Thứ Bảy, 23/11/2024
Y tế - Dân số
Chủ Nhật, 17/5/2020 10:13'(GMT+7)

Tăng huyết áp: Nguy cơ dẫn đến gánh nặng bệnh tật và tử vong

Tăng huyết áp được coi là yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Mức huyết áp tâm thu từ 115mgHg trở lên được ước tính là góp phần vào 49% của tổng số trường hợp bệnh mạch vành tim và 62% tổng số đột quỵ.

Huyết áp là một chỉ số cho biết áp lực bơm máu trong cơ thể. Số đo huyết áp  được biểu diễn bằng đơn vị mmHg (hay cmHg)  bao gồm 2 thành phần: Trị số huyết áp tâm thu (số ở trên) nói lên khả năng bơm máu của tim, trị số huyết áp tâm trương (số ở dưới) nói lên trương lực của động mạch để duy trì dòng máu chảy trong hệ thống mạch máu. Chẩn đoán tăng huyết áp khi đo huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương  ≥90mmHg.

Tăng huyết áp còn được gọi là “kẻ giết người” thầm lặng vì chúng thường không có những biểu hiện hay triệu chứng cảnh báo trước và thậm chí có người còn không biết mình bị bệnh.

Gánh nặng bệnh tật và tử vong do tăng huyết áp và các bệnh mạn tính không lây liên quan là một trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng cấp bách nhất hiện nay. Các triệu chứng tăng huyết áp không phải lúc nào cũng thể hiện ra bên ngoài. Có người thấy đau đầu, buồn nôn, chóng mặt nên đi khám phát hiện ra bệnh; nhưng có người phát hiện bệnh tăng huyết áp thì đã có biến chứng ở tim, não, mắt, thận, mạch não...

Tăng huyết áp được xếp cùng nhóm với các rối loạn, bệnh lý nguy hiểm khác như béo phì, tiểu đường tuýp 2, cholesterol cao... Các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp là tuổi tác, thừa cân - béo phì, lối sống (ăn mặn, thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu bia thuốc lá, yếu tố tiền sử gia đình... Một thống kê năm 2015 của Hội Tim mạch học Việt Nam thực hiện trong quần thể 44 triệu người tại 8 tỉnh thành trên toàn quốc đã ghi nhận trên 5.400 người trưởng thành (từ 25 tuổi trở lên) mắc tăng huyết áp.

Đặc biệt, tăng huyết áp và tiểu đường là hai bệnh riêng biệt nhưng chúng có mối liên quan khá mật thiết với nhau, thường song hành với nhau. Đã mắc bệnh tăng huyết áp thì rất dễ bị tiểu đường và ngược lại. Còn khi đã mắc cả hai bệnh thì nguy cơ biến chứng rất cao và gây khó khăn trong việc chữa trị.

Đại đa số các bệnh nhân bị cao huyết áp thường không có các dấu hiệu nào cảnh báo trước. Nhiều bệnh nhân hoàn toàn cảm thấy bình thường, do vô tình khám sức khỏe mới biết bị bệnh. Do vậy, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có nguy cơ cao (như lớn tuổi, béo phì, ít vận động, trong gia đình đã có người thân bị cao huyết áp...) là hết sức cần thiết và quan trọng.

Theo các chuyên gia tim mạch, điều trị tăng huyết áp là việc lâu dài và liên tục, việc chủ động phòng ngừa bệnh tăng huyết áp là cần thiết nhất. Ngay từ lúc còn trẻ đã phải cố gắng thực hiện được một lối sống lành mạnh để hạn chế đến mức tối đa các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áo.

Cụ thể là: không hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế rượu bia, ăn nhạt, hạn chế các thức ăn có nhiều chất béo bão hòa (chất béo động vật), các thức ăn có chứa nhiều chất bột đường, thịt đỏ hay thức ăn chế biến sẵn.

Ăn uống lành mạnh, tăng cường rau xanh trong các khẩu phần ăn hằng ngày, tập thể dục đều đặn và đi bộ nhẹ nhàng hàng ngày (30- 60phút/mỗi ngày), tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm. Khi có chỉ định của thầy thuốc cần uống thuốc đều, lâu dài kể cả khi chỉ số huyết áp được hạ xuống mức bình thường.

Lan Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất