* Ngày 2/4, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đảng viên"
Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thời gian tới, Quảng Nam đặc biệt tập trung kiện toàn mô hình một số loại hình tổ chức Đảng như: các chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã, phường, thị trấn (thôn, khối phố, trường học, quân sự xã,…) và tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Riêng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp sẽ kiện toàn, sắp xếp lại theo hướng: Đối với các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ở các Khu công nghiệp và một số tổ chức Đảng trong doanh nghiệp nhà nước sẽ trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp; đối với các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp còn lại chuyển giao về các Huyện ủy, Thành ủy quản lý…Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam cũng xác định thời gian tới tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; thường xuyên kiện toàn, củng cố và xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, thường xuyên kiện toàn, củng cố đội ngũ cấp ủy, Bí thư chi bộ, đảng bộ thực hiện nhất thể hóa các chức danh chủ chốt; tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên…
Qua 5 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có bước chuyển biến rõ nét. Nhiều tổ chức cơ sở Đảng giữ vững và phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác phát triển đảng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ được quan tâm đúng mức. Đội ngũ cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên cả về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, trong thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW tại địa phương vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Nhiều chi bộ chưa tổ chức được các sinh hoạt chuyên đề, kết qủa lấy phiếu nhận xét, đánh giá về sinh hoạt chuyên đề chỉ có 15,8% ý kiến cho rằng sinh hoạt chuyên đề ở các chi bộ là tốt. T ỷ lệ đảng viên không đều giữa các vùng, có nơi chi bộ trực thuộc qúa đông đảng viên (trên 30 đảng viên), có nơi còn ít đảng viên (3-4 đảng viên); tuổi bình quân trong Đảng ở các chi bộ nông thôn cao, 80-90% đảng viên là cán bộ hưu trí. Hiện nay toàn tỉnh còn 34/1.718 thôn, khối phố chưa có chi bộ. Một số đơn vị có tỷ lệ cán bộ, công chức xã đạt chuẩn thấp như Tây Giang (18,36%), Đông Giang (26,96%), Nam Trà My (35,17%), Nam Giang (37,26%)... Bên cạnh đó, tỷ lệ tổ chức Đảng ở các doanh nghiệp tư nhân còn thấp; đặc biệt chưa có tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, việc kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân còn hạn chế…
* Toàn tỉnh Phú Thọ có 18 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, với 806 tổ chức cơ sở Đảng, 4.645 chi bộ trực thuộc Đảng uỷ cơ sở và 88.733 đảng viên. Qua đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh (TSVM) các năm đều đạt từ 60 đến trên 70% số cơ sở; số cơ sở Đảng yếu kém hàng năm giảm dần, còn dưới 1%.
Trong quá trình tiến hành công tác phân loại tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, các tổ chức Đảng đã thực hiện nghiêm túc quy trình lấy ý kiến của chi bộ nơi đảng viên cư trú, xây dựng báo cáo kiểm điểm của chi bộ, đảng bộ và đảng viên theo đúng hướng dẫn. Nội dung báo cáo tập trung làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chính trị của đơn vị và đề ra phương hướng trong thời gian tới. Phần lớn các báo cáo kiểm điểm của cấp ủy, chi bộ, đảng bộ đã phân tích những tồn tại yếu kém, thông qua việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), thể hiện rõ tính chiến đấu của Đảng. Tuy nhiên, việc đánh giá chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên ở một số chi bộ còn mang tính hình thức, thiếu nghiêm túc. Nhiều đảng bộ, tỷ lệ khen thưởng qúa cao vượt mức quy định như Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hoá chất Lâm Thao, huyện Hạ Hoà, Thanh Thuỷ, Thanh Ba, Tân Sơn, Đoan Hùng... Nguyên nhân chính là do nhiều cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ mục đích, yêu cầu của việc đánh giá phân loại tổ chức Đảng và đảng viên, chưa nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá đúng, trúng những nhược điểm, yếu kém của đơn vị, địa phương; trong tự phê bình và phê bình còn nể nang, nhất là việc phân loại đảng viên không đúng hướng dẫn của Tỉnh ủy.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Hoàng Dân Mạc cho biết, trong thời gian tới việc đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên sẽ được đổi mới, đi vào nền nếp, chặt chẽ, chính xác; đặc biệt có sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. Tỉnh ủy Phú Thọ xác định việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của các cấp ủy Đảng. Các tổ chức Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị, địa phương từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát huy tiềm năng hiện có, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; không ngừng củng cố và xây dựng tổ chức Đảng trên cả 3 lĩnh vực: Chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trước hết coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ đảng viên, trọng tâm là đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, không ngừng phát huy dân chủ trong Đảng, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), thường xuyên chăm lo công tác phát triển Đảng, xây dựng tổ chức Đảng ngày một lớn mạnh, sức chiến đấu của Đảng ngày một nâng lên, củng cố các tổ chức chính trị xã hội, tạo khối đoàn kết toàn dân./.
Theo TTXVN