Mùa Đông Xuân thời tiết lạnh, ẩm, bên cạnh đó nhu cầu đi lại, buôn bán
gia cầm tăng nhanh và đây cũng là thời điểm tập trung đông người ăn uống
làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như: cúm gia cầm, ho gà,
bạch hầu, sởi, rubella, viêm màng não do não mô cầu, tiêu chảy, liên
cầu lợn.
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh
trong Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa
Đông Xuân năm 2018, do Bộ Y tế tổ chức sáng 4/1, tại Hà Nội.
Nguy cơ xâm nhập nhiều bệnh
Tại Hội nghị, ông - Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)
nhấn mạnh, dịp Đông Xuân, các bệnh cúm, các nguy hiểm và mới nổi luôn
có nguy cơ cao xâm nhập vào Việt Nam như như: cúm A/H7N9, Mers-CoV, sốt
vàng, dịch hạch... nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng
chống dịch bệnh.
Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, kết quả giám sát cúm trong năm 2017
trên người ghi nhận trong toàn quốc chủ yếu là cúm A/H3N2 (37%), cúm
A/H1N1 (35%), cúm B (28%). Đặc biệt, trong năm qua tại Việt Nam không
ghi nhận cúm A/H7N9), A/H5N1. Các ổ dịch cúm trên gia cầm vẫn rải rác
xảy ra tại một số địa phương.
Trên thế giới, thông tin đáng chú ý là ở Anh hiện nay đã tạm ngưng 50.000 ca phẫu thuật tại bệnh viện vì dịch cúm mùa.
Năm 2017, bệnh sởi ghi nhận chủ yếu tại miền Bắc và một số tỉnh miền Nam
với 431 trường hợp phát ban nghi sởi, không có trường hợp tử vong.
Bệnh sốt xuất huyết ghi nhận tại 63 tỉnh, thành phố với hơn 183.000
trường hợp mắc, 30 trường hợp tử vong. Bệnh tay chân miệng ghi nhận hơn
105.000 trường hợp mắc, 1 trường hợp tử vong
Bộ trưởng đề nghị các cơ sở y tế tăng cường phát hiện sớm các trường hợp
mắc bệnh, điều trị kịp thời để giảm các trường hợp mắc bệnh, tử vong và
vấn đề chú trọng vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện; hạn chế lây nhiễm chéo
trong bệnh viện.
Nâng cao tỷ lệ tiêm chủng
Theo người đứng đầu ngành y tế, thời tiết hiện nay rât thuận lợi cho
virus phát triển, nếu không thực hiện tốt công tác tiêm chủng thì nhiều
loại dịch bệnh, nhất là các bệnh về hô hấp, bệnh truyền nhiễm sẽ bùng
phát. Bởi nếu số mắc tăng nhanh thì tử vong chắc chắn sẽ có, chính vì
vậy cần hết sức chú ý.
Trong khi đó, theo thống kê của ngành y tế, tỷ lệ tiêm chủng hiện nay
chưa bao phủ được trên 95% ở quy mô xã, phường. Tuy kết quả giám sát chỉ
phát hiện những chủng virus cúm thường nhưng các ổ dịch cúm trên gia
cầm vẫn rải rác tại một số địa phương nên tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh sang
người.
“Tỷ lệ tiêm chủng ở nước ta có nơi đạt tốt, có nơi đạt tỷ lệ tốt nhưng
cũng có nơi tỷ lệ tiêm vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván và sởi chưa đạt
được như mong muốn. Vấn đề tiêm vắc xin phải xem lại, nhất là tại các
tỉnh miền núi phía Bắc, thậm chí cả thành phố Hà Nội và các tỉnh lân
cận. Phải đẩy mạnh công tác tiêm chủng”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị
Kim Tiến chỉ rõ.
Vì vậy, một trong những biện pháp quan trọng được ngành y tế đặt ra
trước mắt là nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, không để dịch cúm, sởi, sốt xuất
huyết… bùng phát.
Để phòng chống dịch bệnh mùa Đông Xuân, Bộ Y tế đã chỉ đạo toàn hệ thống
y tế dự phòng tăng cường giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ
dịch tại cộng đồng, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng và tăng cường truyền thông
phòng chống dịch bệnh.
Trong thu dung điều trị, Bộ trưởng lưu ý, với các bệnh nhân cúm thông
thường, viêm đường hô hấp trên chưa biến chứng đề nghị không nhập viện
mà hẹn khám, điều trị ban ngày để tránh nhiễm khuẩn khi chưa cần thiết
nhập viện. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cần sàng lọc bệnh nhân, phân
luồng hợp lý để tránh lây chéo bệnh giữa các bệnh nhân./.
Thùy Giang (Vietnam+)