(TG) - Tình hình dịch cúm gia cầm độc lực cao đang diễn biến phức tạp trên thế
giới, có khả năng xâm nhập vào Việt Nam và lây truyền sang người.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm
gia cầm; thường xuyên tổ chức các đợt tiêu độc, khử trùng tại các chợ
gia cầm sống, đặc biệt là các chợ đầu mối, các trang trại chăn nuôi gia
cầm; tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành virus
cúm trên các đàn gia cầm, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch; thông
báo kịp thời cho Bộ Y tế để triển khai ngăn ngừa lây lan sang người.
Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai
đồng bộ, có hiệu quả công tác ngăn chặn, bắt giữ gia cầm buôn lậu qua
biên giới.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các cơ quan liên quan
tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi kinh
doanh gia cầm nhập lậu, không để xảy ra hiện tượng buôn bán, vận chuyển
gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc
trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối .
Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn,
các Bộ, cơ quan liên quan, các Tổ chức quốc tế theo dõi tình hình dịch
bệnh mới nổi, triển khai tích cực các biện pháp phòng chống dịch, tổ
chức điều trị kịp thời khi phát hiện có bệnh nhân mắc cúm A/H7N9.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói
Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng
cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn ngừa cúm gia
cầm lây lan sang người theo các khuyến cáo của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn.
Bộ Tài chính đảm bảo đủ kinh phí để các hoạt động phòng chống dịch được
chủ động triển khai sớm, có hiệu quả; bố trí kinh phí dự phòng, sẵn sàng
cấp bổ sung trong trường hợp xảy ra các ổ dịch cúm trên gia cầm, lây
sang người và trên diện rộng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ
đạo các ban, ngành và các lực lượng liên quan của địa phương tăng cường
thực hiện việc ngăn chặn nhập lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua
biên giới; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản
p hẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các chợ đầu
mối.
Các tỉnh, thành tổ chức tốt việc giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, xử lý
kịp th ời các ổ dịch bệnh trên gia cầm và ở người; tăng cường kiểm tra
việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến,
tiêu thụ và vận chuyển gia cầm; tổ chức chiến dịch tuyên truyền về tình
hình dịch bệnh gia cầm có thể xâm nhập và lây lan trong cộng đồng, các
biện pháp vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, các yếu tố nguy cơ
của việc sử dụng gia cầm không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc và các
biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm; tổ chức các đoàn kiêm tra liên
ngành kiểm tra, giám sát, đánh giá sự sẵn sàng phòng chống dịch và chỉ
đạo việc thực hiện phòng chống dịch cúm gia cầm tại địa phương./.
TG