bảo hiểm y tế, chất lượng đào tạo đại học, nội dung chương trình sách giáo khoa, vấn đề cho thuê đất rừng, bảo vệ rừng, tình trạng xét xử oan sai, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, việc kê khai tài sản thực hiện chưa nghiêm...
Nhiều cử tri đề nghị sớm ban hành Luật Thủ đô để giải quyết những vấn đề bức xúc hàng ngày ở khu dân cư, nhất là vấn đề quản lý lao động ngoại tỉnh./.
(Vietnam+)