Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 12/12/2009 11:21'(GMT+7)

Tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt-Nga

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nga Putin.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nga Putin.

Thủ tướng cũng tham dự phiên thảo luận Cấp cao của Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP15) và Hội nghị lần thứ 5 các bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP5) tại Copenhagen, Vương quốc Đan Mạch từ ngày 16 đến 18/12/2009.

Chuyến thăm nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với Liên bang Nga, đồng thời khẳng định quyết tâm của Việt Nam chung tay góp sức cùng cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Việt Nam và Liên bang Nga vốn có mối quan hệ truyền thống rất tốt đẹp về nhiều mặt. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, cũng như cấp bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, hai bên đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Nga V.Putin năm 2001.

Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từ ngày 26 đến 29/10/2008 đã tạo động lực mới cho quan hệ hai nước tiếp tục phát triển. Hai bên có cùng quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, APEC, ASEAN, ARF.

Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước không ngừng
phát triển trong những năm gần đây. Kim ngạch thương mại hai chiều từ khoảng 350-400 triệu USD vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước đã lên tới hơn 1 tỉ USD vào năm 2007, trung bình tăng 15%/năm.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là thủy hải sản, may mặc, cao su, giầy dép; các mặt hàng nhập khẩu chính là than, thép, phôi thép, phân bón, xăng dầu. Năm 2008, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,6 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nga 671 triệu USD và nhập khẩu từ Nga 970 triệu USD…

Trong lĩnh vực đầu tư, Nga có 55 dự án với tổng số vốn là 302,9 triệu USD, đứng thứ 23/81 các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Dầu khí, năng lượng vẫn là lĩnh vực hợp tác truyền thống và hiệu quả, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách hai nước Việt-Nga.

Hai bên đã ký Nghị định thư chuyển đổi Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên sau năm 2010. Nga và Việt Nam tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực dầu khí không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Nga và tiến tới ở các nước thứ ba.

Bên cạnh đó, Nga tiếp tục hợp tác tốt với Việt Nam trong việc hiện đại hóa và xây mới các công trình năng lượng tại Việt Nam. Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cũng đang mở rộng hợp tác với Petrovietnam.

Trong chuyến thăm này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, dự kiến hai bên sẽ ký kết nhiều văn bản hợp tác quan trọng, trong đó có thỏa thuận lập liên doanh giữa Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga với Petrovietnam tại Nga; giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Điện năng Nga; khai trương Ngân hàng liên doanh Việt-Nga…

Hợp tác khoa học công nghệ,
giáo dục đào tạo, du lịch được tăng cường, hợp tác văn hóa được khôi phục. Các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước diễn ra sôi nổi. Nga vẫn là một trong những nước góp phần đào tạo nguồn nhân lực chính của Việt Nam.

Hiện nay, hàng năm Nga cấp cho Việt Nam hơn 250 suất học bổng đào tạo đại học và sau đại học tại các trường của Nga. Ngoài ra, số lượng lưu học sinh Việt Nam sang Nga du học tự túc lên đến hơn 5.000 người.

Sau chuyến thăm làm việc tại Liên bang Nga, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự phiên thảo luận cấp cao của Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc (COP15) về biến đổi khí hậu và Hội nghị lần thứ 5 các bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP5) tại Copenhagen, Vương quốc Đan Mạch.

Hội nghị Thế giới về biến đổi khí hậu tại Copenhagen lần này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi các nước tham dự sẽ đưa ra các thỏa thuận quốc tế mới để ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu giai đoạn sau năm 2012, thời hạn cam kết đầu tiên của Nghị định thư Kyoto kết thúc.

Hội nghị cũng sẽ thảo luận một số vấn đề liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Nghị định thư Kyoto; các cơ chế tăng cường năng lực và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính của Nghị định thư Kyoto…

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu tại phiên Toàn thể cấp cao. Đặc biệt Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo bên lề với chủ đề “Việt Nam ứng phó với Biến đổi khí hậu”; tham dự và trình bày báo cáo tại một số hội thảo bên lề với các nội dung về sửa đổi, bổ sung Nghị định thư Kyoto; cam kết giảm khí thải sau năm 2012; chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; các vấn đề về tài chính...

Là nước nằm trong số ít các nước chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chủ động, tích cực trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì vậy, nhiều nước mong muốn Việt Nam là cầu nối giữa các nước đang phát triển và phát triển trong việc thống nhất các quan điểm về hợp tác dài hạn liên quan đến biến đổi khí hậu.

Tại hội nghị COP15 lần này, Việt Nam đưa ra 5 quan điểm, đó là tất cả các quốc gia trên thế giới cần chung tay, góp sức trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu; các nước phát triển cần tiên phong đưa ra các cam kết và mục tiêu giảm phát khí thải nhà kính trung hạn và dài hạn mang tính chất nghĩa vụ nhằm ổn định nồng độ khí thải nhà kính dưới mức 400 phần triệu (ppm) để giới hạn nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2°C vào cuối thế kỷ này.

Các quốc gia phát triển cần hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ cho những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu; các nước đang phát triển cần tích cực đóng góp vào sự nỗ lực toàn cầu; Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto phải tiếp tục là các văn kiện pháp lý cơ bản cho cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu./.

TG- TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất